18/02/2019 10:46 GMT+7

Nhân viên đùa kiểu 'khủng bố', nhà hàng Nhật mất hàng chục triệu USD

NGÔ HẠNH
NGÔ HẠNH

TTO - Cụm từ 'baito tero' - 'khủng bố từ nhân viên làm thêm' - trở nên nóng ở Nhật Bản sau khi những trò đùa được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều cửa hàng, công ty lớn điêu đứng, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.

Nhân viên đùa kiểu khủng bố, nhà hàng Nhật mất hàng chục triệu USD - Ảnh 1.

Gian bếp một nhà hàng Kura Sushi - Ảnh: Culinary Agents

Ở một quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh cao và cung cách phục vụ nhã nhặn như Nhật Bản, các thực khách và doanh nghiệp đang bị "khủng bố" bởi những video quay lại các trò đùa bẩn của một số thanh niên làm thêm trong những cửa hàng, quán ăn. Điều đáng nói là hậu quả của những trò đùa này vô cùng ghê gớm.

Những trò đùa tai hại

Hồi đầu tháng 1-2019, người dân Nhật Bản xôn xao bởi đoạn video trên YouTube trong đó có cảnh một nhân viên của nhà hàng Sukiya ném nước đá khắp nơi và một người chà một dụng cụ làm bếp vào đũng quần. 

Các trò "baito tero" liên tiếp xuất hiện sau đó, như một nhân viên của quán karaoke Big Echo bị phát hiện chà miếng gà đông lạnh xuống sàn nhà rồi bỏ vào chảo chiên, một nhân viên siêu thị Family Mart liếm các món đồ trước khi bỏ vào túi, nhân viên quán pizza vừa ăn vừa cắt bánh, đầu bếp hút thuốc khi nấu ăn...

Các trò đùa nhanh chóng gây hiệu ứng mạnh, khi nhiều khách hàng tẩy chay các quán trên mặc cho các công ty đứng ra xin lỗi, giải thích. Nhiều người đòi các công ty mạnh tay xử lý các hành vi mất vệ sinh, chẳng hạn hệ thống giám sát hoạt động của nhà bếp. Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo hậu quả chỉ mới bắt đầu.

Nhưng đó chưa là gì so với đoạn video phát ngày 7-2 quay lại cảnh một nhân viên bếp của nhà hàng nổi tiếng Kura Sushi ở Osaka ném miếng cá vào thùng rác, rồi nhặt lại đặt lên thớt gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ. Nhân viên này sau đó được xác định là một sinh viên đại học đang làm thêm tại nhà hàng và đại diện Kura Sushi khẳng định miếng cá trong đoạn video không được đem ra phục vụ.

Hậu quả của trò đùa đi xa hơn so với tưởng tượng khi lượng khách hàng tới chuỗi nhà hàng Kura Sushi giảm nhanh chóng, kéo theo doanh thu sụt nghiêm trọng. Một số tờ báo địa phương ước tính chuỗi nhà hàng nổi tiếng với hơn 400 tiệm này mất đến 2,7 tỉ yen, khoảng 24 triệu USD. Bản thân nhân viên làm thêm này cũng phải trả giá khi bị nhà hàng đâm đơn kiện đòi bồi thường 10 triệu yen, khoảng 90.000 USD.

Nhân viên đùa kiểu khủng bố, nhà hàng Nhật mất hàng chục triệu USD - Ảnh 2.

Một nhân viên nhà hàng lấy kéo chiên bột để tiêu khiển - Ảnh: Soranews24

Bất cẩn

Cụm từ "baito tero" phổ biến từ năm 2013 tại Nhật Bản, sau hàng loạt trò đùa tương tự được đăng tải. Vụ việc gây xôn xao một thời gian và người ta đổ lỗi phần lớn là do ảnh hưởng của mạng xã hội, trong khi một số khác cho rằng đây cũng có thể là kế hoạch của các công ty nhằm phá hoại đối thủ. 

"Đối với người trẻ, điều quan trọng là khác biệt và được chú ý. Từ khi các mạng xã hội bắt đầu phổ biến, các cô gái xinh xắn cố gây chú ý vì biết nhiều người mẫu được phát hiện trên mạng... Điều đó cứ tăng dần và trở thành kiểu "tội phạm" như thế này" - Britney Hamada, một nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, khi đó giải thích.

Nhưng ngày nay, khi mạng xã hội đã bao phủ khắp nơi, "baito tero" được mổ xẻ theo nhiều hướng khác hơn là trò tiêu khiển và gây chú ý của giới trẻ. Một nhóm chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân của vấn đề là do những công việc làm thêm kiếm được quá ít tiền so với lương tối thiểu, khiến nhiều nhân viên không có động lực để làm việc nghiêm túc. 

Cũng có người nói cần đánh giá lại môi trường làm việc của các công ty khi lấy ví dụ một số cửa hàng khác như McDonald's hầu như không xảy ra vấn đề tương tự.

Còn theo Japan Times, nguyên nhân sâu xa hơn là người dùng Internet tại nước này ngày càng bất cẩn trong việc sử dụng mạng xã hội. "Những người trẻ trong các video dường như không hiểu được cách vận hành của mạng xã hội. Công ty việc làm J-Cast cho biết tất cả video gốc được đăng tải trên mạng Instagram và dường như những người dùng này đều không nghĩ rằng chúng sẽ bị lan truyền. Họ hành động với mục đích chia sẻ với bạn bè" - tờ này viết.

Những trò đùa bẩn với thực phẩm cũng từng khiến nhiều công ty ở một số nước điêu đứng khi hình ảnh gầy công xây dựng bị đánh sập bằng một đoạn video. Hãng pizza Domino’s ở Mỹ từng là nạn nhân năm 2009 khi hai nhân viên bắt tay nhau quay cảnh làm trò với các nguyên liệu như nhét phô mai vào mũi, đánh rắm vào thịt...

Hãng sau đó đã kiện hai nhân viên trên và ra sức cứu vãn thương hiệu. “Đây là cuộc khủng hoảng số nghiêm trọng nhất mà một công ty phải đối mặt” - giám đốc Domino’s tại Mỹ Paul Gallagher thừa nhận.

Đừng quên những điều này khi tắm onsen ở Nhật

TTO - Onsen là một trong những trải nghiệm không thể thiếu của du khách khi đến xứ mặt trời mọc, nhưng bạn cần nắm được những nguyên tắc cơ bản.

NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp