06/12/2016 08:45 GMT+7

Nhân lực ngành ngân hàng: Muốn làm việc, phải đào tạo lại

MINH GIẢNG, minhgiang@tuoitre.com.vn
MINH GIẢNG, [email protected]

TTO - Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng đang tăng trở lại, nhưng đòi hỏi khắt khe hơn so với trước đây.

*** Error ***
Tái cơ cấu ngân hàng kéo theo nhu cầu nhân lực tăng nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Trong ảnh: một buổi học của sinh viên năm 2 ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG

Đó là ý kiến đưa ra tại hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam”, do khoa tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng 5-12. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị đào tạo và nhiều ngân hàng lớn.

Theo các đại biểu, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành ngân hàng khá lớn nhưng đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp lại chưa nhiều, doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại.

Chỉ 50% sinh viên được tuyển dụng

Theo TS Lê Huyền Ngọc - nguyên giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN chi nhánh Đông Sài Gòn, trong khoảng thời gian 10 năm (2005 - 2015), hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển nhanh chóng, thể hiện qua việc tăng ồ ạt số lượng ngân hàng cũng như các chi nhánh. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó chất lượng nguồn nhân lực chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của ngành.

“Hiện nay, hầu như các ngân hàng đều có trung tâm đào tạo, phục vụ việc đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc. Riêng chi nhánh Đông Sài Gòn mỗi năm chi phí đào tạo đã vào khoảng 500 triệu đồng.

Khảo sát thực tế cho thấy nhân lực trong ngành vừa thừa vừa thiếu. Nhân lực có trình độ ĐH thừa thãi nhưng thiếu kỹ năng, yếu kiến thức, khó thích nghi với sự thay đổi; và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế... Nhiều lĩnh vực, các ngân hàng phải thuê chuyên gia người nước ngoài” - bà Ngọc nói thêm.

Một khảo sát từ Viện Nhân lực ngành tài chính ngân hàng cho thấy lượng sinh viên ngành tài chính ngân hàng ra trường năm học 2012 - 2013 khoảng 32.000 người, và đến năm 2016 là 61.000 người, tuy nhiên lượng sinh viên được tuyển dụng chỉ khoảng 50%. Từ thực tế tuyển dụng, bà Ngọc cho rằng sinh viên tốt nghiệp đi làm tại các ngân hàng còn hổng cả về kỹ năng và kiến thức.

“Cần phải xem xét chất lượng đào tạo của một số trường đang đào tạo ngành tài chính ngân hàng” - bà Ngọc thẳng thắn.

Tương tự, TS Trần Quốc Tuấn - Ủy ban Chứng khoán nhà nước - cũng cho rằng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

“Hiện có khoảng 40 cơ sở trong nước đào tạo ngành tài chính ngân hàng. Phần lớn các trường đào tạo thiên về lý thuyết chung, chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng, thiếu thực hành, khi tuyển dụng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Không những vậy, khả năng chịu áp lực công việc và ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp cũng còn nhiều hạn chế” - ông Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, ThS Đào Châu Phương - giám đốc Học viện phát triển nguồn nhân lực MCG - cung cấp thông tin: “Trung bình, ngân hàng mất khoảng 5 tháng để đào tạo nhân viên mới tuyển dụng trước khi làm việc chính thức, và cần khoảng 12 tháng để nhân viên có thể tự tin thực hiện công việc.

Ngoài các trung tâm đào tạo, ít nhất ba ngân hàng Việt Nam đã thành lập trường đào tạo cán bộ của riêng mình, với chương trình đào tạo tự thiết kế, cùng kiến thức, kỹ năng đặc thù theo từng phân khúc khách hàng và ngành nghề mà ngân hàng chú trọng”.

Tăng cường đào tạo kỹ năng

Các chuyên gia cho rằng nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, trong đợt tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, đi kèm với đó là những yêu cầu khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi chương trình và phương thức đào tạo cũng phải thay đổi, cập nhật để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nội dung được nhiều ý kiến chia sẻ nhất đó là việc tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. TS Lê Huyền Ngọc nhấn mạnh: điểm yếu và thiếu của sinh viên tốt nghiệp hiện nay đó là thái độ, kỹ năng và kiến thức thực tế của ngành ngân hàng. Do vậy, các trường cần tăng cường đào tạo những nội dung này cho sinh viên.

Bà Ngọc cho rằng: “Giảng viên cũng cần tham khảo các tình huống thực tế - chẳng hạn việc xử lý khủng hoảng truyền thông đối với tình trạng lừa đảo qua mạng, liên quan đến các ngân hàng trong thời gian vừa qua - để trang bị cho sinh viên các kỹ năng xử lý tình huống thực tế cần thiết. Các trường cần gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại chỗ. Các ngân hàng nên đẩy mạnh hỗ trợ giảng viên, sinh viên những kiến thức, tình huống xử lý thực tế, để hạn chế việc đào tạo lại sau khi tuyển dụng”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng bên cạnh kỹ năng, cần phải đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngay trong trường ĐH. Một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành ngân hàng cũng được nhiều đại biểu đưa ra, đó là gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

TS Ngô Minh Hải - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng việc gắn kết doanh nghiệp và trường ĐH sẽ tối ưu hóa chương trình thực tập, gắn đầu ra quá trình thực tập với công việc cụ thể. Nhiều giảng viên không có thời gian làm việc thực tế và cập nhật chuyên môn. Do vậy, việc gắn kết này có thể hỗ trợ giảng viên tiếp xúc với thực tế tại ngân hàng.

Đại diện một ngân hàng cho rằng mỗi vị trí tại ngân hàng có yêu cầu về kiến thức và kỹ năng khác nhau. Sinh viên cần tìm hiểu để có thể tự trang bị cho mình. Hơn nữa, cùng một vị trí nhưng yêu cầu mỗi ngân hàng mỗi khác, nên rất khó để chương trình đào tạo của trường có thể đáp ứng cho tất cả.

Điều quan trọng là các trường tạo môi trường và hình thành trong sinh viên thói quen tự học, tự đào tạo. Ở các trường đều có các câu lạc bộ kỹ năng nghề nghiệp, và thực tế tuyển dụng cho thấy những sinh viên từng tham gia các câu lạc bộ này đều có khả năng tự học cũng như thành công cao hơn.

Nhu cầu nhân lực ngân hàng tăng

Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước thực hiện quý 4-2015, 2/3 tổ chức tín dụng cho biết sẽ tăng lao động trong năm 2016. Theo một số ngân hàng, những nơi này sẽ tuyển dụng từ vài trăm đến hơn 2.000 nhân viên trong năm 2016.

Trong đó, Sacombank sẽ tuyển dụng 2.500 nhân sự cho các chức danh như chuyên viên khách hàng cá nhân, chuyên viên khách hàng doanh nghiệp và giao dịch viên. Techcombank tuyển 1.850 nhân sự, trong đó 65% là tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, còn lại là nhân sự quản lý cấp trung đã có kinh nghiệm. ABBank cũng dự kiến tuyển 400 nhân sự trong năm 2016.

MINH GIẢNG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp