
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ tại chương trình - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ trong buổi trò chuyện chủ đề Lắng nghe Bụt bước giữa đời - thơ Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông ngày 20-4 tại Hà Nội.
Buổi trò chuyện thu hút đông người nghe trong yên lặng và chú tâm, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nhân loại có gì, Trần Nhân Tông có đó?
Tại buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tập trung phân tích những tác phẩm của hai nhà vua, thiền sư Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và trò chuyện về cuộc đời kỳ lạ của hai ông.
Nhân loại có gì thì Trần Nhân Tông có đó. Ông tu khổ hạnh Đầu Đà, làm thơ hay bậc nhất, võ nghệ bậc nhất, lập ra một thiền phái, đến bây giờ đã ảnh hưởng ngàn năm.
Ông là người giải thoát mình khỏi ngai vàng. Nhân cách của Trần Nhân Tông là "không thể nghĩ bàn", vượt qua tầm tưởng tượng của chúng ta. Ông ở trên cao theo mọi nghĩa.
Trần Thái Tông, ông nội của Trần Nhân Tông cũng vậy, người có ảnh hưởng lớn đến Trần Nhân Tông.
Phần lớn cuộc trò chuyện dài 3 giờ, ông Nhật Chiêu nhấn mạnh vào tính tư tưởng của hai nhân vật lớn này.
Ông nói, bài Hướng thượng nhất lộ của Trần Thái Tông có những câu thơ khiến ông kinh ngạc. Và những câu thơ trong bài Kệ Vân (Cư trần lạc đạo phú) của Trần Nhân Tông cũng vậy.
Có những tư tưởng của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông từ thời đó mà sau này tới thế kỷ 20 phương Tây mới đẩy lên, như thuyết hiện sinh của Heidegger (triết gia Martin Heidegger).
Trong những tác phẩm của mình, Heidegger đưa ra quan niệm "Hữu thể tại thế - con người phải hiện ra giữa đời". Thì mấy trăm năm trước Trần Nhân Tông đã rất chú ý, ông viết trong Cư trần lạc đạo phú những câu như:
"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc san hề, khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền".
Nghĩa là: Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo/ Đói thì ăn, mệt thì ngủ/ Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác/ Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm thì cần chi hỏi thiền nữa.
Đó chính là những tư tưởng mà 800 năm sau triết gia phương Tây Heidegger phát triển.
"Những tư tưởng hiện sinh của Heidegger rất tương ứng với những tư tưởng của Trần Thái Tông viết trong bài Hướng thượng nhất lộ và của Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú.
Chúng ta đừng tự ti là dân tộc chúng ta không có những nhà tư tưởng lớn. Chúng ta tưởng thế vì chúng ta không chịu đọc kỹ cha ông mình.
Đọc kỹ tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông, những bài thơ thiền của Trần Nhân Tông, đọc Nguyễn Du, Nguyễn Trãi đi, sẽ biết dân tộc ta không thiếu những nhà tư tưởng lớn", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói dân tộc ta có những nhà tư tưởng lớn nhưng chúng ta không biết - Ảnh: T.ĐIỂU
Tiền nhân để lại của báu
Phân tích thêm về thơ của hai vị vua thiền sư Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, ông Nhật Chiêu nói thơ của các ông "kinh khủng từng chữ từng câu", chỉ có là con cháu đọc sơ sài nên mới không thấm được tư tưởng cao rộng của cha ông.
Tiền nhân để lại của báu chúng ta không biết, của báu ngay trong nhà. Chính ông Nhật Chiêu gần đây cũng mới biết về kho báu của cha ông 800 năm trước.
Cảm ơn tác giả về bài nói chuyện giá trị, một bạn trẻ cũng "nhận lỗi" rằng "Có thời đại như nhà Trần vừa sinh Phật, vừa sinh Thánh, mà chúng con không biết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận