09/11/2015 08:21 GMT+7

Nhân viên Vinalines Nha Trang bị “xù” lương?

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TT - Hơn 100 thuyền viên của Công ty CP Vinalines Nha Trang vẫn chạy ngược chạy xuôi đi đòi số tiền lương bị nợ lên tới gần 7 tỉ đồng.

Nhiều thuyền viên và thân nhân đến trước trụ sở Công ty CP Vinalines Nha Trang trên tầng 7 tòa nhà Cát Bi Plaza để đòi tiền lương bị nợ hơn hai năm nay - Ảnh: Tiến Thắng
Nhiều thuyền viên và thân nhân đến trước trụ sở Công ty CP Vinalines Nha Trang trên tầng 7 tòa nhà Cát Bi Plaza để đòi tiền lương bị nợ hơn hai năm nay - Ảnh: Tiến Thắng

Hơn một năm sau khi Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang cổ phần hóa, chuyển thành Công ty CP Vinalines Nha Trang, hơn 100 thuyền viên của công ty này vẫn chạy ngược chạy xuôi đi đòi số tiền lương bị nợ lên tới gần 7 tỉ đồng.

Sau khi nghỉ việc tại Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang hơn hai năm, ông Lê Đình Thủy (40 tuổi, trú tại phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vẫn loay hoay không biết làm cách nào để lấy lại được số tiền gần 100 triệu đồng của 8,5 tháng lương bị công ty cũ nợ đọng để trang trải cuộc sống gia đình và lo chi phí chữa trị căn bệnh sỏi thận của mình.

“Tại thời điểm khi ký biên bản bàn giao tài sản, khi đi kiểm kê để tiếp nhận, chúng tôi phát hiện trong két của Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang (TP Nha Trang) chỉ còn vỏn vẹn... 11.500 đồng, cùng giấy tờ đứng tên các tài sản khác như một nhà máy ximăng, khách sạn, hai tàu biển Hoa Lư và Âu Cơ...

Bà ĐINH THỊ HƯƠNG (trưởng phòng tổ chức - tiền lương Công ty CP Vinalines Nha Trang)

Chạy ngược chạy xuôi đòi lương

Năm 2013, cả gia đình ông Thủy không khỏi vui mừng khi ông tìm được công việc thợ cả trên tàu Âu Cơ của Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang với mức lương hơn chục triệu đồng/tháng. Nhưng chưa đầy một năm, ông Thủy phải nghỉ việc vì công ty này nợ tới 8,5 tháng lương mà chưa chi trả.

Và từ ngày 1-8-2014, công ty cũ chuyển thành công ty cổ phần, trụ sở từ Nha Trang (Khánh Hòa) dời về TP Hải Phòng, ông Thủy cùng hơn 100 thuyền viên ở nhiều địa phương khác phải tìm đến trụ sở công ty mới để đòi tiền lương bị nợ. Tuy nhiên, lần nào gặp cũng chỉ nhận được câu trả lời sẽ thanh toán nợ trong thời gian sớm nhất, nhưng cụ thể thời gian là bao lâu thì không được biết.

Ngồi trong căn nhà cấp bốn lụp xụp vỏn vẹn 30m2 - nơi ở của năm người (hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ và người mẹ già bị bại liệt nhiều năm nay), ông Thủy cho biết hiện tại kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ công việc làm giày da của vợ, bản thân ông vì căn bệnh sỏi thận phát sinh chưa có tiền chữa trị nên không còn tiếp tục công việc trên tàu được nữa.

Tương tự, anh Nông Văn Tiếp (24 tuổi, ở Yên Thế, Bắc Giang) làm việc trên tàu Hoa Lư - do Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang quản lý - trong hai năm, cũng cho biết không nhớ hết đã bao nhiêu lần phải lặn lội cả trăm cây số từ Bắc Giang đến TP Hải Phòng để đòi số tiền lương mà công ty cũ chưa thanh toán.

Trước đó, Công ty CP Vinalines Nha Trang hứa hẹn chắc như đinh đóng cột rằng sẽ thanh toán số tiền lương ngay sau khi anh Tiếp chịu bàn giao lại công việc trên tàu Hoa Lư cho thuyền viên mới.

Cầm tờ thống kê toàn bộ số thuyền viên cùng khoản tiền lương còn nợ mà công ty đã xác nhận, anh Tiếp ngán ngẩm cho biết 12 tháng lương với số tiền 89 triệu đồng bị công ty nợ nhưng lần nào đến đòi cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng công ty rất “thông cảm” rồi hứa khi nào có tiền sẽ chi trả ngay lập tức.

“Hàng năm trời quần quật làm chỉ trông chờ đồng lương nhưng giờ tiền chưa thấy đâu mà công sức đi đòi nợ ròng rã hơn hai năm nay thật cũng đã quá sức chịu đựng đối với chúng tôi” - anh Tiếp bức xúc.

Nhập nhằng trách nhiệm

Bà Đinh Thị Hương - trưởng phòng tổ chức - tiền lương của Công ty CP Vinalines Nha Trang - xác nhận việc nợ lương hơn 100 thuyền viên của Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang (nay là Công ty CP Vinalines Nha Trang) với tổng số tiền xấp xỉ 7 tỉ đồng, chưa kể các khoản nợ khác lên tới gần trăm tỉ đồng.

“Từ khi công ty mới được thành lập, các thuyền viên liên tục tìm đến trụ sở công ty (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) để đòi số tiền lương bị công ty cũ nợ, chúng tôi chỉ biết tiếp nhận và báo cáo về Tổng công ty Hàng hải VN - đơn vị quản lý doanh nghiệp này - để xin ý kiến chỉ đạo chứ chưa thể xử lý” - bà Hương nói.

Theo bà Hương, Công ty CP Vinalines Nha Trang được thành lập từ ngày 1-8-2014, sau khi được Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang ký biên bản bàn giao tài sản. Tuy nhiên, do những vướng mắc về việc nợ lương thuyền viên cũng như các khoản nợ khác, nên việc bàn giao toàn bộ tài sản từ công ty cũ cho công ty mới đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Trong khi đó, bà Hương cho rằng theo quy định của pháp luật, khi công ty cũ chưa bàn giao tài sản thực tế thì công ty mới - Công ty CP Vinalines Nha Trang - không thể mang tiền của mình để chi trả tiền lương thuyền viên của công ty đó.

“Dù muốn hay không, phải chờ việc bàn giao tài sản của công ty cũ cho Công ty CP Vinalines Nha Trang được hoàn tất, khi đó chúng tôi mới có quyền được bán bớt tài sản để thanh toán tiền nợ lương cho thuyền viên cũng như các khoản nợ khác” - bà Hương khẳng định.

Tuy nhiên, về thời gian hoàn tất việc bàn giao này, bà Hương cho biết lãnh đạo của Tổng công ty Hàng hải VN cũng đang rất “sốt ruột”, chỉ đạo rất rốt ráo nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại biên bản làm việc với các thuyền viên ngày 17-10-2014, ông Nguyễn Trung Cương - phó tổng giám đốc Công ty CP Vinalines Nha Trang - khẳng định công ty này sẽ chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nợ lương của Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang để lại và tiến hành lập danh sách số tiền nợ đối với từng thuyền viên tính đến hết ngày 31-7-2014.

Nhiều thuyền viên bức xúc cho rằng chính sự bất nhất của lãnh đạo công ty mới khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn, bị nợ tiền nhưng đòi không được.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu (Đoàn luật sư Hà Nội):

Doanh nghiệp CPH phải trả nợ lương

Theo Luật doanh nghiệp năm 2006 và các văn bản hướng dẫn dưới luật liên quan đến việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trường hợp doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khoản nợ như Vinalines vẫn có thể được CPH.

Theo đó, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp (bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình) làm cơ sở để CPH, cần phải xử lý tài chính bao gồm tài sản, các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả.

Và theo quy định tại nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ (khoản 1, điều 16), những khoản nợ phải trả sẽ được thỏa thuận với các chủ nợ bằng văn bản xử lý nợ hoặc chuyển nhượng thành vốn góp.

Theo đó, doanh nghiệp CPH sẽ thừa kế quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ. Do vậy, Công ty CP Vinalines Nha Trang phải có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ mà công ty đã nhận bàn giao khi CPH.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp