09/03/2013 02:02 GMT+7

Nhân sự cấp cao cũng muốn... nhảy việc

PHI LONG
PHI LONG

TT - Có tới 54% nhân sự cao cấp ở các doanh nghiệp muốn tìm một công việc khác xứng tầm hơn, trong khi chỉ có 5,2% thật sự hài lòng với công việc hiện tại. Đó là kết quả của Mạng cộng đồng các nhà quản lý VN (Anphabe) vừa công bố. Nói nôm na, nhân sự cao cấp cũng có tình trạng “nhảy việc”.

Khảo sát trực tuyến Xu hướng tuyển dụng và dịch chuyển nhân lực cao cấp 2013 này có hơn 55.000 người tham gia, diễn ra từ ngày 5-1 đến 5-2. Có tổng cộng 3.361 thành viên tham gia giữ các vai trò như quản lý điều hành (7%), giám đốc (11%), trưởng phòng (54%) và trưởng nhóm (28%). Người tham gia khảo sát ở TP.HCM chiếm 52,5%, Hà Nội 31,1% và 16,4% tại một số tỉnh khác. Ngoài khảo sát trực tuyến, nhóm khảo sát còn tiến hành khảo sát song song với 11 công ty “săn đầu người” tại VN để tham chiếu kết quả.

Bà Thanh Nguyễn - giám đốc Anphabe - cho rằng ngay chính bà cũng ngạc nhiên về kết quả này và nói: “Số liệu này phản ánh thực tế và báo động cho các nhà sử dụng lao động về mức độ không hài lòng với công việc và sẵn sàng thay đổi chỗ làm của các nhân sự cao cấp”.

Theo kết quả khảo sát, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều lý do: doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh nên giảm bớt vị trí; lương, thưởng bị giảm hoặc không tăng như ý; kinh doanh khó khăn dẫn tới môi trường làm việc căng thẳng; khó nhìn thấy cơ hội thăng tiến...

Tự chào hàng

Kết quả cũng cho thấy nhóm nhân sự cao cấp tìm việc chủ yếu qua ba kênh: liên hệ với bạn bè, đồng nghiệp hỏi thông tin và nhờ giới thiệu (38%); liên hệ với các chuyên gia “săn đầu người” (33%); kiếm việc qua mạng (24%) và các kênh còn lại (5%).

Nhóm nhân sự cao cấp muốn “nhảy việc” vì các lý do xếp theo thứ tự ưu tiên: tìm kiếm nơi phù hợp mục tiêu nghề nghiệp lâu dài (44%), trách nhiệm vai trò công việc xứng tầm (17%), môi trường làm việc, phong cách quản lý phù hợp (14%) và cuối cùng là lương bổng phúc lợi (12%).

Chuyên gia nhân sự Trần Hữu Đức cho rằng hiện tượng nhảy việc trong thời kỳ kinh tế khó khăn có xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng, có khi chỉ “vì một số lý do như các doanh nghiệp trả lương, thưởng chậm”. Một số cũng tỏ ra dè dặt với kết quả công bố trên và cho rằng khả năng cắt giảm nhân sự cấp cao tác động đến nhóm này khiến họ muốn đổi việc.

Ông Trần Đức Huy - tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghiệp Vĩnh Tường - cho rằng để giữ chân nhân sự cấp cao trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp trước tiên cần tập trung vào truyền thông nội bộ; người sếp cần gần gũi, lắng nghe cấp dưới hơn, cập nhật thường xuyên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để tránh việc nhân viên lo lắng, các thông điệp đưa ra dù cẩn trọng nhưng phải luôn tích cực để tạo niềm tin; ghi nhận, khen thưởng kịp thời...

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp