Một số con tin tháo chạy khỏi khách sạn Radisson Blu và được lực lượng an ninh ứng cứu - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, tính đến 24g đêm qua (giờ Việt Nam), các binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc có mặt tại khách sạn Radisson Blu ở trung tâm Bamako cho biết họ nhìn thấy ít nhất 27 thi thể nằm trên vũng máu, 12 ở tầng hầm và 15 tại tầng hai.
Trong số những người thiệt mạng có một quan chức cơ quan lập pháp vùng người nói tiếng Pháp ở Bỉ.
Chính phủ Mali khẳng định đã giải cứu thành công số con tin còn lại. Chiến dịch săn lùng những kẻ cực đoan tiếp tục diễn ra sau đó. Lực lượng đặc nhiệm Mali bắn chết hai kẻ tấn công.
Người phát ngôn của Bộ An ninh Mali cho biết chỉ có hai hoặc ba tay súng cực đoan xông vào khách sạn Radisson Blu vào lúc 7g sáng (giờ địa phương). Tuy nhiên các nhân chứng cho biết có ít nhất 12 tên tham gia cuộc tấn công. Chúng ung dung đi vào khách sạn bằng một chiếc xe mang biển số ngoại giao.
Rất nhiều khách còn đang ngủ trong phòng khi cuộc tấn công bắt đầu. Những tiếng súng vang lên ầm ĩ, vọng ra bên ngoài tòa khách sạn 190 phòng nằm ở trung tâm thành phố Bamako.
“Thánh Allah vĩ đại”
Chỉ vài phút sau khi súng nổ, lực lượng cảnh sát và quân đội Mali đã vây kín khách sạn Radisson Blu. Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ các binh sĩ đặc nhiệm thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Bắc và Tây Phi đã giải cứu sáu con tin Mỹ tại đây.
Chính phủ Pháp cũng triển khai 40 lính đặc nhiệm thuộc Lực lượng hiến binh đặc nhiệm quốc gia tới tham gia chiến dịch giải cứu con tin. Ngoài ra, lính gìn giữ hòa bình MINUSMA của Liên Hiệp Quốc cũng có mặt.
Các nhân chứng mô tả khi lực lượng an ninh xông vào khách sạn, nhóm khủng bố cố thủ trên tầng bảy. Một số nhân chứng kể các tay súng này khi đến cửa khách sạn lập tức bắn các nhân viên bảo vệ rồi xông vào sảnh xả đạn tứ tung, miệng hô vang “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại) bằng tiếng Ả Rập.
Ba nhân viên bảo vệ bị thương, trong đó có một người trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, chúng đi vào từng phòng lôi tất cả khách ra ngoài.
Chúng trả tự do cho những người có thể đọc thuộc kinh Koran. Một số người khác tự mình trốn thoát, phần còn lại được lực lượng an ninh giải cứu. Một trong các con tin là ca sĩ Guinea Sekouba Diabate kể có nghe thấy hai tên khủng bố nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh.
“Tôi nghe thấy tiếng súng từ quầy tiếp tân. Tôi không dám ra khỏi phòng vì biết chắc đó không phải là tiếng súng lục mà là tiếng súng quân sự” - ca sĩ Diabate kể.
“Hai kẻ xông vào phòng bên cạnh phòng tôi. Tôi giấu mình trong gầm giường, không dám phát ra tiếng động nào. Tôi nghe chúng nói bằng tiếng Anh là mày đã lên đạn chưa và đi thôi” - ca sĩ Diabate bàng hoàng nói. Ông mô tả bọn chúng nói bằng khẩu âm Nigeria.
Ông Seydou Dembele, giám đốc an ninh khách sạn Radisson Blu, cho biết có nhìn thấy hai tên khủng bố, một trùm mũ đen, một là người da đen.
Theo Tân Hoa xã, có ít nhất 10 người Trung Quốc được cứu thoát từ khách sạn. Hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ và Air France của Pháp đều có nhân viên ở trong khách sạn và tất cả đều an toàn.
Khủng bố Al-Qaeda
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đang ở Chad dự một hội nghị quốc tế đã lập tức bay về nước.
AFP dẫn lời một cố vấn an ninh Pháp nhận định khách sạn Radisson Blu là “mục tiêu rõ ràng” của bọn khủng bố vì vị trí của nó ở trung tâm thủ đô Bamako. Trên mạng xã hội Twitter, nhóm khủng bố Al-Mourabitoun, chi nhánh của Al-Qaeda tại Mali, lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Trước đó Al-Mourabitoun từng thực hiện nhiều cuộc khủng bố ở Mali, bao gồm vụ tấn công một khách sạn ở thị trấn Sevare hồi tháng 8 khiến 17 người thiệt mạng, bao gồm năm nhân viên LHQ.
Một trong các thủ lĩnh của nhóm này là Mokhtar Belmokhtar, phiến quân khét tiếng tại Bắc Phi, kẻ từng mở cuộc tấn công quy mô lớn vào một giếng khí đốt ở Algeria năm 2013.
Đây không phải là lần đầu tiên Bamako bị tấn công. Hồi tháng 3, một vụ khủng bố tại một nhà hàng nổi tiếng trong thành phố khiến năm người thiệt mạng. Các nhóm Hồi giáo cực đoan liên tục khủng bố ở Mali bất chấp việc các nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ và phiến quân Tuareg đã đạt thỏa thuận hòa bình hồi tháng 6.
Giữa năm 2012, miền bắc Mali rơi vào tay các nhóm cực đoan có quan hệ với Al-Qaeda. Chúng hất cẳng phiến quân Tuareg và triển khai luật Hồi giáo Sharia cực kỳ hà khắc tại đây.
Tháng 1-2013, quân đội Pháp mở chiến dịch can thiệp, đánh bật các nhóm cực đoan ra khỏi hàng loạt thị trấn ở miền bắc.
Tuy nhiên trong thời gian qua chúng vẫn liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh Mali. Trong một đoạn video tung lên mạng hồi đầu tuần, một thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan ở Mali lên án thỏa thuận hòa bình và kêu gọi tấn công Pháp.
Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13-11, một số thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng khẳng định việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali là một nguyên nhân khiến các phần tử cực đoan tấn công khủng bố Pháp.
“Đó mới là sự bắt đầu. Chúng tôi không quên những gì xảy ra ở Mali” - một phiến quân khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận