Đóng gói xúc xích tại Công ty Vissan, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Các mức hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu khẩn cấp, nhưng nhìn chung các chính sách hỗ trợ đang bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và kéo dài, bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi... nên rất cần sự lắng nghe, chia sẻ.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp hội viên của chúng tôi cho hay vẫn còn rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi theo quy định, một số doanh nghiệp phản ảnh thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi...
Trong đó, nổi bật là ngân hàng đưa ra điều kiện để được tiếp nhận hỗ trợ là doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận của quý 1-2020.
Tuy nhiên, ví dụ ngành lương thực thực phẩm, doanh thu chủ yếu vào thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán. Nên khi xảy ra dịch, doanh thu của các doanh nghiệp vẫn tăng. Các doanh nghiệp không thể chứng minh được việc sụt giảm doanh thu, hàng tồn kho tăng...
Trong khi thực tế, tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và sức mua với ngành lương thực thực phẩm rất lớn. Việc không đủ điều kiện hấp thụ được các nguồn hỗ trợ sẽ đẩy các doanh nghiệp vào thế khó chủ động. Quan điểm của chúng tôi là điều kiện các chính sách hỗ trợ không thể áp dụng chung cho tất cả các ngành kinh tế.
Để khi tình hình dịch được kiểm soát, sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, doanh nghiệp bắt buộc phải nhập nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ với chi phí tăng so với trước. Chính lúc này, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm thật sự rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất.
Rất cần Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng mở rộng đối tượng hỗ trợ các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai nhằm giúp doanh nghiệp được tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn từ 70% như hiện nay lên 85%, giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc phân loại doanh nghiệp, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng tập trung ưu tiên các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng cũng như những ngành trọng yếu như du lịch, chế biến thực phẩm...
Đặc biệt, cần có thời gian biểu về việc kéo giảm lãi suất huy động ở mức phù hợp để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường có thời gian hồi phục khi tác động của dịch đến doanh nghiệp còn kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận