27/08/2013 07:38 GMT+7

"Nhân bản" khu dân cư trái phép

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Ngày 26-8, hội đồng xét xử vụ khu dân cư trái phép ở An Giang tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến việc xây dựng các khu dân cư của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) và của doanh nghiệp tư nhân Trí Dũng.

Bị cáo Bùi Phước Dũng, nguyên giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ, trình bày trước khi có ý tưởng làm khu dân cư để giải quyết nơi ở cho cán bộ của đơn vị mình thì đã có nhiều khu dân cư của các cơ quan khác hình thành với quy trình: mua đất rồi tách thửa vừa chuyển quyền sử dụng đất. Thấy các khu dân cư trước làm được nên mình... vận dụng bắt chước cách làm này. “Không phải bị cáo có sáng kiến với cách làm mới mà thật ra chỉ nhân rộng mô hình mà nhiều cơ quan đơn vị khác đã làm thôi” - bị cáo Dũng lý giải.

Một số luật sư hỏi: “Có quy định nào cho phép vừa chuyển quyền sử dụng đất vừa tách thửa không?”. Bị cáo Nguyễn Thiện Thanh, nguyên nhân viên Phòng tài nguyên - môi trường TP Long Xuyên, khẳng định không có, đồng thời cho biết mình từng thấy việc này sai nên trước thời điểm khu dân cư Văn phòng ĐKQSDĐ triển khai, bị cáo Thanh từng có văn bản báo cáo, xin ý kiến Phòng tài nguyên - môi trường và Sở Tài nguyên - môi trường. Thế nhưng sau đó chẳng ai trả lời hay có ý kiến gì, từ đó cứ nghĩ rằng làm như vậy là đúng và được phép. “Trước đó nhiều khu dân cư của UBND P.Mỹ Quý, của các cơ quan Thành ủy... cũng đều thực hiện theo quy trình như vậy nên Phòng tài nguyên - môi trường cứ tiếp tục ký vào hồ sơ xin chuyển quyền sử dụng đất, xin tách thửa. Các khu dân cư sau này chẳng qua là... nhân bản mô hình các khu dân cư trước mà thôi” - bị cáo Thanh trình bày.

Luật sư Hứa Hoàng Chấn nêu vào năm 2008 Phòng tài nguyên - môi trường TP Long Xuyên từng có văn bản báo cáo về việc kiểm tra trình tự thủ tục khi hình thành một số khu dân cư. Trong đó có kiến nghị UBND TP ban hành quy định, định mức diện tích đối với các khu dân cư do hộ gia đình, cá nhân lập ra phải thực hiện dự án đầu tư nhằm đảm bảo tính công bằng và các điều kiện cần thiết khác. Đồng thời Văn phòng ĐKQSDĐ phải yêu cầu chủ sử dụng đất trước khi chuyển quyền sử dụng bổ sung đơn xin cấp giấy đỏ do biến động diện tích có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định nhằm đảm bảo đúng trình tự thủ tục.

Luật sư Chấn cũng nêu ra thông báo ngày 7-8-2009 của UBND tỉnh An Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh (hiện là chủ tịch) có ý kiến: “Đối với các khu dân cư tự phát phải điều chỉnh lại cho phù hợp về lộ giới giao thông, về khả năng gắn kết và mật độ cây xanh các khu dân cư này phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch kiến trúc đô thị... Việc làm đường trên khu dân cư cũng có xin phép và được UBND TP phê duyệt”. Luật sư Chấn lập luận rằng từ những văn bản này, nhiều bị cáo đã mặc định việc làm các khu dân cư là được phép, được thừa nhận và bị cáo Dũng... mới dám làm khu dân cư.

Bị cáo Huỳnh Giang Sơn, nguyên phó chủ tịch UBND TP Long Xuyên, trình bày rằng trước đó UBND TP có quy định vừa cho tách thửa vừa cho chuyển quyền sử dụng đất. “Nếu chỉ cho tách thửa không thì trước khi ký mình kiểm tra có thể phát hiện ý đồ làm khu dân cư, chứ vừa cho cả hai nên khối lượng giấy tờ phải ký cùng lúc luôn quá tải, rất khó phát hiện” - bị cáo Sơn giải thích.

Các luật sư cho rằng trong khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và tách thửa phải qua Văn phòng công chứng Long Xuyên. Đơn vị này đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa sai quy định nên khi vụ án mới đưa ra xử, luật sư đã yêu cầu đại diện văn phòng phải có mặt nhưng chưa được tòa triệu tập.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp