Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đang triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, biện pháp kỹ thuật gây trồng, nhân giống và giải pháp bảo tồn, khai thác, phát triển cây Bò khai tại Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa (2018-2021)" nhằm bảo tồn cây dược liệu, loài rau quý, góp phần bảo vệ môi trường rừng sinh thái. Hiện loài cây Bò khai này chỉ còn mọc tại các tiểu khu 617, 611, 619 thuộc khu vực rừng Bến En. Do cây này có hiệu quả kinh tế cao (giá cây Bò khai vào khoảng 90.000/kg) và luôn trong tình trạng khan hiếm nên người dân thường xuyên khai thác, chặt cành, đào cả gốc, rễ để bán ra thị trường. Mặt khác, cây Bò khai được khai thác tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ nên số lượng, khu phân bố của chúng ngày càng suy giảm và đang có nguy cơ mất dần nguồn gen. Do đó, thực hiện đề tài khoa học trên sẽ giúp Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En bảo tồn loài cây quý, cũng như tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Vườn quốc gia bến En cho biết, trong 3 năm thực hiện đề tài khoa học này, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En thực hiện điều tra hiện trạng, đặc tính sinh vật học; thực hiện các kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình thử nghiệm cây Bò Khai tại các khu rừng Bến En nhằm tìm ra các giải pháp bảo tồn có hiệu quả loài cây này.
Hiện nay, việc nhân giống loài Bò khai đang được hiện tại tiểu khu rừng 612, Ban quản lý phấn đấu khi kết thúc đề tài sẽ xây dựng được mô hình trồng và nhân giống 20.000 cây Bò khai.
Đề tài khoa học này giúp Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En bảo vệ được tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, đồng thời bảo vệ đất, chất lượng môi trường được cải thiện, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên. Bên cạnh đó, khi kết thúc đề tài, Ban quản lý sẽ có nguồn cây giống lớn cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua trồng cây Bò khai bởi nếu trồng đúng kĩ thuật, trồng xen dưới tán rừng thì năng suất sẽ đạt gần 4 tạ/ha/tháng.
Theo nghiên cứu bước đầu của Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, loài cây Bò Khai (Erythropalum scandens Blume) còn có tên khác là Rau Hiến, Long Châu Sói, Dây Hương.
Trên thế giới, cây thường phân bố ở các nước Trung Quốc, Campuchia và khu vực Nam Á. Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa.
Thông thường, cây Bò khai có thân tiểu mộc trườn dài 10 mét, vỏ màu lục xám, lá mọc so le, quả mọng hình trái xoan. Cây thường mọc hoang dại trên đỉnh các núi đá vôi, các khu rừng thứ sinh, rừng phục hồi hoặc rừng nghèo bị tác động mạnh, rừng xanh mưa ẩm nhiệt đới.
Bò Khai có vị hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, cũng là món ăn ngon nên rất được ưa thích ở các đô thị lớn. Ngoài ra, cây Bò khai còn là một loại dược liệu quý, có thể dùng làm thuốc chữa phù thận, đái vàng, đái rát, sốt, tê thấp, viêm gan do siêu vi trùng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận