Ý tốt của lãnh đạo trung tâm bách hóa đã bị nhiều người hiểu lầm - Ảnh: TWITTER
Chuỗi trung tâm bách hóa Daimaru ở Osaka (Nhật Bản) bắt đầu phát các bảng này cho khoảng 500 nhân viên từ tháng vừa rồi, dựa trên đề xuất từ chính các chị em. Việc đeo hay không đeo bảng này trong giai đoạn kinh nguyệt hoàn toàn tự nguyện.
"Chúng tôi không có ý phân biệt đối xử hay thông báo với khách hàng về tình trạng sức khỏe, tâm lý của các nhân viên đang như thế nào", bà Yoko Higuchi, người phát ngôn của Daimaru, giãi bày và cho biết việc phát bảng này xuất phát từ ý tốt.
Tuy nhiên, theo Đài BBC ngày 29-11, sau khi chia sẻ câu chuyện với một số tờ báo địa phương, ban lãnh đạo Daimaru đã nhận được một núi thư phàn nàn và chỉ trích từ dư luận. Họ cho rằng đây là một sự phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ.
Những người này đặt câu hỏi trung tâm bách hóa đem chuyện các nhân viên đang trong "giai đoạn khó ở" nói với khách hàng để làm gì. Có người còn gay gắt hơn, cho rằng Daimaru đang muốn nói với khách hàng rằng "đừng có dại mà đụng vào những chị em đang tới tháng".
Bà Higuchi thừa nhận có một số nhân viên không hiểu được ý tốt đằng sau tấm bảng và cảm thấy miễn cưỡng khi đeo chúng nhưng phần lớn đều ủng hộ việc làm của ban lãnh đạo.
Các nhân viên có thể đeo bảng này để nhận được nhiều sự thông cảm hơn trong kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn không cần bưng bê đồ nặng hay được nghỉ ngơi nhiều hơn.
"Nếu bạn thấy một đồng nghiệp của mình đang đeo tấm bảng này, tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ phụ cô ấy một tay nếu cô ấy đang bưng đồ nặng hoặc sẽ khuyên cô ấy nghỉ ngơi nhiều hơn", bà Higuchi giãi bày.
Mặc dù bảo vệ ý tốt của ban lãnh đạo, đại diện Daimaru cho biết sẽ suy nghĩ lại và tìm hướng khác để các chị em vừa được thông cảm trong những "ngày ấy" vừa không khiến khách hàng hiểu lầm.
Cũng giống như nhiều quốc gia Á Đông khác, phụ nữ Nhật Bản rất hiếm khi nói về chuyện kinh nguyệt với người khác và thường cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận đang trong giai đoạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận