Phóng to |
Thực tế không chỉ riêng nước ta mà trên thế giới hằng năm đều có thống kê nhiều trường hợp do nhầm tên thuốc đưa đến bệnh nhân dùng nhầm thuốc bị tai biến rất đáng tiếc.
Sai vì nhầm lẫn hoặc kê đơn không rõ ràng
Có thể tạm phân ra ba loại nhầm tên thuốc được kể dưới đây.
"Bác sĩ phải luôn cập nhật thông tin về thuốc để có sự chính xác trong chỉ định thuốc, phải viết đơn thuốc, đặc biệt tên thuốc rõ ràng dễ đọc" |
Thứ nhất, có sự nhầm lẫn tên thuốc bán không cần đơn thuốc của bác sĩ, tức loại thuốc mà người dân có thể đến nhà thuốc mua để tự dùng và vì không có sự hiểu biết nên mua nhầm. Thí dụ, một người đến nhà thuốc hỏi loại thuốc trị cảm, đau nhức bán không cần đơn là Anacin. Thật ra, thuốc cần mua là Anacin 3 (có số 3 sau chữ Anacin) bởi vì người này có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng không thể dùng Anacin là tên biệt dược của aspirin và aspirin không thể dùng ở người bị viêm loét (hoặc nói theo một số người là yếu bao tử). Người này phải dùng Anacin 3 là biệt dược của paracetamol (paracetamol được xem không gây hại dạ dày như aspirin). Nếu dùng Anacin người đó sẽ có nguy cơ rất lớn bị tai biến ở hệ tiêu hóa, thậm chí xuất huyết tiêu hóa. Do không rõ, có sự nhầm lẫn giữa Anacin 3 và Anacin trong sử dụng thuốc, chỉ nhầm lẫn số 3 sau tên thuốc mà có nhiều trường hợp tai biến đã được báo cáo ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ hai là bác sĩ điều trị đã ghi đơn thuốc không rõ tên (đây là trường hợp tương đối phổ biến ở nước ta). Như ghi tên Voltarène (biệt dược của diclofenac là thuốc chống viêm không steroid trị viêm xương khớp) khi đưa đến nhà thuốc đã bị đọc nhầm là Vogalène (biệt dược của metopimazin là thuốc chống nôn). Chữ Voltarène nếu viết tháu, nhanh rất dễ đọc nhầm Vogalène. Nếu người dùng thuốc bị nhầm như thế thì có thể nguy hiểm vì không chỉ dùng không đúng thuốc để trị hết bệnh mà còn có thể bị tai biến do thuốc bị mua nhầm.
Thứ ba, bác sĩ tưởng hai thuốc là tương tự và chọn nhầm khi chỉ định thuốc (cũng là trường hợp bác sĩ ghi nhầm thuốc ở huyện Bình Chánh nêu trên). Thí dụ, đã xảy ra trường hợp bác sĩ tưởng hai thuốc Klion và Kalion là một, trong khi Klion là tên biệt dược của kháng sinh metronidazol, còn Kalion là tên biệt dược của kali clorid - thuốc bổ sung kali, là hai thuốc hoàn toàn khác nhau.
Không chỉ nhầm tên!
Không chỉ có sự nhầm lẫn về tên thuốc mà còn có sự nhầm lẫn về dạng thuốc hay dạng bào chế của thuốc. Bởi hiện nay ngoài thuốc có dạng thuốc thông thường (gọi là dạng thuốc quy ước hay cổ điển như viên nén, viên nang) chứa liều dược chất vừa đủ (gọi là đơn liều) phải uống nhiều lần trong ngày, còn có các thuốc gọi là thuốc phóng thích dược chất kéo dài. Dạng thuốc mới này cũng có dạng viên nén, viên nang nhưng chứa liều cao hơn, tương đương 3 hoặc 4 viên thuốc cổ điển chỉ cần uống một lần trong ngày. Cần lưu ý thuốc phóng thích dược chất kéo dài thường có chữ viết tắt kèm sau tên thuốc hoặc một số chữ đặc biệt gắn liền với tên thuốc (có ý nghĩa “có tác dụng kéo dài” hoặc “tác dụng lặp lại”, “tác dụng chậm”). Ta nên ghi nhận đặc điểm tên thuốc để dùng thuốc cho đúng: Procan SR (SR là chữ viết tắt của sustained release, có nghĩa là phóng thích kéo dài), Inderal LA (LA: long acting, libération allongée), Adalate LP (LP: libération prologée), Procardia XL (XL: extra long), QuinideX Extendtabs, Slow-K, Nitro-Dur (long duration), Thorazin Spansules, Flagyl XR (XR: extended release), Betaloc ZOK (zero order kinetics, phóng thích thuốc theo bậc 0), Tylenol 8 hour extended release (phóng thích thuốc kéo dài trong 8 giờ)... Tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa dạng thuốc thông thường với thuốc phóng thích dược chất kéo dài. Nếu chỉ định hoặc dùng nhầm thuốc phóng thích dược chất kéo dài (như Procan SR, uống một lần trong ngày) giống như thuốc thông thường (Procan không có chữ SR ở sau, uống nhiều lần trong ngày) là rất nguy hiểm vì quá liều.
Trong tình hình thuốc được lưu hành rất nhiều như “rừng” thuốc với những tên thuốc na ná nhau như hiện nay, chúng ta thấy luôn có nguy cơ dễ đưa đến sự nhầm lẫn, dùng nhầm thuốc này sang thuốc kia. Vì vậy, một công tác hết sức quan trọng trong ngành y dược là chống nhầm lẫn, đặc biệt là chống nhầm lẫn về tên thuốc. Bác sĩ phải luôn cập nhật thông tin về thuốc để có sự chính xác trong chỉ định thuốc, phải viết đơn thuốc, đặc biệt tên thuốc rõ ràng dễ đọc. Người chịu trách nhiệm cung ứng, phân phối thuốc cũng phải luôn cập nhật kiến thức về thuốc, phải đọc kỹ đơn thuốc, không suy diễn nếu chữ viết tên thuốc không rõ ràng để đưa đến sự nhầm lẫn.
Ngay người sử dụng thuốc nên hỏi kỹ bác sĩ điều trị và dược sĩ ở nhà thuốc về cách dùng thuốc, phải nghi ngờ, hỏi lại ngay khi thấy tên thuốc được chỉ định hoặc tên thuốc muốn mua không tương hợp với thuốc được phân phối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận