Một số người có thể bị dị ứng với lông chó - Ảnh: T.T.D. |
Biểu hiện lâm sàng thay đổi tùy theo từng người và mức độ tiếp xúc, dung nạp dị ứng nguyên (tác nhân gây dị ứng) vào cơ thể. Nhẹ thì có triệu chứng: nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mẩn đỏ da, nổi mề đay và dấu bất thường trên da xuất hiện một cách đặc trưng khi tiếp xúc với chất nào đó hoặc súc vật (chó, mèo...) hoặc vào những mùa cố định trong năm. Khi nặng có thể sốc phản vệ và dễ gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những nguyên nhân và triệu chứng cần phân biệt
* Do dị ứng thời tiết: ho, sổ mũi, hắt hơi, nặng hơn có thể khò khè, khó thở, thở co lõm ngực (thường gặp ở trẻ em), gây hen suyễn. Thường xuất hiện mỗi khi mưa nắng đột ngột, cơn bão sắp xảy ra.
* Tiếp xúc hóa chất từ vật dụng, đồ chơi: dễ gây ngứa da, khô da, hắt hơi, sổ mũi. Ở trẻ em có thể biểu hiện các rối loạn như quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn, ngủ không sâu, tỉnh giấc, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa.
* Môi trường làm việc tiếp xúc với dụng cụ lao động, hít khói, bụi nhà, hóa chất: gây hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, khó thở, ngạt.
* Tiếp xúc động vật, lông chó, mèo, gà, chim... hoặc gián, sâu bọ khi bám vào da, áo quần: gây ngứa đỏ da.
* Dị ứng nấm mốc, phấn hoa, thân lá thảo mộc: gây ngứa, ho, sổ mũi, khó thở.
* Ăn phải thức ăn gây dị ứng: hải sản như tôm, cua, cá, nghêu, sò, ốc hoặc thịt gà, bò, trứng gia cầm: gây nổi mề đay, nôn ói, nặng có thể gây khó thở do phù nề đường hô hấp.
* Thức ăn chứa chất bảo quản, phẩm màu: gây nôn ói, tiêu chảy, đau bụng.
* Dị ứng da do băng dính, cồn, iodine (dung dịch povidine): gây mẩn đỏ, sưng phù tại chỗ dán hoặc bôi thuốc.
* Sốc phản vệ: do phản ứng toàn thân mức độ nặng với thuốc uống hoặc chích (thường do kháng sinh), gây tê, gây mê, văcxin... Biểu hiện tím tái, khó thở, tụt huyết áp, hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và dẫn đến tử vong.
Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng mà có thể gây nhiễm độc mãn tính, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, ung thư: máu, gan, thận, phổi, dạ dày sau này.
Cách xử trí
Trường hợp nhẹ: nên đến cơ sở y tế ngay để được chỉ định dùng thuốc chống dị ứng (histamine) hoặc corticosteroid qua đường uống hoặc thoa da bị mẩn đỏ.
Trường hợp nặng: khó thở, hen suyễn: đưa ngay đến cơ sở y tế để thở oxy và dùng thuốc giãn phế quản. Khi bị sốc phản vệ, nên được sơ cứu tại chỗ như hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng tim - ngưng thở, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm adrenaline, corticosteroid... theo phác đồ xử trí sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Phòng ngừa và chuẩn bị cấp cứu dị ứng
Mọi người cần theo nguyên tắc chung: tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên. Nếu dị ứng lần trước với hóa chất, thuốc, phấn hoa, thức ăn thì không nên tiếp xúc hoặc dung nạp nữa vì phản ứng sẽ trầm trọng hơn. Khi đi xe máy nên đeo khẩu trang có lớp than hoạt tính (bán tại các cửa hàng dụng cụ y khoa) để lọc khói bụi hiệu quả.
Nếu buộc phải tiếp xúc dị ứng nguyên nên mang khẩu trang và dụng cụ bảo hộ lao động (găng tay, nón, giày, áo quần lao động, mặt nạ...) để giảm thiểu lượng độc chất vào cơ thể. Tuyệt đối không nên cố ý hít các hóa chất như keo dán gỗ và kim loại, xăng thơm... vì dễ gây ảnh hưởng chức năng hô hấp và phát triển ung thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận