Phóng to |
Chương trình ca nhạc tạp kỹ Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình được nhà hát Tuổi Trẻ đầu tư khá lớn về đạo cụ, trang phục... nhưng cách kể chuyện vẫn là tạo cớ để nối âm nhạc với kịch - Ảnh: Đức Triết |
Gõ cửa các nhà hát ở Hà Nội từ kịch đến chèo, tuồng, xiếc, thậm chí cả bầu sô... tìm câu trả lời cho câu hỏi “vì sao” ấy đều nhận được những tiếng thở dài: Có mà lại không có! Có là vì một số nhà văn, đạo diễn từng đặt bút viết, nhưng chỉ là đôi ba kịch bản, rồi thôi. Nghĩa là để tạo thành danh một tác giả chuyên viết kịch thiếu nhi giống như một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi thì không có. Và sự thật này luôn tồn tại ở sân khấu phía Bắc từ xưa chứ không phải bây giờ... “Thời tôi làm ở nhà hát Tuổi Trẻ có anh Nguyễn Khắc Phục, anh Ðỗ Diệp Khang cũng thi thoảng viết một hai kịch bản. Nhưng sau đó các anh ấy đi chỗ khác, không viết nữa... Ðúng là sân khấu thiếu nhi từ xưa đến nay không có tác giả viết kịch bản chuyên nghiệp” - NSND Phạm Thị Thành cho biết.
Vậy nên nhiều năm qua, khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi tăng cao, mọi việc đều bắt đầu từ sự tự xoay xở của mỗi đơn vị. Hằng năm các đoàn, các nhà hát, nhóm nghệ sĩ đều ngó xem năm nay hoạt hình có gì mới, lục trong kho tàng cổ tích thần thoại Việt Nam và thế giới xem có truyện nào dễ tương tác với các em, có những pha giao chiến nào thích hợp với loại hình nghệ thuật của nhà hát, nghe xem bản nhạc nào đang “hot”, bọn trẻ đang chuộng cái gì, nhân vật nào... thì gắn kết, xâu chuỗi lại để thành một chương trình tạp kỹ gồm một đoạn kịch, một đoạn ca nhạc, múa hát, một đoạn xiếc - rối... Trong mỗi chương trình, cái mới được quảng cáo không phải là câu chuyện mới mà chỉ là sự hỗ trợ mới về âm thanh, ánh sáng, trang phục... Sự thật ấy đã khiến đạo diễn Như Lai đưa ra một kết luận: “Giờ đây, các sân khấu thiếu nhi cứ nhang nhác giống nhau và mang tính chụp giật nhiều hơn là kế hoạch dài hạn... Cũng vì mọi việc đều bắt đầu từ hai chữ “nhân dịp” chứ không bắt đầu từ mục tiêu khán giả tương lai”.
Bà bầu Hoài Oanh - giám đốc Ðông Đô Show, đơn vị chuyên nhận sô chương trình thiếu nhi ở Hà Nội - từng ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi ngồi với nhau và tôi nói với nhà hát, nhóm nghệ sĩ muốn đặt hàng là khán giả nhí đang cần gì, sau đó họ tự nghĩ nội dung, cách thể hiện chương trình. Còn chuyện được chọn lựa kịch bản hay đưa cho nhà hát, nghệ sĩ để yêu cầu họ cứ theo đó mà dựng thì thật là... điều không tưởng từ xưa đến nay của sân khấu thiếu nhi phía Bắc”.
Bởi thế, trong hơn mười kịch mục của Tết thiếu nhi năm nay ở Hà Nội phần lớn vẫn là các chương trình, kịch mục được dàn dựng theo kiểu ứng biến “mùa vụ”, kiểu “bình mới rượu cũ”. May là, trong muôn cái cũ ấy, Hoàng tử gấu và hạt đậu thần của IDECAF đã xuất hiện trên sân khấu nhà hát Tuổi Trẻ. Nhưng có lẽ cách làm này chỉ là tạm thời. Còn về lâu dài thì vẫn phải là việc xây dựng một kế hoạch dài hơi với một đội ngũ tác giả chuyên viết kịch cho thiếu nhi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận