26/03/2020 13:10 GMT+7

Nhân tố virus trong bầu cử tổng thống Mỹ

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Chỉ 2 tháng trước, khi dịch bệnh COVID-19 do virus corona chủng mới bùng phát tại Vũ Hán, có lẽ cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đều không thể nghĩ rằng virus corona sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nhân tố virus trong bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Đương kim Tổng thống Donald Trump và đối thủ chính trị - cựu phó tổng thống Joe Biden - Ảnh: Reuters

Liệu cuộc khủng hoảng virus lần này sẽ là bệ đỡ để đưa ông Biden vào chiếc ghế ở Nhà Trắng sau 2 lần thất bại, hay sẽ giúp Tổng thống Trump không thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 11 này?

Trump, tổng thống thời chiến?

Lịch sử nước Mỹ đã cho thấy những khi đất nước lâm vào các cuộc khủng hoảng lớn, các cử tri sẽ có xu hướng tìm kiếm một ứng cử viên ổn định, có kinh nghiệm, được xem là đáng tin cậy hơn để lãnh đạo quốc gia này.

80 năm trước khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, cử tri Mỹ đã đặt niềm tin vào tổng thống đương nhiệm F. Roosevelt để ông trở thành tổng thống Mỹ duy nhất có nhiệm kỳ thứ 3, không bị trói buộc bởi quy định của Hiến pháp Mỹ không cho phép tổng thống nào có hơn 2 nhiệm kỳ nắm quyền.

40 năm trước, thất bại trong việc xử lý cuộc khủng hoảng con tin tại Iran và Chiến tranh lạnh với Liên Xô leo thang, các cử tri Mỹ đã làm điều ngược lại, quyết định đặt lòng tin vào ứng cử viên Cộng hòa R. Reagan thay vì đương kim tổng thống Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lúc đó.

Quay trở lại tình hình dịch bệnh hiện tại ở nước Mỹ, như ông S.Jennings, cựu trợ lý của tổng thống Mỹ Bush, đã nói vấn đề duy nhất bây giờ là làm thế nào để xử lý cuộc khủng hoảng virus một cách đúng đắn nhất. Sẽ không có cuộc vận động tranh cử nào có thể cứu giúp ông Trump nếu như bị nhìn nhận là vị tổng thống thất bại trong cuộc chiến chống virus corona.

Không khó để nhận thấy những ngày gần đây khi dịch bệnh đang lan rộng ở nước Mỹ, Tổng thống Trump đang tìm cách tạo cho mình hình ảnh một vị "tổng thống thời chiến".

Sau những bước chập chững ban đầu, ông Trump thay đổi cách tiếp cận, liên tiếp có những bước đi quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Dường như các cử tri đã đón nhận tích cực cách tiếp cận này. Theo khảo sát của Viện Gallup ngày 24-3, sau quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng, tỉ lệ người Mỹ ủng hộ cách xử lý của ông Trump đối với cuộc khủng hoảng này đã tăng lên 60% so với 38% không ủng hộ.

Nhưng mọi việc sẽ không đơn giản như vậy. Chống dịch quyết liệt nhưng ông Trump cũng không quên được rằng đằng sau đó là cả nền kinh tế Mỹ, là cuộc sống của hàng trăm triệu người lao động Mỹ - những cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.

Nếu nước Mỹ thoát ra được khỏi cuộc khủng hoảng này với một nền kinh tế không bị tổn thương, không thể có cơ hội nào tốt hơn cho ông Trump để tiếp tục có một nhiệm kỳ 2 ở Nhà Trắng. Nhưng nếu nền kinh tế Mỹ ra khỏi khủng hoảng với một cơ thể đầy thương tích thì một kịch bản giống như tổng thống Bush (cha) năm 1992 sẽ khó tránh khỏi.

Ông Bush bước vào cuộc bầu cử tổng thống với tư cách là người hùng sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh với Iraq. Nhưng những thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ đã khiến ông phải trả giá trước ứng cử viên trẻ tuổi của Đảng Dân chủ Bill Clinton.

Thăm dò dư luận ủng hộ ông Biden

Không có gì ngạc nhiên khi ông Biden đã tranh thủ cuộc khủng hoảng này để thể hiện mình là một nhà lãnh đạo "ổn định", người có thể đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng và quay trở lại thời kỳ bình yên sau những sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.

Tiếp theo động lực sau thắng lợi trong ngày bầu cử Siêu thứ ba, ông Biden tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo với những phát biểu mạnh mẽ về dịch bệnh.

Thắng lợi của ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 3 bang tuần trước cho thấy các cử tri của Đảng Dân chủ đã lựa chọn đặt niềm tin vào một chính trị gia lão luyện hơn là một ứng cử viên ít kinh nghiệm.

Cuộc thăm dò dư luận toàn quốc được Đại học Monmouth thực hiện, công bố ngày 24-3 cho thấy ông Biden đã vượt qua ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 48% và 45%.

Ngoài ra, ông Biden không ngại chỉ trích Tổng thống Trump lừa dối công chúng, kêu gọi ông Trump lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và thẳng thắn với công chúng; đồng thời thể hiện những kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh Zika và Ebola khi còn là phó tổng thống trong chính quyền Obama.

Nhưng điều bất lợi đối với ông Biden là thiếu "đất diễn". Trong lúc Tổng thống Trump hằng ngày xuất hiện trước công chúng và truyền thông trên vai trò một vị tổng tư lệnh trong khủng hoảng, ông Biden bị bó buộc trong ngôi nhà của mình ở bang Delaware, không có cơ hội cũng như vị trí quyền lực để thể hiện quyết sách lãnh đạo của mình.

Chưa biết kết cục của cuộc khủng hoảng COVID-19 như thế nào đối với nước Mỹ, nhưng trước mắt những cuộc vận động tranh cử đã phải ngừng lại.

Cho dù hiện nay ông Biden vẫn dẫn trước Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng virus như thế nào.

Bầu cử Mỹ 2020: Cựu thị trưởng đối đầu cựu phó tổng thống Joe Biden Bầu cử Mỹ 2020: Cựu thị trưởng đối đầu cựu phó tổng thống Joe Biden

TTO - Pete Buttigieg, cựu thị trưởng thành phố South Bend (bang Indiana) chỉ có 100.000 dân, đang trở thành đối thủ trực tiếp của cựu phó tổng thống Joe Biden.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp