Phóng to |
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh tư liệu |
Trao đổi với báo chí sáng 8-8, đại diện Công ty CP dược Hà Tây đưa ra một loạt các văn bản chứng thực việc thuê - mượn này.
Đi thuê để… cho mượn
Theo đó, ngày 21-11-2011, GĐ BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm đã có văn bản gửi Công ty CP dược Hà Tây, trình bày máy xét nghiệm huyết học và phân tích sinh hóa của bệnh viện thường xuyên hỏng hóc, nguồn kinh phí tự chủ chưa có, đề nghị được mượn một máy xét nghiệm huyết học và một máy xét nghiệm phân tích sinh hóa để đảm bảo khám chữa bệnh. Trong khi theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, BVĐK Hoài Đức mới được đầu tư máy xét nghiệm mới do Đức sản xuất năm 2010.
Ngay sau khi nhận được văn bản này, Chi nhánh Đông dược- vật tư y tế của Công ty CP dược Hà Tây đã có văn bản mượn một máy phân tích huyết học tự động 18 thông số và một máy phân tích sinh hóa bán tự động, rồi nhanh chóng cho BVĐK Hoài Đức mượn lại. Theo đại diện Công ty CP dược Hà Tây, trong 2 chiếc máy này thì chiếc mới 100% họ phải đi thuê để cho BVĐK Hoài Đức mượn, còn chiếc đã qua sử dụng thì họ mượn để… cho mượn. “Nếu xét theo lý lẽ thông thường thì mọi người sẽ thấy việc này là lạ, nhưng người đi bán hàng (hóa chất - PV) thì lại phải chiều theo khách hàng”- vị đại diện này cho biết.
Cũng theo tổng hợp của Công ty CP dược Hà Tây, nhờ cho mượn máy mà 2 năm 2011-2012, Chi nhánh Đông dược - vật tư y tế của công ty này đã trúng thầu tổng cộng hơn một tỷ đồng hóa chất vàoBVĐK Hoài Đức. Và cũng công ty cũng giải thích thêm ở mặt hàng hóa chất là họ chỉ trúng thầu vào Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Tuy nhiên đến năm 2013 này, Công ty không trúng thầu hóa chất vào BVĐK Hoài Đức cũng như bất kỳ bệnh viện nào khác.
“Hợp đồng mượn máy là từ 1-3 năm, năm nay không trúng thầu cung cấp hóa chất không biết vì lý do gì”- đại diện Công ty CP dược Hà Tây cho biết.
Lẫn lộn bệnh nhân động kinh và tiêu chảy
Chị Cao Thị Hưởng, thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỏ ra vô cùng bức xúc, lo lắng khi biết được kết quả xét nghiệm của con trai của chị là Phạm Văn Đạt, 3 tuổi trùng khớp 18 chỉ số xét nghiệm (100%) với cháu Nguyễn Đức Hải 11 tháng tuổi, và bệnh nhân bị bệnh động kinh Nguyễn Công Thụ 46 tuổi! So sánh ba kết quả xét nghiệm của ba bệnh nhân này tại BVĐK Hoài Đức ngày 8-4-2013, trong đó cháu Đạt được chẩn đoán viêm phế quản, cháu Hải chẩn đoán bị tiêu chảy do rota virus, bệnh nhân Thụ được chẩn đoán động kinh, những người chứng kiến không khỏi giật mình vì sự liều lĩnh của kíp cán bộ xét nghiệm cũng như các nhân viên y tế ở bệnh viện này.
Chị Hưởng cho biết từ đầu năm cho đến tháng 4- 2013, cháu Đạt có 3-4 lần đi viện, mỗi lần đều được các bác sĩ cho làm các xét nghiệm máu với một chẩn đoán duy nhất là bị viêm phế quản. Bản thân chị Hưởng và gia đình không nhận được kết quả xét nghiệm, mà kết quả sau này được chuyển thẳng về khoa điều trị. Chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui, gia đình mới bàng hoàng vì cách làm việc của Bệnh viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-8, GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nói điều mọi người lo lắng nhất hiện nay là những kết quả xét nghiệm nhân bản được đem sử dụng cho chẩn đoán, điều trị, nếu như vậy thì hậu quả thật khó lường. “Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra, làm rõ xem có bao nhiêu kết quả xét nghiệm khống được sử dụng cho điều trị, bao nhiêu là của bệnh nhân đến khám sức khỏe và điều trị ngoại trú”- ông Hiền cho biết.
Thật khó tin khi so sánh khối lượng công việc đạt được của phòng xét nghiệm ngoại viện BVĐK Hoài Đức với Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Phòng xét nghiệm ngoại viện của BVĐK Hoài Đức chỉ rộng 9m2, trong đó có ba máy xét nghiệm bán tự động và vài nhân viên, mà mỗi ngày xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân với từ 1.000-1.500 tiêu bản xét nghiệm. Trong khi Viện Huyết học truyền máu T.Ư có tám máy xét nghiệm nước tiểu, sinh hóa, HIV…, với những máy thuộc vào hàng hiện đại nhất Việt Nam, đội ngũ kĩ thuật gồm 21 người cả bác sĩ và kĩ thuật viên ngày cao điểm nhất mới thực hiện được 800 tiêu bản xét nghiệm, gồm 700 tiêu bản xét nghiệm huyết học thông thường, 100 bản xét nghiệm về HIV, tủy xương và xét nghiệm cao cấp.
Điều đáng nói, nếu tính giá mỗi xét nghiệm huyết học tại BVĐK Hoài Đức hiện nay là 21.000đ, tổng thu cho cả ba loại xét nghiệm là nước tiểu, huyết học và sinh hóa là hơn 200.000đ (thông thường bệnh nhân được chỉ định làm tất cả xét nghiệm), thì có thể thấy con số khủng khiếp mà BVĐK Hoài Đức thu về trong một ngày.
Theo nhóm tố cáo, việc đi tìm bằng chứng để chứng minh những hành vi sai trái không hề dễ dàng, vì GĐ Bệnh viện là ông Nguyễn Trí Liêm đã yêu cầu toàn khoa không vào sổ các chỉ số xét nghiệm (hoặc là vào sổ rất lẻ tẻ), nên nhóm tố cáo rất khó có được bằng chứng cụ thể. Riêng hai tháng 7 và 8-2012 hoàn toàn không được vào sổ. Những tháng tiếp theo để tránh sự nghi ngờ về các kết quả xét nghiệm trùng nhau một cách bất thường, các nhân viên một mặt vẫn ghi các chỉ số xét nghiệm (và cả các chỉ số khống), một mặt lại sửa một vài chỉ số.
Do vậy, mặc dù trên giấy tờ có nhìn thấy hiện tượng sao chép kết quả xét nghiệm, nhưng trên sổ sách rất khó kiểm tra. Nhóm của chị Nguyệt đã phải phối hợp một mặt trả kết quả cho bệnh nhân, mặt khác vừa vào sổ và in sao phiếu xét nghiệm làm bằng chứng.
Chị Nguyệt cho biết khi xác định tố cáo hành vi sai trái của GĐ Bệnh viện, chị biết chắc chắn sẽ gặp khó khăn, cản trở. Nhất là đối với người thân khi biết việc đều can ngăn vì lo lắng cho chị khi đối đầu trực tiếp với lãnh đạo. Tuy nhiên, chị Nguyệt vẫn cương quyết tố cáo ông Liêm vì e ngại những hành vi sai trái nếu được duy trì, tiếp diễn trong thời gian dài thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Chị Phan Thị Oanh, nguyên kỹ thuật viên trưởng Khoa xét nghiệm, là người có công rất lớn trong việc thu thập tài liệu. Chị cũng là một trong năm người đứng tên trong lá đơn đầu tiên tố cáo về những việc làm sai trái, nhưng sau đó chị cùng một người nữa đã phải rút tên khỏi đơn khi không thể chịu được sự chèn ép của cấp trên. Sau khi vụ việc bị phanh phui, chị Oanh bị BVĐK Hoài Đức cho thôi chức vụ kĩ thuật viên trưởng Khoa xét nghiệm.
Nhiều “chiêu” lạm dụng quỹ bảo hiểm
Theo ông Phạm Lương Sơn, trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, vụ việc tại BVĐK Hoài Đức đã bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội phát hiện và đã có dự định yêu cầu xuất toán chi phí. Theo ông Sơn, nếu tính theo mức viện phí cũ mà cơ quan bảo hiểm chi trả, thì tổng số tiền thu được từ các phiếu xét nghiệm nhân bản ở BVĐK Hoài Đức chỉ khoảng 70 triệu đồng, tính theo mức giá mới (Hà Nội áp dụng từ tháng 8-2013- PV) thì tổng chi phí cho các xét nghiệm nhân bản này tăng lên khoảng năm lần. “Nhưng hậu quả khôn lường nếu Bệnh viện đã căn cứ vào kết quả xét nghiệm để chỉ định điều trị” - ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, qua kiểm tra ở 7 tỉnh thành có chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế tăng vọt (tăng trên 35% so với cùng kỳ 2012) là Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Kon Tum thời gian qua, ông Sơn cho biết có hai vấn đề thường thấy là tăng ngày điều trị bình quân và tăng chi phí chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao. Theo đó, có nhiều bệnh viện đã cho bệnh nhân ra viện từ ngày thứ 6, nhưng phiếu ra viện lại đề ngày thứ 2 tuần kế tiếp, “lợi” thêm 3 ngày tiền giường từ Quỹ bảo hiểm. Trong khi theo khung viện phí mới, tiền ngày giường đã tăng từ 18.000đ lên thấp nhất 70.000đ/ngày/giường bệnh. Bên cạnh đó, chi phí chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cũng đã tăng lên so với trước, trước đây phần chi này chiếm 20-25%/tổng chi phí khám chữa bệnh, nay đã lên tới 30-40% tổng chi và ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, do phần chi cho thuốc và xét nghiệm quá lớn, không còn tiền chi cho dịch vụ, lương cán bộ nhân viên…
Đặc biệt, ông Sơn cho biết đang yêu cầu rà soát toàn bộ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại tỉnh Đồng Nai, do kỹ thuật này đã được chỉ định nhiều không khác gì chụp X quang thông thường, nhiều trường hợp chỉ đau bụng cũng cho chụp X quang hoặc viêm họng cho chụp X quang đầu cổ.
____________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận