06/04/2018 16:23 GMT+7

Nhận diện một số bệnh thường gặp mùa hè

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Do đặc điểm thời tiết, cứ đến mùa hè nhiều bệnh dịch lại phát triển ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng…

Nhận diện một số bệnh thường gặp mùa hè - Ảnh 1.

Trẻ bị sốt xuất huyết. Ảnh: dailymedicalinfo.com

Bệnh tiêu chảy cấp:

Có thể là tiêu chảy thường hoặc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả, kiết lỵ, thương hàn. Tiêu chảy thường do bị nhiễm virus, hoặc các loại vi khuẩn thông thường, bệnh chứng thường nhẹ hơn và ít gây thành dịch lớn so với tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là dịch tả). Bệnh tả là bệnh tối nguy hiểm có thể gây tử vong cao. Mùa hè ở nước ta có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu, là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp tiêu chảy.

Ðể tránh không bị tiêu chảy hoặc tả, lỵ thương hàn… cần tăng cường vệ sinh cá nhân. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như: ăn chín, uống chín, không ăn rau sống, không uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn như mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…

Bệnh sốt xuất huyết:

Là bệnh nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue cấp tính do muỗi truyền (muỗi vằn Aedes Aegypti). Bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong và gây thành dịch lớn, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Ðể phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên thu gom, tiêu hủy các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Thường xuyên súc rửa chum vại, bể nước mưa, lọ hoa, úp ngược các vật dụng chứa nước không dùng đến như xô, chậu, chén bát, máng nước uống của gia súc, gia cầm. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi quy mô cộng đồng hoặc phun diệt muỗi trong nhà bằng các bình xịt muỗi cầm tay.

Bệnh viêm não Nhật Bản:

Là bệnh do một loại virus có tên là virus viêm não Nhật Bản gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn.

Phòng bệnh bằng cách: Tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp chống muỗi đốt và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, thả cá tại các ao, hồ, ruộng lúa nước để diệt lăng quăng, làm chuồng gia súc xa nhà.

Bệnh tay chân miệng:

Là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột, thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71 (EV71) gây nên. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân - miệng tức là mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus (vì virus tồn tại trong nước, đất, rau và các loại thức ăn khác).

Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là các cháu đang đi nhà trẻ, mẫu giáo. Cách phòng bệnh: Tránh tiếp xúc với các nguồn lây theo đường tiêu hóa; tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch sàn nhà, vật dụng đồ chơi của trẻ, lau sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2%. Khi có trẻ bị bệnh phải cách ly tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.

Bệnh cúm A (H5N1):

Là bệnh hô hấp cấp tính và rất nguy hiểm do virus cúm A (H5N1) gây ra, virus này chủ yếu gây bệnh trên gia cầm, các động vật máu nóng và trên người. Triệu chứng của bệnh về cơ bản cũng giống như cúm A (H1N1), tức là: Ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, diễn biến nhanh và gây tử vong rất nhanh. Cả bệnh cúm A (H1N1) và A (H5N1) đến nay đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Phòng bệnh cúm A (H5N1) bằng cách: Không vận chuyển, giết mổ, mua bán và sử dụng gia cầm chết hoặc gia cầm nghi bị bệnh. Khi có gia cầm chết phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương, không vứt xác gia cầm bừa bãi. Chỉ ăn thịt và các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng đã nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, thịt, trứng nấu còn lòng đào. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm. Khi có người bị ho, sốt cao có liên quan đến gia cầm bệnh, chết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp