Dưới đây là chia sẻ của anh Cao Văn Liêm, 28 tuổi, hiện sống và làm việc tại Hải Dương, về việc học lái xe:
Năm 2021, nghe theo lời khuyên của gia đình, tôi quyết định đăng ký học và thi bằng lái xe B2. Tuy nhiên, gia đình tôi không phải thuộc diện khá giả, chưa biết khi nào mới đủ khả năng mua một chiếc ô tô.
Tôi có bằng ngay vào cuối năm 2021. Nhưng từ đó đến nay đã 2 năm mà tôi hiếm khi có cơ hội cầm lại chiếc vô lăng. Việc không có xe lái thường xuyên khiến tay lái tôi cứng đơ mỗi lần cầm lái. Thậm chí với những dòng xe số sàn, tôi thường xuyên để chết máy do cảm giác chân kém.
Trong những chuyến đi xa cùng bạn bè, tôi vẫn thường cầm lái hộ mọi người những lúc mỏi. Thế nhưng có lẽ tôi chỉ lái phụ được trên những đoạn đường cao tốc hay quốc lộ mà không đòi hỏi việc xử lý tình huống quá nhiều. Tôi sợ cảm giác bị xe khác vượt qua, và luôn bối rối mỗi khi xe đằng sau nháy đèn hoặc bấm còi. Có lần tôi đã suýt gây ra tai nạn vì chủ quan.
Kinh nghiệm lái xe ít sẽ là một trở ngại với bất kỳ ai như tôi. Việc lái xe đòi hỏi nhiều giờ đồng hồ bạn phải ngồi sau vô lăng rèn luyện để xử lý tình huống. Bạn cũng cần có thời gian để hiểu xe của chính mình, từ độ rộng ngang đến độ dài mũi xe để làm sao căn chỉnh thật tốt khi di chuyển trên đường.
Tôi cảm thấy mình đã vội vàng khi thi bằng lái, dù nhiều người cho rằng điều này sẽ có lợi trong tương lai. 17 triệu là một số tiền không nhỏ ở thời điểm năm 2021, nhưng tới giờ tôi vẫn như “một tờ giấy trắng” trên ghế lái.
Vì vậy, với những ai có ý định thi bằng lái, tôi nghĩ nên xác định được mục tiêu của bản thân. Nếu bạn sẽ mua ô tô trong vài năm nữa, hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty taxi, hay bất kỳ công việc nào cần lái xe, thì mới nên học.
Còn nếu chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng chưa thể đủ để mua ô tô trong thời gian gần, tôi nghĩ tạm thời chưa nên học lái xe và lấy bằng lái.
Độc giả Cao Văn Liêm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận