Tàu cá của ngư dân Việt Nam tố bị tàu Trung Quốc đâm, cướp phá tài sản ở Hoàng Sa (tháng 3-2018). Trong ảnh: lực lượng biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra thiệt hại trên hai tàu cá - Ảnh: TRẦN MAI
Lòng tin ngày càng giảm. Vì vậy phải thúc đẩy hợp tác để xây dựng lòng tin, từ đó xác định được có thể hợp tác những chỗ nào, không hợp tác được ở chỗ nào.
PGS Nguyễn Vũ Tùng (giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam)
Ngày thứ hai của Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 11: "Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực", diễn ra ở Hà Nội, đi sâu vào phân tích các vấn đề, giải pháp và cơ chế hợp tác trên biển.
Tranh cãi về "vùng xám"
Trong thời gian qua, cụm từ "vùng xám" (grey zone) xuất hiện nhiều trong các phân tích của giới chuyên gia về Biển Đông. Vấn đề về chiến thuật "vùng xám" được bàn thảo sôi nổi tại hội nghị quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức trong hai ngày 6 và 7-11.
Trong phiên thảo luận sáng 7-11, chiến thuật "vùng xám" được nhiều học giả định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra để các nước khác không có cớ can thiệp bằng sức mạnh chính quy.
Dưới chiến thuật này, các nước có thể dùng lực lượng quân sự làm nền tảng cho các lực lượng dân sự hoạt động. Ngoài ra, còn kết hợp với một số chiến thuật khác như chiến tranh tâm lý, pháp lý, tuyên truyền... qua đó tạo ra một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp.
Một số học giả cho rằng đây là kiểu chiến thuật khai thác lỗ hổng pháp luật. Tuy nhiên, cách hiểu này tiếp tục gây tranh cãi. Những người phản đối cho rằng pháp luật rất rõ ràng, nhưng vấn đề ở chỗ một số nước cố tình lách luật và vi phạm. Ví dụ pháp luật biển nêu rõ không được cưỡng ép, cản trở tự do hàng hải thì người ta cứ làm, cứ triển khai lực lượng tuần duyên, hải quân, tàu cá vũ trang... để cản trở nước khác.
Chẳng hạn, học giả Trung Quốc Hu Bo (ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc) gây tranh luận dữ dội khi cho rằng "các nước khác đều sử dụng chiến thuật "vùng xám" này". Tuy nhiên, ông Hu Bo khẳng định Trung Quốc "không tham gia chiến thuật vùng xám" và Trung Quốc "có chủ quyền và làm đường đường chính chính trong khu vực của mình".
Vị học giả này cũng cho rằng mọi hành động của Trung Quốc đều được thể hiện xuất phát từ hành động của Mỹ. Theo tường thuật của một học giả góp mặt tại phiên thảo luận ấy với Tuổi Trẻ, các học giả còn lại đã phản ứng với ông Hu Bo, khẳng định không có cái gọi là mập mờ về mặt pháp luật, tức "vùng xám" không thể nằm ngoài pháp luật.
Ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington - khẳng định "vùng xám" đang được xác định là việc Trung Quốc sử dụng lực lượng quân đội hoặc dưới mức quân đội, một lực lượng bờ biển, chỉ huy dân quân để cưỡng bức và ngăn chặn việc khoan dầu, quấy rối ngư dân... Toàn bộ chiến thuật này được xây dựng xung quanh ý tưởng không sử dụng lực lượng quân sự, và điều đó khiến Mỹ hoặc các nước không thể sử dụng lực lượng quân sự để đáp trả.
Vai trò của lòng tin
Ngăn "vùng xám" thế nào?
Tranh luận về "vùng xám" nổ ra tại ngày thứ hai của hội thảo quốc tế về Biển Đông. Đáp lại luận điểm của học giả Trung Quốc Hu Bo, tướng hải quân về hưu Yoji Koda khẳng định không có cái gọi là "vùng xám" ngoài vòng pháp luật, vì bất kỳ hành động vi phạm nào cũng sẽ bị đẩy lùi bằng ý chí chính trị và khả năng quân sự.
Ông Koda, hiện là cố vấn Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản, lấy vùng Senkaku/Điếu Ngư làm ví dụ. Khi tàu Trung Quốc được điều ra để thúc ép, đe dọa, Mỹ và Nhật Bản ra thông điệp không được chạm vào Nhật Bản vì hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật sẽ được áp dụng. Nhật có đủ tàu để đưa ra xua đuổi tất cả.
Khi có ý chí chính trị, có khả năng quân sự thì chiến thuật vùng xám "mất điện", PGS Nguyễn Vũ Tùng nói với Tuổi Trẻ.
Việc Trung Quốc định nghĩa và diễn giải hành động liên quan tới "vùng xám" khác với các nước đã phản ánh khó khăn trong việc xây dựng lòng tin, phục vụ mục tiêu thúc đẩy hợp tác ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Vũ Tùng - giám đốc DAV - cho rằng tình hình đang phức tạp, vì vậy càng phải bàn về hợp tác: "Phải có thống nhất về mặt lý luận trước, giữa các học giả với nhau, khi ấy tất cả mới hiểu rõ và phân tích từng động thái. Hợp tác gì, trên lĩnh vực nào, trong phạm vi nào, mô hình nào, xác định tiếp tục ai phá hợp tác, ai tiếp tục hợp tác...".
Theo PGS Nguyễn Vũ Tùng, giải pháp trước tiên là phải tập trung vào lĩnh vực, khu vực và mô hình hợp tác. Ông nói: "Giải pháp trước hết là chọn lĩnh vực ít nhạy cảm, không gắn với vấn đề chủ quyền, ví dụ môi trường, nghề cá, cứu nạn... Tiếp đến là chọn khu vực.
Tốt nhất nên ở các vùng biển cả (high sea), không do nước nào đòi hỏi chủ quyền, mở rộng cho tất cả các nước tham gia. Thứ ba là tìm ra mô hình hợp tác tốt. Ví dụ mô hình có sự tham gia của các nước đã quen thuộc với nhau trong các cơ cấu hợp tác, hoặc những cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Nguyên tắc chung là nhỏ và đẹp. Vì quy mô hợp tác nhỏ sẽ đồng nghĩa dễ làm việc hơn, dễ hiểu nhau hơn".
Việt Nam - người xây dựng hòa bình
Nhà nghiên cứu James Borton - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo Biển Đông lần thứ 11, nhà nghiên cứu tại Trung tâm khoa học ngoại giao của ĐH Tufts (Mỹ) James Borton đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cũng như vai trò dẫn dắt của Việt Nam đối với các sáng kiến hòa bình.
Ông cho rằng Việt Nam đã thể hiện rất tốt như một "người xây dựng hòa bình", đặc biệt khi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu năm 2019. Vai trò của Việt Nam có thể càng được thể hiện khi Việt Nam tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020. "Quan trọng hơn, tiếng nói của các bạn đang được lắng nghe tại Liên Hiệp Quốc" - ông nói.
Vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam có thể tận dụng vị thế để thúc đẩy giải pháp và cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. "Năm 2020, các bạn có thể tổ chức hàng loạt hội thảo, mời những nhà nghiên cứu từ Philippines, Malaysia hay Indonesia, nếu muốn các nước ASEAN đến đây bàn về những bước đi và cơ chế hợp tác. Để không bị coi là đe dọa Trung Quốc, các bạn có thể tiếp tục mời học giả Trung Quốc cùng góp tiếng nói" - ông Borton đề xuất.
Cởi mở, thẳng thắn và thực chất
Trong không khí cởi mở, hữu nghị, thẳng thắn và thực chất, đã có 47 bài phát biểu được trình bày cùng với hơn 250 lượt thảo luận, trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Các đại biểu đã thảo luận tình hình Biển Đông trong bối cảnh khu vực địa chính trị rộng lớn hơn gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và hai vùng địa cực; trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với Biển Đông, các vấn đề cụ thể như sự phát triển của chiến thuật "vùng xám", bảo vệ môi trường biển và nghề cá.
Trình bày của các đại biểu cho thấy khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một cấu trúc địa chiến lược đang định hình, kết nối chặt chẽ về lịch sử, tự nhiên và kinh tế - chính trị - xã hội. Trong bối cảnh mới, khu vực chia sẻ nhiều lợi ích chung về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển. Các đại biểu nhấn mạnh khu vực cần thượng tôn pháp luật, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, không loại trừ ai, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, nhiều bên, đa phương, đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Vai trò của các quốc gia tầm trung rất được quan tâm, kể cả các đóng góp của các quốc gia ngoài khu vực như Liên minh châu Âu (EU). Đại sứ
EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; khẳng định EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển mà còn là đối tác an ninh trong khu vực. Trong vai trò đó, EU có giá trị "cân bằng ảnh hưởng", thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, gồm cả Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
TTXVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận