Các cựu chiến binh Gạc Ma (từ trái sang): Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Lanh, Lê Minh Thoa vui mừng gặp nhau và chia sẻ với đồng đội - thương binh Nguyễn Văn Dũng (bìa phải) - Ảnh: Duy Thanh |
Buổi gặp nhằm kỷ niệm 27 năm sự kiện Gạc Ma, do ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức.
“Tôi công tác ở xa, đã hàng chục năm không gặp các đồng đội nên rất bồn chồn mong sớm gặp lại anh em một thời sinh tử” - thiếu tá Nguyễn Văn Lanh chia sẻ khi đến điểm gặp mặt từ rất sớm. Ông hiện đang công tác ở phòng hậu cần hành chính Bộ tham mưu hải quân tại TP.HCM.
Người cầm cờ ở Gạc Ma
Khi các cựu chiến binh Trường Sa trên chiếc xe biển số Bình Định vừa bước xuống, ông Lanh đã kịp nhận ra đồng đội và gọi lớn: “Thoa! Thoa phải không?”. Rồi ông Lanh chạy lại, ôm chầm lấy một người đàn ông trung niên, đó là ông Lê Minh Thoa, phụ trách máy 1 của con tàu HQ-604 lịch sử.
Nhớ ngày 14-3 Tôi nhớ đến ngày 14-3, không phải chỉ vì là ngày sinh nhật của tôi mà là nhớ đến ngày bi hùng thế kỷ 20 của lịch sử Việt Nam. Ngày ấy năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm hòn đảo Gạc Ma do Quân đội nhân dân Việt Nam trấn giữ và 64 chiến sĩ đã hi sinh. Ngoài đá Gạc Ma còn các đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Su Bi cũng bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Là một nhà sử học rất khách quan tìm ra sự thật lịch sử, song còn là một công dân Việt Nam khi biết rõ sự thật lịch sử, tôi không ngăn được những cảm xúc. Tôi mong các nhà sử học Việt Nam cũng như các nhà sử học trên thế giới, kể cả các nhà sử học chân chính Trung Quốc, chia sẻ với tôi: “Cái gì của César hãy trả lại cho César”. |
Ông Lanh cũng vô cùng ngạc nhiên khi ngay sau đó đã gặp lại đồng đội cùng sinh tử với mình trong sáng sớm 14-3-1988 tại Gạc Ma là ông Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh).
Gặp nhau, thoáng chốc câu chuyện Gạc Ma trở lại sinh động và hào hùng ngay trong câu chuyện của họ.
Ông Lanh kể khi đang cùng đồng đội vận chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 vào đảo Gạc Ma thì thấy quân Trung Quốc bao vây, tấn công hải quân ta trên đảo, ông dùng hết sức bơi nhanh vào. Khi lên đảo, thấy chiến sĩ cầm cờ bị trúng đạn địch, ông Lanh đã cầm lấy, đứng vững làm trụ cho ngọn cờ Tổ quốc tiếp tục tung bay. Không giành được lá cờ từ ông Lanh, quân Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai phải ông, rồi dùng súng bắn sạt qua lưng của người chiến sĩ công binh E83 này.
Còn ông Thoa bị Trung Quốc bắn bị thương ở chân, bắt đưa về giam ở Quảng Châu, đến tháng 11-1991 mới được thả.
Tâm sự với các đồng đội cũng như khi được mời lên phát biểu, ông Nguyễn Văn Lanh nói: “Tôi nhớ mãi câu nói của anh hùng Trần Văn Phương: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng”.
"Tôi mong tất cả chúng ta, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn giữ vững tinh thần Gạc Ma là quyết tử để bảo vệ Tổ quốc và truyền lại cho đồng đội, cho thế hệ sau để giữ vững sự vẹn toàn lãnh thổ, giữ bình yên cho biển đảo Tổ quốc” - ông Lanh nói.
Nhiều anh em còn khó khăn quá
Các cựu chiến binh Trường Sa đã đứng cả dậy, im lặng nhưng trong mắt họ dường như có lửa khi xem lại những hình ảnh tàu Trung Quốc nã đạn vào con tàu HQ-604, bắt và hành hạ các chiến sĩ hải quân Việt Nam trong phóng sự được chiếu tại cuộc gặp mặt.
Ông Đào Thái Thi - trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên - nói với các đồng đội rằng cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của chiến sĩ hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường để thế hệ hôm nay và mai sau quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông kể về sự hi sinh tại Gạc Ma của hai chiến sĩ người Phú Yên là Phan Tấn Dư và Trương Quang Thịnh. “Cuộc sống của gia đình hai liệt sĩ còn nhiều khó khăn, nên những năm qua anh em cựu binh Trường Sa Phú Yên luôn cố gắng đóng góp để hằng năm tổ chức đám giỗ cho hai anh, hỗ trợ phần nào để người thân của các anh vượt qua khó khăn. Không riêng gia đình hai liệt sĩ, mà nhiều anh em cựu binh sau khi trở về từ Trường Sa vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy chúng tôi trân trọng kêu gọi chúng ta, những ai có điều kiện, hãy cố gắng để có thể lập một quỹ hỗ trợ các cựu binh Trường Sa khó khăn” - ông Thi đề xuất sau khi đã trao bảy suất quà cho gia đình hai liệt sĩ, các thương binh và cựu chiến binh Trường Sa gặp khó khăn.
Làm gì để giữ vững hòa bình trên biển Đông? Mọi người Việt Nam đều xúc động và ủng hộ một việc làm đáng lẽ phải làm từ lâu rồi là xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh cách đây 27 năm khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, điều người dân hôm nay hết sức quan tâm là tình hình Gạc Ma hiện nay như thế nào. Dư luận trong nước, ngoài nước đều rất lo ngại về những hoạt động của Trung Quốc tại đây và nhiều đảo khác. Liệu sự kiện Gạc Ma còn tái diễn hay không? Nhân dân ta cùng cộng đồng quốc tế cần làm gì để giữ vững hòa bình, an ninh, ổn định trên biển Đông và khu vực? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận