23/08/2019 15:58 GMT+7

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
QUỲNH NGUYỄN thực hiện

TỰ GIỚI THIỆU - Nhân kỷ niệm sinh nhật 12 năm NhacCuaTui, ông Nhan Thế Luân - CEO NhacCuaTui - đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần một cuộc trao đổi cởi mở và đầy tâm huyết về nhạc số và những khát vọng trong tương lai.

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui - Ảnh 1.

Từ sở thích cá nhân cho đến một trang nhạc số chuyên nghiệp, luôn đi đầu trong việc bảo vệ bản quyền, tác quyền cho nghệ sĩ đến sự tiên phong luôn đón đầu các xu hướng âm nhạc và công nghệ mới, có thể nói trong hơn 10 năm qua, NhacCuaTui không chỉ thành công khi trở thành địa chỉ nhạc số quen thuộc, tin cậy bậc nhất trong lòng người yêu nhạc mà còn là người đồng hành tin cậy nhất, luôn hỗ trợ sự phát triển của các nghệ sĩ.

Ca sĩ YOUNG ANHH:

Trang NhacCuaTui đã giúp tôi từ những ngày đầu. Vào những ngày đầu thì tôi không biết đăng tác phẩm mình lên đâu cả. Nhưng NhacCuaTui đã hỗ trợ tôi, những nghệ sĩ trẻ, hết mình. Như ca khúc Cuộc sống mà, NhacCuaTui không chỉ giúp đăng tải ca khúc mà còn tài trợ, giúp cho tôi kinh phí để làm thêm những thứ mới lạ hơn. Thật sự cảm ơn trang NhacCuaTui đã tạo điều kiện cho tôi phát triển hơn trên con đường âm nhạc của mình.

Nhân kỷ niệm sinh nhật 12 năm NhacCuaTui, ông Nhan Thế Luân - CEO NhacCuaTui - đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần một cuộc trao đổi cởi mở và đầy tâm huyết về nhạc số và những khát vọng trong tương lai.

* Từ thuở ban sơ của 12, 13 năm trước, ông đã nhìn thấy trước sự phát triển của thị trường nhạc số như hiện nay chưa? Và cơ duyên nào dẫn dắt ông tạo dựng nên một nền tảng nhạc số Việt Nam được nhiều người tin dùng như hiện tại?

- NhacCuaTui bắt đầu từ khoảng 12, 13 năm trước. Thú thực, ban đầu tôi chỉ định làm một trang web chơi cho vui, phục vụ sở thích nghe nhạc của mình. Thời điểm đó thì trên thị trường nhạc đã có khoảng 300 đến 400 website nhạc. Có các công ty lớn như: FPT, 24h… và có cả các cá nhân nhỏ như tôi.

Sau đó, đến tầm 2008, 2009, tôi nhận thấy là với website này, mình có cơ hội để phát triển hơn nên quyết định tập trung làm công ty NCT và làm lại trang NhacCuaTui này thật bài bản, mua những con server đầu tiên, xác định phát triển lâu dài.

* Những bước đi đầu tiên luôn đầy khó khăn và thử thách. Đâu là những trở ngại, gian khó mà ông nhớ nhất và thấy tự hào khi đã vượt qua?

- Khó khăn trăm bề. Về tài chính, dù đã xác định là phát triển chuyên nghiệp, lâu dài nhưng tiền thì không nhiều, nếu không muốn nói là không có tiền luôn.

Về kỹ thuật, ban đầu cũng chỉ có mình tôi, sau đó thì có thêm một nhà đồng sáng lập là anh Kha đi cùng nên chúng tôi cũng phải tự xoay sở rất nhiều để duy trì và phát triển website. Nhưng có lẽ chính nhờ vậy mà chúng tôi luôn cố gắng tự mình tìm ra những giải pháp tốt nhất, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Ví dụ như về marketing, lúc đó chúng tôi không có tiền cho tiếp thị - marketing nên đã phải nghĩ ra đủ mọi cách để chạy marketing không tốn tiền như tự mày mò tạo các chức năng chèn vào được blog 360 của Yahoo.

Chính tính năng đó đã góp phần quảng bá NhacCuaTui miễn phí trong giai đoạn đầu. Còn về kỹ thuật, khi quyết định làm bài bản cũng là lúc chúng tôi gần như làm lại từ đầu nên cũng phải tìm hiểu tất cả các giải pháp kỹ thuật. Thậm chí server cũng mua về tự tháo, ráp.

Nhưng nhờ mình tự tìm hiểu, mày mò làm như vậy mà số lượng server mình tiết kiệm hơn được những đối thủ cùng ngành, mình chỉ tốn 1/2 số lượng server của họ thôi, tiết kiệm được rất nhiều tiền mà hiệu quả thì bằng, có khi lại hơn.

Nhưng khó khăn lớn nhất có lẽ là doanh thu. Thời điểm đó không như bây giờ, có thể tìm quảng cáo hay gắn quảng cáo vào dễ dàng. Hơn nữa, muốn có quảng cáo thì phải đi bán trực tiếp, mà đôi khi chính tôi đi chào cũng không ai mua hết vì mình là một đơn vị lạ không có tên tuổi, không sức ảnh hưởng.

Nhưng thật may, sau một thời gian loay hoay, chúng tôi đã có khách hàng đầu tiên là một đơn vị điện thoại đã đồng ý đặt một banner trên trang web của chúng tôi. Lượng người truy cập bắt đầu đổ về nhiều và những cái quảng cáo sau đó cũng xuất hiện.

Đặc thù thời điểm đó, hơn 10 năm trước, bản quyền về nhạc thì coi như không an tâm. Tuy nhiên về phía tôi, tôi nghĩ rằng để cho một hoạt động kinh doanh lâu dài thì mình phải cân nhắc về quá trình xin bản quyền đàng hoàng.

Và NhacCuaTui đã là những đơn vị đầu tiên rất nghiêm túc về câu chuyện giấy phép, bản quyền. Đầu tiên là chúng tôi đến gặp những đơn vị như là Hội công nghiệp ghi âm VN, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, những hãng đĩa, ca sĩ để ký kết bản quyền từ những thời điểm ngày đầu. Đó cũng là yếu tố mà tôi nghĩ là đã góp phần để chúng tôi đạt được thành công đến ngày hôm nay.

Ngay từ những năm đầu thành lập, NhacCuaTui đã ý thức rất rõ về việc mua tác quyền, bản quyền ca khúc. Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong kinh doanh của mình, cùng với sự tôn trọng của mình với sáng tạo của nghệ sĩ.

Đến khoảng năm 2011-2013, NhacCuaTui là đơn vị đầu tiên ký bản quyền với các đơn vị quốc tế như: Sony Music, Universal Music, Warner Music. Còn nhớ hai năm sau khi ra đời, NhacCuaTui đã tìm đến các đơn vị này.

Mất hai năm mới có thể hợp tác cùng họ. Ban đầu họ đòi một cái giá rất là cao, đơn vị là triệu đô la. Mình nói là không được. Doanh thu của một đơn vị kinh doanh nhạc số ở Việt Nam vào thời điểm đó còn chưa được triệu đô nữa thì làm sao trả bản quyền được như họ mong muốn.

Nhưng mình không bỏ cuộc, mình quyết mời họ qua Việt Nam cho bằng được, dẫn họ đi khắp các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống để họ hiểu được mức sống ở đây để họ thấy cái giá mà họ đưa ra là không thể đáp ứng được nhưng mình rất thiện ý và muốn kinh doanh tử tế, hợp tác lâu dài.

Và cuối cùng, đến cuối 2011, đầu 2012, mình đã ký hợp đồng được với ba hãng trên với cái giá rất rẻ, không bằng lương tháng của người đại diện đi ký hợp đồng với mình. Nhưng họ chấp nhận vì họ thấy tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân.

Họ đồng ý cùng và "làm thị trường" với mình, cùng đồng hành với mình một chặng đường dài 5-10 năm. Và với NhacCuaTui, đây cũng là một trong những kỳ tích, một cú hích và chuyển mình đáng nhớ, đáng để tự hào.

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui - Ảnh 3.

Sơn Tùng - Ảnh: NhacCuaTui

* NhacCuaTui nhìn nhận thế nào về sự phát triển của thị trường âm nhạc hiện nay? Và định vị thương hiệu NhacCuaTui có gì thay đổi hay đổi mới để tiếp tục cập nhật với sự phát triển này?

- Hơn 10 năm trở về trước, mọi người nghe nhạc trên web. Năm năm trở lại đây khi điện thoại thông minh phổ biến và rẻ hơn thì lượng người dùng bắt đầu dịch chuyển sang nghe bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Từ năm năm trước, NhacCuaTui cũng đã bắt đầu phát triển những ứng dụng đầu tiên trên điện thoại thông minh, thực sự là rất cực vì phải làm trên 3, 4 hệ điều hành.

Tuy nhiên, NhacCuaTui cũng đi đầu trong việc phát triển các ứng dụng đầu tiên của thị trường, chính vì vậy nên những phiên bản ứng dụng sau này của chúng tôi trên điện thoại thông minh khá tốt, hoàn chỉnh vì đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm trước đây.

Ở thời điểm hiện tại, nghe nhạc trên điện thoại chiếm đến 80%. Cho nên người dùng cũng tự động thay đổi. Họ không gọi chúng tôi là NhacCuaTui.com nữa mà đơn giản chỉ là NhacCuaTui.

Xu hướng năm năm tiếp theo là chúng tôi sẽ phát triển phần mềm cho tất cả các thiết bị có kết nối Internet và phát nhạc được. Ví dụ là loa thông minh, tivi thông minh…

* Ông đánh giá vai trò và tầm quan trọng của nhạc số với thị trường âm nhạc Việt hiện tại ra sao? Làm thế nào để có được một nền tảng nhạc số tin cậy và chất lượng cho các sản phẩm âm nhạc, trong khi thị trường hiện nay lại thường đánh giá sản phẩm dựa vào lượt view?

- Định hướng NhacCuaTui là làm một nền tảng, ứng dụng giúp cho người nghe có những trải nghiệm khác nhau cùng âm nhạc. Với NhacCuaTui, chúng tôi nắm được thói quen nghe nhạc của khách hàng, sở thích để gợi ý phù hợp.

Chúng tôi cũng có đội ngũ biên tập ra các list nhạc riêng tiện lợi cho người dùng. Bên cạnh đó là một chiến lược giá tốt. Như vậy người dùng sẽ có trải nghiệm rộng lẫn sâu hơn. Tính năng như nhau nhưng dịch vụ tốt hơn thì người dùng sẽ ở bên cạnh mình.

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui - Ảnh 4.

Ông Nhan Thế Luân CEO NhacCuaTui - Ảnh: FB nhân vật

* Đó là với người dùng, còn với nghệ sĩ, NhacCuaTui làm cách nào để mời gọi họ?

- Chúng tôi mua theo gói, mua khoán một sản phẩm là năm hay 10 triệu thì bây giờ chúng tôi mua theo lượt nghe, xem. Rõ ràng, cách thức cũ dễ rủi ro và thiệt thòi cho cả hai bên mua và bán.

Trong trường hợp ca khúc thành hit thì thiệt thòi cho nghệ sĩ, còn ngược lại thì gây thiệt thòi cho người mua là chúng tôi. Nhưng giờ đây, chúng tôi phát triển theo hướng hợp tác cùng nghệ sĩ, thanh toán theo lượt sử dụng của khách hàng, theo đúng cách mà các đơn vị kinh doanh nhạc số của quốc tế làm.

Ban đầu, chúng tôi tính một đồng cho một lượt nghe audio, ba đồng cho một lượt xem video. Đến sau này, con số này đã tăng lên năm đồng cho một lượt nghe audio và 15 đồng cho một lượt xem video. Như vậy, ca khúc mà đạt 100 triệu lượt nghe là nghệ sĩ đã thu về 500 triệu đồng.

Nhưng các nghệ sĩ khi làm cùng chúng tôi hiện nay không chỉ vì doanh thu hay lợi nhuận bởi chúng tôi còn hỗ trợ họ rất nhiều trong việc quảng bá hình ảnh, truyền thông và đưa sản phẩm đến tận tai người dùng nhanh và nhiều nhất có thể. Chúng tôi phối hợp với nhiều kênh phát offline khác như: quán cafe, quán ăn, nhà hàng, tivi, radio… để "phát tán" ca khúc mới nhanh, mạnh nhất.

Ca sĩ ISAAC:

Tôi không quá quan trọng việc một đối tác mang lại cho tôi bao nhiêu giá trị thương mại bằng việc họ có công nhận những nỗ lực của tôi, chia sẻ những khát khao của tôi và hiểu rõ giá trị của tôi.

NhacCuaTui không phải là một "ông lớn" của thế giới nhưng là một đơn vị phát hành nhạc trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Quan trọng hơn là họ đã thấy được tâm huyết và công sức của tôi cho mỗi sản phẩm, khiến tôi thấy mình được tôn trọng.

* Ngoài các tên tuổi lớn, NhacCuaTui cũng không ngần ngại hỗ trợ cho các bạn trẻ, các nghệ sĩ underground chưa tên tuổi. Vì sao?

Với những nghệ sĩ mới, chúng tôi hết sức hỗ trợ vì chúng tôi tin rằng trong ba đến năm năm tiếp theo có thể họ sẽ thay thế những nghệ sĩ của hiện tại. Tính đến nay, chúng tôi đã ký và làm việc trực tiếp với hơn 1000 ca sĩ trẻ, vô danh.

Có những người ra một, hai bài xong mất hút nhưng ngược lại đã có những người bứt phá, vụt sáng như Đen, Min... Chúng tôi vẫn tin rằng nhạc số là kênh mà nghệ sĩ trẻ có cơ hội đến với người nghe nhanh nhất, dễ nhất.

Đen ft. MIN - Bài Này Chill Phết

* Có gian truân không trong việc tạo thói quen nghe nhạc có bản quyền với người dùng hiện nay?

- Đó là xu hướng phát triển của thị trường, không thể đi ngược lại được. Hơi khó một chút là vì hơn chục năm nay, người Việt đã quen và mặc định nghe nhạc trực tuyến là nghe nhạc miễn phí. Và chúng ta cần thời gian để người nghe thay đổi thói quen.

Năm năm trước, khi tôi đi qua thị trường Trung Quốc để tìm hiểu, lúc đó thị trường nhạc số của họ cũng như Việt Nam bây giờ, hầu hết người dùng đều không trả tiền.

Nhưng sau năm năm phát triển, Tencent Group - một trong những platform nhạc to nhất Trung Quốc - đã có khoảng 600 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng và gần 50 triệu người trả tiền theo gói tháng, gói năm. Họ còn tự tin sẽ nâng con số này lên gấp đôi trong vòng hai năm tiếp theo.

Đó cũng chính là những cái mà mình nghĩ là khi mà mọi người bắt đầu quen dần với việc trả tiền thì họ sẽ sẵn sàng trả tiền khi mà mình cung cấp cho họ những dịch vụ tốt hơn. Thực tế cho thấy hai hay ba năm trước, lượng người chịu mua nhạc trên NhacCuaTui hầu như không đáng kể, thậm chí doanh thu một năm không bằng một cái banner bán trên website hay trên app.

Tuy nhiên đến giờ thì người dùng, đặc biệt là người dùng trẻ bắt đầu chấp nhận trả tiền bởi giá chúng tôi đưa ra cũng không quá mắc, có 49.000 đồng/tháng thì cũng như một tô phở thôi. Họ mua dịch vụ thì họ tiếp cận được đến rất nhiều bài hát, hàng trăm, hàng triệu bài hát từ trong và ngoài nước. Và dịch vụ cũng đơn giản, chọn và bấm thanh toán là xong.

Lượng người dùng đến giờ này là tăng và tăng đều theo từng tháng. Từ đó tôi đã tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho NhacCuaTui hay các đơn vị làm cùng ngành.

Dẫu vậy, lượng người dùng trả phí hiện nay vẫn là một con số rất khiêm tốn. NhacCuaTui đối diện với thực tế này như thế nào? NhacCuaTui có kế hoạch hay hướng phát triển gì trong tương lai?

Chúng tôi luôn có những kế hoạch cho sự thay đổi cũng như phát triển. Thứ nhất, về mặt nội dung thì tất cả các ca khúc chúng tôi mong muốn là phải ký bản quyền trực tiếp với ca sĩ hay hãng đĩa.

Đặc thù thị trường Việt Nam khác với nước ngoài. Ví dụ mình ký với nhạc Âu Mỹ thì mình chỉ cần ký với vài đầu mối như: Sony Music, Universal Music, Warner Music là gần như có cả kho nhạc, đủ cho mình xài. Nhạc Hàn Quốc hay các thị trường khác cũng vậy.

Các công ty, tập đoàn giải trí giữ phần lớn bản quyền quan trọng và mình ký kết với họ rất nhanh, rất tiện. Riêng thị trường thì khác hơn bởi các ca sĩ gần như độc lập, không thuộc đơn vị hay tập đoàn giải trí nào. Thậm chí khi họ mở công ty ra cũng chỉ để quản lí cho chính họ hoặc chỉ một, hai nghệ sĩ khác.

Chính vì vậy mình phải trực tiếp ký kết, ký kết từng bài với từng nghệ sĩ. Vậy nên phải đến ba năm trở lại đây, việc ký kết giữa NhacCuaTui với các nghệ sĩ Việt mới đạt được chuẩn mực, hợp đồng rõ ràng các điều khoản, thời gian, giá tiền… nên không còn có tranh chấp nào về ca khúc, bản quyền.

Kế đó là kế hoạch "giáo dục thị trường". Nghe có vẻ lớn lao nhưng các nước khác cũng đều bắt đầu như thế. Ở Mỹ, khoảng 45% người dùng nghe nhạc trả tiền, Hàn Quốc khoảng 26% và Trung Quốc khoảng 4% đến 5%.

Trong khi thị trường VN chưa được 1%. Vậy nên đối với thị trường nhạc số ở Việt Nam, NhacCuaTui cũng nghĩ rằng đây là thị trường tiềm năng nên đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và tâm sức với kì vọng thay vì chỉ 1% người trả tiền mình có thể nâng lên mức 3% hay 5% ở những năm sắp tới.

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui - Ảnh 7.

Giao diện NhacCuaTui

Ca sĩ ANH DUY:

Sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của NhacCuaTui cho những ê-kíp trẻ, cho những gương mặt mới khiến chúng tôi thật sự cảm kích. Tôi tin ở tuổi mới, NhacCuaTui sẽ là kênh nhạc số được khán thính giả gần xa yêu mến nhất khi đã là cầu nối tuyệt vời cho công chúng và nghệ sĩ.

* Tại Việt Nam, NhacCuaTui không chỉ cạnh tranh với các nền tảng trong nước mà còn các nền tảng mạnh của thế giới. NhacCuaTui lấy gì để "đấu" với các nền tảng ngoại?

- Hiện nay, Việt Nam mình còn chừng 4-5 đơn vị kinh doanh nhạc số tâm huyết, làm nghiêm túc. Nhưng hiện chỉ có NhacCuaTui và một đơn vị lớn nữa là chiếm lĩnh khoảng 80 đến 90% thị phần. Tuy nhiên, NhacCuaTui cũng đã nhìn nhận được rằng đây là một ngành nghề mà chúng ta phải đầu tư lâu dài và phải đi cùng nghệ sĩ.

Đến nay, giải trí trên Internet tại Việt Nam chỉ còn mảng âm nhạc là còn "chiến" được chứ những mảng khác đều đã bị các công ty nước ngoài nuốt chửng.

Lí do theo tôi là người Việt Nam vẫn yêu nhạc Việt hơn. Vậy nên NhacCuaTui sẽ cố gắng làm tốt nhất ở mảng âm nhạc bản địa cùng lời cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thị trường Việt Nam về lĩnh vực âm nhạc này.

* Một số nghệ sĩ đã và đang tham vọng đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới, vậy NhacCuaTui có những phương thức phát triển như thế nào để hỗ trợ các nghệ sĩ trên hành trình này?

- Riêng với các nghệ sĩ trẻ có khát khao vươn ra thế giới, NhacCuaTui cũng sẽ hết sức hỗ trợ bởi chúng tôi có các đối tác từ Hàn, Mỹ… nên có thể làm cầu nối để các nghệ sĩ tiếp cận và có được con đường thuận lợi nhất với khả năng của từng người. Và trong thực tế, chúng tôi cũng đã từng làm cầu nối đó.

* Và NhacCuaTui có mong ước gì cho tuổi mới?

- Với khách hàng, chúng tôi ước NhacCuaTui sẽ là một phần cuộc sống của tất cả mọi người, là ứng dụng nghe nhạc không thể thiếu ở Việt Nam, thậm chí ở thị trường nước ngoài. Ước trong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui.

Với nghệ sĩ, chúng tôi mong mình sẽ là bạn đồng hành cùng nghệ sĩ trong mọi mặt để phát triển.

Với đối tác, chúng tôi hi vọng mình có thể kết hợp với các đơn vị khác để đào tạo nghệ sĩ trẻ, từ 14, 15 tuổi theo mô hình Hàn Quốc; hợp tác với các đơn vị truyền thông, sự kiện để làm nên những chương trình, chiến dịch ý nghĩa.

Với NhacCuaTui, cứ hai năm chúng tôi lại nâng cấp thêm nhiều tính năng giúp khách hàng sử dụng dễ dàng hơn, nghệ sĩ tiếp cận với người dùng tốt hơn cùng tham vọng sẽ có phiên bản riêng dành cho thị trường nước ngoài.

Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP lập kỷ lục 10 triệu lượt nghe trên NhacCuaTui Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP lập kỷ lục 10 triệu lượt nghe trên NhacCuaTui

TTO - Sau 48 tiếng đăng tải độc quyền trên NhacCuaTui, ca khúc ‘Hãy trao cho anh’ của Sơn Tùng M-TP đạt 10 triệu lượt nghe, phá kỷ lục của chính anh trước đó.

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp