Hình ảnh những cánh đồng lúa đang thì con gái trôi qua ngoài cửa xe cứ gợi trong chúng tôi câu hát: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt/có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa...”.
Phóng to |
Ông Nguyễn Tư Thoan (giữa) trong một lần đi thăm đồng lúa của dân - Ảnh tư liệu |
Công trình để đời cho dân
Ông Phan Văn Khuyến - nguyên phó tổng biên tập báo Quảng Bình trong những năm chiến tranh, dân của làng Thọ Linh, nơi có con đập Rào Nan được xây dựng - là một nhân chứng của vùng đất này trước và sau khi có đập. Căn bệnh tim và tuổi già đã khiến ông Khuyến yếu đi nhiều, nhưng khi ngồi cùng chúng tôi, nhắc lại chuyện xây đập Rào Nan, dường như sự phấn chấn khiến ông như đang ở giữa công trường đập Rào Nan của hơn 40 năm trước:
Cả một vùng 9 xã nam Quảng Trạch có 7 vạn dân với 2.000ha ruộng mà cứ mùa hè là bị bao vây bởi nước mặn từ biển dâng lên. Muốn có nước ngọt tưới cho đồng ruộng chỉ có cách đắp đập chặn sự xâm nhập của nước mặn rồi bơm nguồn nước ngọt phía thượng nguồn cho lúa. Nhưng bom đạn như thế sống đã khó nói chi chuyện đắp đê dựng đập! Vậy mà cuối năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Bình họp và nhận định Quảng Trạch dân đông, đất rộng mà không tự túc được lương thực chỉ vì thiếu nước là không chấp nhận được.
Quyết định xây đập Rào Nan, cấp nguồn nước tưới cho hàng ngàn hecta đồng ruộng Quảng Trạch giữa lúc cuộc kháng chiến đang hồi quyết liệt, không ít ý kiến bàn ra bàn vào, một lần nữa sự quyết đoán và bản lĩnh của bí thư Nguyễn Tư Thoan đã thuyết phục được mọi người: “Không thể cứ để trung ương chi viện mãi được, vũ khí, trang phục không lo được đã đành, còn lương thực để ăn hằng ngày mà cũng không tự lo được là một nỗi nhục!”.
Thời đó cũng có một đoàn chuyên gia của nước bạn Hungary lên khảo sát nhưng với mục đích để làm đập thủy lợi kiêm thủy điện - ông Phan Văn Khuyến nhớ lại - Đoàn này chọn vị trí làm đập ở khu vực Đồng Đâu. Nhưng muốn làm đập thủy lợi kiêm thủy điện phải có luận chứng, có thiết kế khoa học và phải có thời gian dài mới thi công được. Không thể chờ đợi như thế, ông Thoan quyết định ngay: Trong khi dân ta đang cần gạo ăn thì phải làm nhanh làm gọn đập thủy lợi đã, thủy điện làm sau.
Qua nhiều lần lặn lội xem đất, xem sông, ông Thoan đã nhắm được vị trí tốt nhất để làm đập thủy lợi Rào Nan. Sau đó ông Thoan triệu tập một hội nghị cốt cán toàn tỉnh tại nhà hầm của huyện ủy Quảng Trạch, tại hội nghị này ông trình bày phương án dự kiến về làm đập Rào Nan của tỉnh ủy, lấy nước tưới cho đồng ruộng vùng nam huyện Quảng Trạch và phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong hội nghị có người cho rằng muốn làm đập thủy lợi như thế thì phải mời người ở Bộ Thủy lợi vào khảo sát lưu lượng dòng chảy, các tầng đất làm nền móng rồi mới thiết kế chứ không làm theo chủ quan được.
Ông Phan Văn Khuyến nhớ như in: “Nghe mọi người nói thế, ông Thoan thuyết phục ngay: ta không còn thời gian nữa. Cuộc kháng chiến chưa biết kéo dài đến bao lâu, nếu không tìm cách giải quyết lương thực tại chỗ theo tinh thần của trung ương thì chưa chết vì bom đạn đã phải chết đói rồi”.
Sau đó ông Thoan quyết định làm đập thủy lợi Rào Nan bằng cách làm rọ thép, xếp đá vào và đổ xuống để ngăn sông Rào Nan ở đoạn sông hẹp nhất tại thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn. Cứ năm bảy hôm là ông Thoan lên công trường một lần (Rào Nan cách Đồng Hới hơn 60km). Trên công trường, ông đã cách chức tại chỗ ba người do làm việc lơ mơ, chỉ huy không sát thực tế, đơn vị không đạt tiến độ.
Sau gần một năm thi công, đến giữa năm 1969 con đập lớn bằng rọ đá dài hơn 110m, cao 6m tính từ đáy sông, chân đập rộng hơn 30m đã hình thành và vĩnh viễn ngăn ngang dòng nước mặn từ biển thấm lên. Con đập này đã làm nước sông Rào Nan đoạn phía trên đập dâng cao hơn trước đó 0,3m khi triều cường lên cao nhất và cao hơn 1,5m khi nước ròng. Nước mặn từ nay không thể xâm nhập lên thượng nguồn. Có nguồn nước ngọt từ Rào Nan về đồng ruộng, đất đai khô cằn ngàn đời trước của chín xã vùng Nam huyện Quảng Trạch là Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Tân và Quảng Minh từ đó thay đổi hẳn.
Hình ảnh đọng mãi trong ký ức ông Khuyến là ngày hoàn tất công trình, khi tám chiếc máy bơm nổ giòn giã đưa dòng nước mát theo kênh mương chảy về đồng ruộng, những người dân vục tay xuống dòng nước mát mà khóc. Bầy trẻ con ào xuống kênh, xô đẩy tạt nước reo hò. Có nguồn nước ngọt, cây lúa thêm vụ, củ khoai thêm mùa, giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh, điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho người dân Quảng Bình bền gan với cuộc kháng chiến.
Phóng to |
Văn bản xin dựng nhà bia tưởng niệm ông Nguyễn Tư Thoan của cán bộ và người dân Quảng Bình - Ảnh: L.Đ.Dục |
Dân xin được lập miếu thờ...
Từ con đập Rào Nan, hàng loạt công trình thủy lợi khác đã mọc lên trên đất lửa Quảng Bình giữa những năm tháng mưa bom bão đạn ấy như đập Tiên Lang, Vực Tròn của Quảng Trạch, đập Vực Nồi của Bố Trạch, đập Mỹ Trung ở phá Hạc Hải... do ông Thoan khởi xướng và chỉ đạo đã mang lại sức sống mới cho đồng ruộng Quảng Bình quanh năm khô hạn.
Chính nhà báo Phan Văn Khuyến cũng đã cảm khái: “Ông Nguyễn Tư Thoan về cuối đời cũng như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, ông ra đi chẳng để lại tài sản riêng tư đáng giá nào, chỉ để lại trên mảnh đất khô cằn này những công trình thủy lợi cho dân thoát đói thoát nghèo. Từ đó quê hương Quảng Bình đi vào công cuộc đổi mới có điều kiện vượt lên, tiến những bước vững vàng”.
Trên đường từ Rào Nan về qua xã Quảng Hòa, chúng tôi ghé thăm nhà văn Hoàng Bình Trọng. Cũng thật ngẫu nhiên, thời chiến tranh ông Trọng làm việc ở Vĩnh Phú nên hiểu khá rõ về ông bí thư Kim Ngọc, khi ông về quê, những câu chuyện của bí thư Nguyễn Tư Thoan lại gợi lên trong ông những day dứt. Bên ấm trà giữa trưa, câu chuyện giữa chúng tôi và nhà văn phải dừng lại nhiều lần bởi nhắc đến ông Thoan, ông Trọng lại nén tiếng nấc nghẹn ngào... Và không chỉ nhà văn Hoàng Bình Trọng, có một lớp người đã vào sinh ra tử, đội bom đội đạn trong chiến tranh cũng day dứt nghẹn ngào như thế khi nhắc đến công lao của ông Nguyễn Tư Thoan.
Với niềm biết ơn sâu sắc ấy với bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan nên hội cán bộ hưu trí cơ quan Đảng khu vực Nam Quảng Trạch đã có tờ trình xin làm nhà bia tưởng niệm, ghi nhớ công ơn ông Nguyễn Tư Thoan với chữ ký của nhiều bậc lão thành cách mạng, trong đó có người như cụ Nguyễn Thanh, 99 tuổi vẫn ghi những nét chữ gân guốc vào đơn đề nghị xây miếu thờ tưởng nhớ người bí thư tỉnh ủy hết lòng lo cho dân.
Ngôi miếu thờ ấy, nếu được cấp trên đồng ý, sẽ được người dân Quảng Trạch góp cát góp đá và dựng ngay đầu nguồn con đập Rào Nan. Nhưng cho dù chưa xây nên miếu thờ thì trong lòng người dân nơi đây, ông Thoan đã được lập miếu thờ.
________________
Kỳ tới: Bản lĩnh người đứng đầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận