Minh họa: TRẦN NGỌC SINH
"Em về chịu khó phụ việc, chỗ ngủ miễn phí, còn ăn uống tự lo". Thế mà mẹ tôi chê: "Du học là ra xem thế giới người ta khác mình thế nào, chứ rúc vào người Việt thì mở mang được cái gì".
Tôi cãi: "Con ở với khách du lịch tứ xứ chứ. Đỡ mẹ khối tiền còn gì". Mẹ chưa chịu im: "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Cứ chống mắt lên xem".
Heinz, chồng chị Trang, vui vẻ gõ ngón tay vào chữ W "Không có trong bảng chữ cái tiếng Việt nhỉ? Tặng cô không gian này sử dụng cho dễ nhớ. Trang đang học thêm quản lý doanh nghiệp nên tôi trực tiếp hướng dẫn và giao việc cho cô".
Tôi xếp đồ vào chiếc tủ có dán chữ W, rồi leo lên giường tầng cũng gắn chữ W hối hả bọc vỏ chăn vỏ gối. Cuộn người trong chăn ấm, tôi tận hưởng thế giới riêng, thực sự bắt đầu quãng đời du học.
Giá trọ ở Bell Clocks chỉ 40 CHF* mỗi đêm nên đông khách. Tôi vẫn có không gian yên tĩnh học hành vì ai cũng thích đi sớm về muộn, tận dụng triệt để mỗi ngày ở Thụy Sĩ.
Kiểu điều hành của Heinz chính xác như kim đồng hồ Zytglogge. Làm gì có giá rẻ, chỉ có giá tiết kiệm. Khách lấy phòng nhận luôn vỏ chăn gối đệm. Trả phòng phải tháo đồ, bàn giao quầy lễ tân. Hai khu phòng tắm và vệ sinh chung, trái nam, phải nữ. Tám phòng trọ trên tầng hai.
Mỗi phòng hai khối giường tầng, bồn rửa mặt và đánh răng, gương treo sát cửa ra vào, tủ sắt chia bốn ngăn phân theo từng chữ cái, một bàn một ghế vừa lọt góc phòng. Heinz chỉ thuê nhân viên lau dọn vệ sinh chung ba ngày lẻ trong tuần. Việc còn lại anh và tôi đảm nhiệm.
Cũng không có gì nặng nhọc. Tôi dậy từ 5 giờ, nhẹ nhàng xuống tầng, vào khu sinh hoạt chung. Kéo những chiếc gối tựa ngay ngắn trở lại sofa, quay gáy sách và lật bìa tạp chí ra ngoài.
Bật công tắc nến điện, chỉnh ăngten chiếc đài cổ nghiêng 45 độ, xoay bình hoa đúng góc ưa nhìn, tô dòng chữ hơi mờ trên bảng đen nhắc khách giữ gìn không gian chung. Heinz làm dịch vụ nhưng ít nói. Anh thích viết hơn. Không gian nào cũng chi chít chi tiết hướng dẫn.
Quý khách thân mến. Đây là phòng khách chung và gian bếp tự phục vụ. Sử dụng miễn phí 365 ngày/năm, 24 giờ/ngày với điều kiện quý khách tự lau chùi dọn dẹp. Bếp liên thông phòng khách cũng trắng như bướm đậu các mảnh giấy ép nhựa "tủ cốc chén", "ngăn xoong, chảo", "dùng xong rửa ngay, lau khô, xếp đúng chỗ"...
Thế thì còn việc gì ghê gớm cần tôi? Mỗi buổi sáng, sau những việc đầy thư giãn trong phòng khách, tôi ngập ngừng vào bếp. Đối diện chiếc tủ lạnh lớn, tôi phải hít một hơi thật dài mới dám mở. Có khi nào chị Trang cho tôi trọ miễn phí vì nỗi ngán này. Trước đây là việc của chị, nay chị đùn cho tôi.
Mẹ tôi tấn công trở lại: "Người mình hay mẹo vặt, khôn lỏi thế đó".
Khách trọ châu Á sử dụng không gian chung khá rón rén, chịu khó lau chùi cả phần người khác. Tôi mến Lin - khách trọ Trung Quốc đăng ký ở một tuần. Chị vào bếp là vòi nước, nồi xoong sáng bóng.
Tôi có ý thù bà khách Anh. Sáng ấy, tôi bị kéo khỏi bếp vì một khách Úc hỏi có biết người nào cũng muốn đi Zurich để thuê chung xe. Tôi quên khuấy cái chảo đang rán mấy miếng gà tẩm bột.
Bà khách Anh đang trộn sa lát trong bếp, không thèm gọi, cũng không nỡ thò tay tắt giúp bếp. Khói và mùi cháy xộc ra phòng khách. Heinz lạnh lùng: "Khách cần thông tin phải ra quầy lễ tân. Cô đang đứng bếp mà ra phòng khách trả lời là buôn chuyện, không phải tiếp chuyện. Phí lau chùi vệ sinh hôm nay cô trả".
Chị Trang xoa dịu: "Heinz ấy mà, cho chị cả nghìn CHF mua đồ trang sức không tiếc. Có đợt chị lén rút tiền, mỗi ngày giấu một ít thôi. Định tích thành món gửi về nhà. Anh ấy lục đồ của chị lấy lại đúng số tiền đó, không nói một lời. Chị xách vali đi ngay. Nhưng lúc ngồi chờ xe, nghĩ lại, thấy Heinz cũng có lý...".
Giời đất ạ, thấy Heinz có lý thì chị cứ làm tiếp cái công việc mở tủ lạnh hàng sáng đi. Chị có thanh thản được không khi biết tôi đau khổ lôi ra từng đùi gà, từng bắp ngô luộc, những hộp cơm trộn, mì xào, khoai bào nướng pho mát... còn thơm mùi dinh dưỡng sống, ném tọt xọt rác?
Túi nhựa tiêu chuẩn bảo quản lạnh, nhãn dán và bút để sẵn trong giỏ nhựa trên tủ lạnh. Dòng chữ "Thức ăn không đề ngày tháng, tên người dùng, sẽ bị vứt vào sáng hôm sau" cũng dính ngay cánh tủ. Nhiều khách trọ vẫn quên.
Thêm một lần tôi lãnh đủ vì không nỡ vứt chiếc pizza vô chủ trong ngăn đông lạnh. Đông lạnh là an toàn rồi còn gì.
Vị khách trọ Đức cũng để pizza trong đó bực bội: "Vừa phá luật vừa ô nhiễm cả bánh của tôi". Heinz, vẫn lạnh như đá mỗi khi tôi sai: "Vứt hết đồ ăn trong tủ. Xin lỗi từng khách, trả lại tiền hoặc mua thức ăn mới cho họ".
"Chết rồi. Tối qua chị quên dán nhãn hộp cơm. Em vứt rồi à? Vứt ở đâu bảo chị?". Chị Lin đi Interlaken trở lại đúng lúc tôi từ trường về, xuống bếp định nấu bữa tối.
Tối qua chị còn bảo "đưa đĩa em đây chị rửa luôn", chị còn nhớ phơi khăn lau trước khi ra khỏi bếp. Lúc cầm hộp cơm ném thùng rác, tai tôi ù ù lời sấm của bà nội "phí hoài ngọc thực chết hóa kiếp chuột cống, không được đầu thai làm người".
Tôi tha thiết sẻ gói mì, khúc dưa chuột, Lin vẫn lắc đầu, lê chân lên phòng ngủ. Tôi không ăn nổi, về phòng gọi điện cho mẹ, chẳng giấu nữa. Mẹ đi đâu không nhấc máy. Tôi ầm ầm mở tủ lôi vali ra, nhồi quần áo sách vở. Chữ W khẽ rùng mình, chúc mũi thành chữ M. Tôi kiên nhẫn ngồi xoay đầu chữ mà không được. Máy đổ chuông, giọng mẹ "Ổn cả chứ?", tôi đáp khẽ "Vâng".
(*): tiền Thụy Sĩ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận