Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã trò chuyện với Thành Nhân về việc này.
* Vì sao em lại nghĩ đến việc tặng tiền thưởng giải nhất học sinh giỏi TP cho các học sinh nghèo hiếu học?
- Đây là số tiền em có được từ sự phấn đấu học hành của bản thân, cha mẹ cho em tự quyết định việc chi dùng nên em thực sự muốn làm điều gì đó có ích nhất. Em nghĩ đến việc gửi lại nhờ trường chuyển cho các bạn học sinh nghèo hiếu học với mong muốn khích lệ các bạn học sinh thiếu điều kiện có thêm cơ hội học tập.
Số tiền này không lớn, chỉ 10 triệu đồng nhưng em hy vọng món quà nhỏ của em có thể động viên, khích lệ các bạn thêm để các bạn cảm thấy được sẻ chia, thêm niềm vui khi Tết đến gần.
* Thầy cô giáo và trường nói gì với việc em mang tiền thưởng học sinh giỏi về tặng các em nghèo?
- Cuối tháng 12-2024, em nhận được tiền phát thưởng học sinh giỏi của TP. Lúc này em đã có ý định nói trên nhưng trường nói em còn đi học, đây là phần thưởng, em nên giữ để mua quà tặng ý nghĩa thưởng cho bản thân.
Nhưng em coi việc tặng lại phần thưởng của mình là điều ý nghĩa nhất nên nhờ mẹ liên hệ mong nhà trường đồng ý.
Em sẽ cố gắng học tập để có nhiều phần thưởng hơn, có thể chia sẻ nhiều hơn với các bạn.
* Được biết tháng 12-2024, em vừa cùng đội tuyển Hồng Bàng 1 giành giải 3 về STEM robotics thế giới, điều gì đã dẫn em đến với sáng tạo về robot?
- Hồi tiểu học em thích chơi game, sau đó dần thích tin học. Ở Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM), thầy dạy tin học cũng giới thiệu cho chúng em STEM robotics. Tò mò, em cũng tìm hiểu và dần thấy yêu thích sáng tạo robot.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa bộ môn STEM vào nhà trường. Giờ đây có nhiều bạn sẽ được tiếp xúc với STEM robotics từ trong nhà trường nên em nghĩ ngày càng nhiều học sinh thích học và làm việc trong lĩnh vực sáng tạo robot.
* Là một học sinh thuộc đội tuyển đạt giải nhất STEM robotics Việt Nam và cũng vừa giành giải 3 thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo em muốn học tốt về robot, cần có những yếu tố gì?
- Theo trải nghiệm cá nhân của em, yếu tố cần nhất để học tốt robot là cần kiên nhẫn và kiên trì. Bởi khi học, sáng tạo robot, người học phải tiếp xúc với phần cứng, phần mềm và thường xuyên phải sửa lỗi cho robot. Nếu học tập trong lĩnh vực này mà không có những đức tính đó không thể theo đuổi lâu dài được, nhất là có nhiều lỗi phức tạp mà đôi khi người học phải thực hiện lại toàn bộ thiết kế để robot vận hành.
Trân quý tấm lòng của học sinh
Thầy Trần Văn Luyện - hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM - giải thích ban đầu thầy không đồng ý nhận sung quỹ khuyến học tiền thưởng học sinh giỏi của em Nhân vì muốn em để dành mua gì cho mình.
Nhưng sau khi nói chuyện sâu hơn về mong muốn của em, trường đồng ý và hứa sẽ sử dụng hiệu quả món quà. Trường rất trân quý tấm lòng của em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận