Tại Đà Nẵng có trường hợp người làm lao công tham gia làm dịch vụ can thiệp y tế cho khách đến làm đẹp, bất chấp các nguy cơ.
Không có bằng cấp vẫn nâng ngực
Mới đây nhất vào cuối tháng 10, Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra dịch vụ thẩm mỹ ID Korea. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà L.T.H. (24 tuổi, quê Thanh Hóa) được giới thiệu là bác sĩ đang "nâng ngực" cho khách.
Qua kiểm tra, bà H. không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Về trình độ học vấn, bà H. mới chỉ tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra cơ sở này đã có hàng loạt vi phạm như đăng ký kinh doanh là dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ, nhưng lại quảng cáo rầm rộ là "viện thẩm mỹ" và thực hiện nhiều dịch vụ can thiệp vào cơ thể người như nâng ngực, nâng mũi, tiêm filler...
Cũng trong tháng 10, UBND quận Thanh Khê đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thẩm mỹ Kangzin vì hàng loạt vi phạm.
Trước đó công an quận này đã phát hiện cơ sở này hoạt động không phép và để nhân viên lao công tham gia... phẫu thuật làm đẹp cho khách. Hàng loạt vật tư y tế, dung dịch làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu được sử dụng làm đẹp cũng không có nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện nay dịch vụ thẩm mỹ có hai hình thức hoạt động chính. Loại hình thứ nhất là dịch vụ thẩm mỹ tại những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi tạo hình (dịch vụ thẩm mỹ).
Đây là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế thực hiện, sở y tế và cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Hiện trên địa bàn chỉ có khoảng 30 cơ sở dạng này.
Loại hình thứ hai chiếm số lượng lớn và khó kiểm soát, là loại hình dịch vụ thẩm mỹ không thuộc các cơ sở khám chữa bệnh do các địa phương quản lý.
Theo quy định, nhóm này chỉ cần hồ sơ công bố đủ điều kiện hoạt động gửi cho Sở Y tế. Khi nhận hồ sơ, sở sẽ tổ chức thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về nhân lực, thiết bị vật tư thì sẽ công bố hoạt động.
Ngoài ra còn một nhóm dịch vụ thẩm mỹ khác là các cơ sở này hoạt động lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp khác như dịch vụ massage, spa, làm móng.
Theo bà Trần Thanh Thủy - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, vừa qua cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở làm dịch vụ "chui", không đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ như nâng ngực, căng da mặt... cho khách đều rơi vào nhóm thứ hai và thứ ba.
"Nhóm thứ nhất hầu hết là anh em trong ngành y tế, họ có chuyên môn và được cấp phép, chúng tôi quản lý họ khi thực hiện kỹ thuật. Trong khi đó nhóm thứ hai và thứ ba quảng cáo rất rầm rộ, họ chỉ được làm đẹp mà không được cấp phép can thiệp y tế nhưng bất chấp làm chui" - bà Thủy nhìn nhận.
Địa phương thiếu người kiểm tra?
Theo bà Thủy, hiện nhóm dịch vụ thẩm mỹ thứ hai (tức không cần cấp phép mà chỉ cần hồ sơ công bố), Sở Y tế thẩm định có 92 cơ sở được thông tin công khai, cập nhật danh sách hằng tháng cũng như gửi toàn bộ thông tin về cho các trung tâm y tế quận, huyện để phối hợp quản lý. Tuy nhiên dịch vụ thẩm mỹ của nhóm này không được phép can thiệp y khoa.
Trên thực tế việc thực hiện các kỹ thuật như nâng mũi, sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu... là can thiệp y khoa. Chỉ những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi tạo hình (dịch vụ thẩm mỹ) thì mới được phép thực hiện.
Do vậy khi khách hàng tìm đến các cơ sở không được cấp phép thực hiện các kỹ thuật này thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, phó chánh văn phòng UBND quận Thanh Khê, đối với nhóm hoạt động thẩm mỹ không phải cơ sở khám chữa bệnh thì việc quản lý địa bàn thuộc về địa phương. Vừa qua địa phương này đã phát hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", cung cấp dịch vụ sai giấy phép và không công bố hồ sơ đủ điều kiện hoạt động.
Có nhiều trường hợp bị phát hiện, xử phạt thì chủ cơ sở sang tên đổi chủ và lại làm... hồ sơ công bố đủ điều kiện hoạt động mới.
"Ở quận chúng tôi có hơn 150 cơ sở thẩm mỹ hoạt động ở cả ba nhóm nên việc kiểm tra cũng khá khó khăn do nhân lực phòng y tế chỉ vài người. Vừa qua quận tổ chức làm liên ngành, kiểm tra ráo riết kết hợp với tiếp nhận phản ánh của người dân mới lòi ra nhiều vụ" - ông Trí nói.
Có dấu hiệu hình sự
Luật sư Nguyễn Công Tín, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng việc các cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", thực hiện dịch vụ thẩm mỹ can thiệp sức khỏe người dân bất chấp nguy hiểm là tình trạng rất đáng báo động. Những vi phạm của các cơ sở gần đây đều mang tính hệ thống với hàng loạt sai phạm và có dấu hiệu hình sự.
Theo luật sư Tín, các cơ sở hoạt động "chui" này có ba vi phạm nghiêm trọng là cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế.
Quy định này đã được nêu rõ tại khoản 5 điều 23a nghị định 109/2016. Trường hợp vi phạm thì mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân kèm hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động.
Luật sư Tín cho biết nghị định 109 được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 155 quy định các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh.
Như trường hợp vừa qua thẩm mỹ ID Korea bị phát hiện làm dịch vụ "nâng ngực" cho một khách hàng, tức có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người.
Đặc biệt vi phạm thứ ba rất đáng cảnh báo là việc các cơ sở này sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Trong khi theo quy định tại nghị định 109 thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật trong phẫu thuật thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Cả hai vi phạm trên đều bị xử phạt mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng, kèm hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động theo nghị định 117/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 124/2021).
Theo luật sư Tín, những vi phạm mang tính chuyên nghiệp, hệ thống của cơ sở hoạt động "chui" không chỉ mang đến nguy cơ lớn về sức khỏe mà còn là thủ đoạn gian dối nhằm gây dựng niềm tin và chiếm đoạt tiền của khách hàng, có dấu hiệu rõ phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp không chứng minh được mục đích, hành vi chiếm đoạt tài sản, các đối tượng nêu trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", quy định tại điều 315 Bộ luật Hình sự nếu để xảy ra các hậu quả sau: làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên...
"Khách hàng cũng phải tự bảo vệ mình, vì chúng tôi đã công bố rất đầy đủ danh sách các cơ sở đủ điều kiện hoạt động, được cung cấp những dịch vụ gì. Nên khi chọn dịch vụ can thiệp vào cơ thể người như nâng ngực, nâng mũi, tiêm filler... phải đặc biệt cẩn trọng", bà Thủy nhấn mạnh.
Mù mắt vì tiêm filler nâng mũi
Trước đó vào năm 2022, báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm filler nâng mũi tại spa. Người gặp sự cố là chị T.T.V. (27 tuổi, trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), bị mù mắt phải. Trước đó chị V. đến tiệm spa có địa chỉ tại đường Tạ Hiện (quận Hải Châu, Đà Nẵng) để tiêm filler nâng mũi.
Sau khi tiêm chỉ chừng 5 phút sau, mắt chị V. bị sụp mí, vết bầm tím lan rộng, đau nhức khiến chị không mở được mắt.
Tại bệnh viện, chị V. được chẩn đoán bị tắc mạch vùng mắt phải do tiêm filler chất làm đầy (H.A gel) biến chứng mất thị lực mắt phải; liệt dây thần kinh số 2-3-4-5, viêm hoại tử mô quanh mắt. Tai nạn xảy ra tại cơ sở không được phép thực hiện tiêm filler.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận