Tối 26-4, tại Đường sách TP.HCM diễn ra chương trình tọa đàm Nữ nhi và lịch sử, giao lưu với tác giả Trần Thùy Mai về hai bộ tiểu thuyết lịch sử: Từ Dụ Thái Hậu, Công chúa Đồng Xuân.
Chương trình do nhà báo Phúc Tiến dẫn dắt với sự góp mặt của các diễn giả như nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn, tiến sĩ Phan Thu Vân…
Tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai được đánh giá là bộ tiểu thuyết lịch sử đầy đủ về triều Nguyễn, từ thời hưng thịnh cho đến khoảng thời gian giữa năm 1859 và 1900. Trong tọa đàm, các diễn giả bàn luận sôi nổi về vấn đề lịch sử với giới trẻ.
Thảm họa của lịch sử và giáo dục
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn, có chuyện người trẻ nhầm lẫn Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em ruột.
Nhà nghiên cứu cho biết từng chứng kiến cuộc thi sắp xếp thời gian xuất hiện của các nhân vật lịch sử, có bạn cho Lê Lợi là em của Quang Trung, cho Hai Bà Trưng ở thời nhà Trần... Theo ông Lê Nguyễn, điều đó được xem là thảm họa của lịch sử và giáo dục.
Tiếp lời nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ - chia sẻ câu chuyện người trẻ không thiết tha đối với lịch sử.
“Tôi đến thành Hoàng Đế tại Bình Định một mình. Hiện nay nơi đó đang bị bỏ hoang hóa, cũng không có ứng dụng công nghệ thông tin để quét QR nghe thuyết minh. Khi hỏi các em nhỏ tại hai trường tiểu học gần đó, không em nào biết gì về các chi tiết của di tích”, bà Phượng nhớ lại.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn, vấn đề giới trẻ không hiểu về lịch sử đã khiến nhiều phụ huynh cũng như nhiều người yêu sử trăn trở từ lâu. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Trách nhiệm đầu tiên của ngành giáo dục, phải làm sao dạy cho học sinh những kiến thức lịch sử đúng theo 3 tiêu chuẩn: chính xác, trung thực và khách quan. Việc dạy không thu hút đôi khi khiến học sinh học lơ là môn lịch sử”, nhà nghiên cứu nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Nguyễn còn dẫn thêm một số ví dụ về mô hình hay trên thế giới để nhiều người tiếp cận với lịch sử như Gallica - thư viện số thuộc Thư viện quốc gia Pháp, trường học Mỹ số hóa những tác phẩm lịch sử Pháp để sinh viên Mỹ nghiên cứu…
Từ những ví dụ trên, nhà nghiên cứu đặt vấn đề việc dịch thuật những tác phẩm Hán Nôm chưa được chú trọng.
“Thứ hai, trách nhiệm của nhà xuất bản bổ sung vào kẽ hở của cơ quan giáo dục. Bên cạnh đó, mạng xã hội là một cộng đồng tiềm năng. Bản thân tôi làm việc nghiên cứu, trang Facebook có 70 - 80% liên quan đến sử, tôi rất sung sướng khi điều đó tạo ra sự thích thú khi học sử cho sinh viên, giáo viên”, ông Lê Nguyễn khẳng định.
Viết tiểu thuyết để lan tỏa tình yêu lịch sử
Bên cạnh việc nhầm lẫn, vấn đề hiểu lịch sử thế giới nhiều hơn lịch sử Việt Nam cũng được quan tâm tại tọa đàm. Nhà văn Trần Thùy Mai nhận định đây là tình trạng không hay.
Theo bà, lý do là vì việc truyền bá lịch sử vào nghệ thuật của những nước khác trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều và rất hấp dẫn. Chính vì vậy, bà đã viết kịch bản điện ảnh cho nhân vật Từ Dụ Thái Hậu nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện để dựng thành phim.
Là một nhà văn, bà cố gắng viết sách về lịch sử để góp phần vào việc lan tỏa tình yêu sử đối với lớp trẻ.
“Nếu bạn đọc tâm đắc về tác phẩm tôi thấy vui, tôi viết Công chúa Đồng Xuân, các bạn trẻ đọc tới đâu Google tới đó sẽ biết thêm rất nhiều chuyện. Từ đó các bạn hiểu và yêu lịch sử nhiều hơn”, nhà văn Trần Thùy Mai nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận