Nhà văn Nguyễn Trí:
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Trí: Được nhận giải thưởng của Hội nhà văn còn sung sướng hơn khì tìm được viên đá quý hay thỏi vàng trong bãi vàng - Ảnh: Thu Huệ |
Đạo diễn Việt Linh phát biểu trong buổi giao lưu rằng chị đã học được 2 bài học từ cuộc đời văn chương của nhà văn Nguyễn Trí. Bài học thứ nhất - hãy nhìn con người bằng chiều sâu của họ và bài học thứ 2 về câu chuyện cứu rỗi của văn chương. Anh Trí không thể giải khuây, hóa giải được mình bằng rượu, mà chính văn chương đã cứu rỗi được anh. |
Dịp này, tác giả còn có những chia sẻ chân thành về nghề văn, về cuộc đời dữ dội của mình cũng như bày tỏ sự phấn khích và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng.
Có mặt trong buổi giao lưu, nhà văn Trần Đức Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng chung khảo và là người đề cử tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương của tác giả Nguyễn Trí, đã kể về hành trình đoạt giải thưởng của tác phẩm này.
Trong số hơn 90 tác phẩm mà các Nhà xuất bản, Hội Văn nghệ và cả cá nhân nhà văn tiến cử năm nay, Hội đồng văn xuôi chưa thấy tác phẩm nào thật sự xuất sắc. Và cái tên Nguyễn Trí "lướt qua" trong tâm trí ông. Trước đó ông chỉ nghe loáng thoáng một số thông tin và đọc rải rác một số truyện ngắn của Nguyễn Trí trên báo chí. Sau đó, Trần Đức Tiến lập tức đi tìm tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương để đọc lại. Nhà văn Trân Đức Tiến nói rằng chỉ mới đọc 5,7 truyện ngắn trong số 16 truyện trong tập truyện này ông đã quyết định đề cử tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương cho Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tuy nhiên nhà văn Trần Đức Tiến cũng "lo lắng" cho số phận của tác phẩm khi không biết có sự đồng thuận của các thành viên trong hội đồng hay không vì trong tập truyện này, Nguyễn Trí sử dụng khá nhiều phương ngữ Nam bộ, độc giả miền Bắc có thể đọc sẽ bị "vấp". Trái với lo lắng của nhà văn Trần Đức Tiến, Bãi vàng, đá quý, trầm hương đã nhận được số phiếu tuyệt đối 9/9 của các thành viên trong Hội đồng chung khảo.
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Trí ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Thu Huệ |
Nhà văn Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định, nguyên quán Quảng Bình, nhưng sống chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ. Nhà văn có một cuộc đời dữ dội và thăng trầm khi trải qua rất nhiều nghề: đãi vàng, tìm trầm, đồ tể, nấu rượu, nấu đường, thợ hồ và cả dạy tiếng Anh...Hiện nay như ông bộc bạch "chỉ muốn độc giả mua nhiều sách để có tiền nuôi cháu nội khi con trai đang cai nghiện ma túy còn con dâu đã bỏ đi lấy người khác". |
Trong buổi giao lưu, Nhà văn Nguyễn Trí cũng chia sẻ về duyên nghiệp đến với văn chương của mình. Trải qua những biến cố, những thăng trầm dữ dội trong cuộc sống ông tìm đến với rượu, nhưng rượu không làm ông say, không làm ông hết buồn và ông quyết định viết để quên...buồn.
Ông nhớ về những người bạn, có những người đã chết trên vực cao, dưới sông sâu trong những năm tháng đào vàng, tìm trầm. Ông đưa họ vào những nhân vật của mình trong các truyện ngắn. Ông viết được 40 cuốn tập học trò và gửi đi các báo nhưng như ông chia sẻ "văn chương thô lậu" của ông lúc đó không báo nào chịu đăng.
Tình cờ có lần ông vào nhà sách nghe "lỏm" 2 bạn trẻ "tám" với nhau về câu chuyện của nhà văn Mạc Can và người đỡ đầu văn chương Hồ Anh Thái. Sau đó ông quyết định gửi các truyện ngắn cho nhà văn Hồ Anh Thái qua email. Được sự gọt giũa của nhà văn Hồ Anh Thái, trong vòng 28 ngày ông có tới 4 truyện ngắn được đăng trên các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên...
Nhà văn Nguyễn Trí cũng chân thành chia sẻ những niềm vui "không ngờ' của văn chương đem lại cho ông. Ông nói rằng được nhìn thấy các truyện ngắn của mình trên mặt báo, cảm giác sung sướng đến mức ông phải chạy chiếc xe wave tàu (mà như ông mô tả thì càng lên ga, càng chạy... chậm) suốt đêm để giải tỏa sự vui sướng đó. Niềm vui đó càng nhân lên khi ông biết tin nhà văn Hồ Anh Thái đã tập hợp những truyện ngắn của ông gửi Nhà xuất bản Trẻ để in thành sách. Và cảm giác "cực kỳ sung sướng" còn hơn cả khi thấy một viên đá quý hay thỏi vàng trong hầm khi nghe nhà văn Trần Đức Tiến báo tin "90% là đoạt giải rồi anh Trí ơi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận