Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người được coi là kiến trúc sư của thời kỳ tăng tốc - đã bộc lộ nỗi lo lắng trong các cuộc họp cuối năm. Ông đã điểm huyệt trúng vào một trong những thách thức lớn nhất cho bộ máy của Chính phủ là chất lượng cán bộ ở bộ máy hành chính các cấp tỉnh, thành, huyện và bộ máy chức năng của bộ, tổng cục, sở, ban, ngành...
Sau gần hai năm vận hành, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng đã có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ trong tư duy và hành động theo hướng "Chính phủ kiến tạo".
Nhận thức thực trạng đúng, ban hành chính sách vĩ mô đúng, nhưng không ít trong số đó khi triển khai xuống bên dưới đã bị khúc xạ thành méo mó và hiệu quả thấp, dẫn đến thực trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Cái sự "lạnh ở bên dưới" này có thể giải mã rằng họ thiếu nhiệt tình, năng lực yếu, thiếu khả năng sáng tạo, sợ trách nhiệm cá nhân. Hoặc đơn giản hơn nữa là không cảm nhận, không thấu hiểu được tư tưởng của Thủ tướng.
Có một thực tế cần ghi nhận là mô hình quản lý của chúng ta đã có nhiều thay đổi, nhưng về cơ bản vẫn là mô hình được nâng cấp, cải tạo từ mô hình bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Do vậy mà đội ngũ cán bộ của chúng ta từ trước đến nay được đào tạo, huấn luyện và làm việc trong môi trường chính trị - hành chính và kinh tế với đặc điểm là tập trung hóa cao, bao cấp và chỉ huy tập trung.
Và với cơ chế này, nhiều cán bộ khá thụ động, phụ thuộc vào các chương trình, kế hoạch từ bên trên. Họ không cần sáng tạo, không cần thiết phải động não trong cơ chế "kế hoạch hóa tập trung" được thiết kế thống nhất.
Các cá nhân chỉ cố gắng làm không sai và vô hình trung trong nhiều trường hợp bóp chết tư duy sáng tạo của người khác.
Luật chính quyền địa phương ban hành năm 2016 và gần đây nhất là nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM là một bước đi mạnh mẽ, cho thấy quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đổi mới cơ chế quản trị quốc gia theo hướng tăng thêm tính tự chủ, phân cấp, phân quyền, quản lý theo lãnh thổ, dân chủ hóa, đề cao trách nhiệm cá nhân...
Đó là một xu thế chủ đạo mang tính tất yếu của mô hình chính quyền quản trị hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, mà chúng ta cần học hỏi và đang tiếp cận đến trên cơ sở tính đến đặc thù của đất nước.
Để những tư tưởng lớn ấy thành hiện thực thì đất nước đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực từ cấp cao đến cấp cơ sở, ban đầu là trong cơ quan công quyền, sau đó lan tỏa ra tất cả các doanh nghiệp và nguồn lực xã hội khác.
Cần nhấn mạnh rằng bộ phận phải nâng chất đầu tiên và ngay trong bộ máy công quyền là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo các cấp.
Do đó, để thay đổi chất lượng cán bộ thì có một điểm nữa cực kỳ quan trọng là cần phải loại bỏ ngay lập tức những cán bộ cấp trưởng do thiếu năng lực, phẩm chất kém hoặc cố tình bảo thủ trở thành điểm nghẽn của tiến trình phát triển.
Những cá nhân như thế gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của một tổ chức, do vậy chần chừ, nhân nhượng với họ là có lỗi với dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận