01/01/2014 10:25 GMT+7

Nhắm mắt lấy chồng Trung Quốc

VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (từ Phúc Kiến, Trung Quốc)
VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (từ Phúc Kiến, Trung Quốc)

TT - 4.000 phụ nữ VN đến Phúc Kiến làm dâu mỗi năm nhưng không nhiều người hình dung trước được cuộc sống làm dâu ở đây.

xOpXhn7v.jpgPhóng to
Cô dâu Nguyễn Thúy Phượng (phải) làm há cảo đãi khách bên cạnh cha chồng và con trai - Ảnh: Viễn Sự

Đến thủ phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), đi qua căn nhà số 44 đường Cổ Đông, quận Cổ Lâu cứ tưởng đang lạc vào một nơi nào đó tại VN. Đó là Văn phòng đăng ký hôn nhân có yếu tố nước ngoài của tỉnh Phúc Kiến, nơi mỗi ngày đều có hàng chục phụ nữ VN lấy chồng người Trung Quốc đến đăng ký kết hôn.

Lần đầu rời quê

Tiết trời Phúc Châu những ngày này có khi hạ xuống còn 4-50C, lạnh thấu xương, nhưng cái rét ấy chưa bao giờ làm giảm đi những tốp cô dâu Việt đến đây đăng ký kết hôn.

Trong mấy ngày cuối tháng 12, lúc nào chúng tôi cũng nghe tiếng nói chuyện, cười đùa bằng tiếng Việt. Ba chiếc bàn được dùng để các cặp đến đăng ký khai tờ đăng ký kết hôn lúc nào cũng đầy những tấm hộ chiếu màu xanh của VN.

Những cô gái Việt có người dáng vẻ bỡ ngỡ, rụt rè, người nói chuyện liến thoắng, cười vui rôm rả, nhưng đều có điểm chung khi chúng tôi hỏi chuyện là không ai hình dung được nơi mình sẽ đến làm dâu.

"Thứ nhất là phải sinh được con, thứ hai là phải làm được việc để phụ nhà chồng bù lại khoản tiền đã bỏ ra mua vợ về"

A Hoa

Cô dâu Phùng Thị Lệ (22 tuổi, quê ở Đông Hải, Bạc Liêu) thiệt tình: “Hồi nào giờ em còn chưa ra khỏi Bạc Liêu, nhờ lấy chồng Trung Quốc mới lên Sài Gòn rồi qua đây luôn”.

Chồng Lệ là người quê ở TP Nam Bình, đã ngoài 40 tuổi, khuôn mặt đen đúa. Không giấu giếm, Lệ nói bên chồng chịu hết tiền làm đám, còn đưa cho cha mẹ Lệ 20 triệu đồng.

“Chồng em nói qua đây chỉ ở nhà coi phim chứ không phải làm lụng gì. Em nghĩ vậy cũng sướng nên gật đầu. Ngồi xe từ Bằng Tường rồi tới đây làm giấy, hai bữa nữa em mới về nhà chồng” - Lệ thật thà.

Bàn kế bên hai cô dâu Trần Kim Loan (25 tuổi) và Hứa Mỹ Ngọc (24 tuổi) đều quê Hậu Giang cũng cười nói rôm rả, đùa giỡn với hai người chồng Trung Quốc. Ngọc cho biết các cô lẫn chồng đều chưa biết nhà nhau.

“Tụi em làm đám cưới chung ngay ở Đầm Sen (công viên nước Đầm Sen, TP.HCM) rồi đi luôn. Em chưa tính lấy, nhưng hai ông chồng của hai đứa em ở cùng một nơi nên em và Loan cưới luôn để được ở gần” - Ngọc nói lý do cưới chồng Trung Quốc một cách đơn giản.

nKNu47zl.jpgPhóng to
Các cô dâu Việt làm đăng ký kết hôn tại thành phố Phúc Châu - Ảnh: Viễn Sự

Cô dâu Việt “áp đảo” 70-80%

Không phải cô dâu nào đến đây cũng trong tâm trạng thoải mái. Ở băng ghế dài cuối góc phòng, cô dâu Hà Thị Mến (23 tuổi, quê ở Trảng Bom, Đồng Nai) gục đầu vào thành ghế ủ rũ.

Biết chúng tôi là người Việt, Mến miễn cưỡng tiếp chuyện, nói vừa đi tàu lửa từ TP Kiến Dương về đây, trước đó còn phải đi một chặng đường dài từ nhà chồng bằng xe máy. Hóa ra Mến sang đây được gần một tháng, nay mới đi đăng ký kết hôn.

Và câu trả lời của Mến cũng tương tự những cô dâu VN khác khi không thể hình dung nhà chồng lại ở nơi quá xa xôi. “Đường từ đây về nhà chồng còn mệt hơn từ VN sang anh ạ!” - Mến nói, vẻ mặt đầy ám ảnh sau gần một tháng làm dâu Trung Quốc.

Anh Lâm Vĩ, nhân viên nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, cho biết năm 2012 có đến hơn 4.000 cô dâu VN đến văn phòng đăng ký kết hôn với chú rể người Phúc Kiến. Không có con số thống kê đầy đủ nhưng Lâm Vĩ nói có những ngày chỉ toàn cô dâu VN đến đăng ký, còn bình thường cũng 70-80% là cô dâu Việt.

Trả nợ “mua” vợ

Đó là câu chuyện mà A Hoa, một thợ sửa xe đạp có vợ VN ở thị trấn Chương Đôn (TP Kiến Dương), nói với chúng tôi. A Hoa cho biết anh tốn hết 40.000 tệ để “mua” vợ. “Gia cảnh chúng tôi thế này khó lòng mà cưới vợ ở đây, gần như ai mua vợ cũng phải vay tiền” - A Hoa kể lể.

Và cũng vì thế mà theo A Hoa, nhà chồng mong muốn con dâu phải xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”. “Thứ nhất là phải sinh được con, thứ hai là phải làm được việc để phụ nhà chồng bù lại khoản tiền đã bỏ ra mua vợ về” - A Hoa cười và nói thẳng như vậy.

Điều A Hoa nói là lý do đã làm “vỡ mộng” không biết bao nhiêu cô dâu Việt khi vừa đặt chân sang Trung Quốc. Trong khi các cô dâu Việt có mục đích sang đây kiếm thêm tiền gửi về giúp gia đình thì đa số nhà chồng Trung Quốc đều nghèo, họ muốn con dâu phải làm để trả nợ và giá nào gia đình chồng cũng phải giữ chặt con dâu Việt như một món hàng đã mua với giá cao.

Ở xóm núi Thiệu Thôn, thị trấn Chương Đôn (TP Nam Bình), các cô dâu Việt đã kể cho chúng tôi nghe về cô dâu Trần Thu Ngọc (quê Hải Phòng) bị phát bệnh thần kinh khi sang làm dâu được sáu tháng.

Làm dâu hơn hai năm, Ngọc không sinh được con và cũng không đủ bình thường để làm vợ. Nhưng nhà chồng vẫn nhất định không trả Ngọc về VN, họ muốn giữ Ngọc lại để làm lụng, bù lại phần nào món tiền lớn đã bỏ ra mua cô về.

Ở Phúc Châu chúng tôi gặp Trần Khởi Thiệu, người chuyên gom các chú rể Trung Quốc có nhu cầu sang VN mua vợ để giới thiệu.

Ông Trần cho biết giá trọn gói mua vợ VN hiện là 55.000 tệ nhưng năm tới sẽ lên 60.000 (hơn 200 triệu đồng tiền Việt). Nhưng éo le là số tiền ấy bị rất nhiều khâu môi giới “cắn” mất.

Không nhiều chú rể Trung Quốc biết nhà vợ ở VN chỉ nhận được 10-20 triệu đồng tiền lễ vật, thậm chí còn ít hơn. Mức chênh nhau giữa đồng tiền nhà chồng bỏ ra và gia đình cô dâu nhận được cứ thế lại càng làm cho khoảng cách giữa nhà chồng Trung Quốc và nàng dâu VN xa hơn. Và bi kịch của những cô dâu Việt cứ ngày mỗi chất chồng.

Có những gia đình chồng tử tế

Bức tranh về cô dâu Việt ở Phúc Kiến không phải chỉ có một gam màu xám xịt, có không ít cô dâu VN được gia đình chồng thương và đối xử rất tử tế.

Cô dâu Nguyễn Thúy Phượng (quê Bình Minh, Vĩnh Long) ở xóm Thiệu Thôn (TP Kiến Dương), tít trên núi cao nhưng cô nói hài lòng với cuộc sống ở đây vì gia đình chồng rất tốt. Bình thường Phượng sống cùng chồng làm nghề lái taxi ở Phúc Châu, khi sinh con mẹ chồng mới kêu Phượng về quê Thiệu Thôn để bà phụ trông cháu. Số tiền 4.000 tệ mỗi tháng chồng kiếm được đều được dành ra một khoản cho Phượng gửi về giúp gia đình ở VN. Số còn lại dành dụm để mua một căn hộ nhỏ tại Phúc Châu cho cuộc sống sau này. Biết có khách VN, chị dâu và mẹ chồng Phượng rất mừng, làm nhiều món ăn để đãi khách, bà mẹ chồng nói con dâu vui thì bà cũng vui.

Cô dâu Nguyễn Thị Yến ở xóm Trần Địa, thị trấn Thủy Cát (TP Nam Bình) kể từng cắt tay tự tử khi mới sang vì không ngờ bị đưa về làm dâu tại chốn thâm sơn cùng cốc này. Nhưng rồi dần cũng nguôi ngoai khi gia đình chồng đối xử rất tử tế, hứa sẽ cho ra thị trấn ở khi con đến tuổi đi học. Bây giờ Yến là người “tay hòm, tay khóa” trong nhà. Dù nhà chồng còn khó khăn sống bằng nghề trồng tre, đào măng nhưng mẹ chồng thậm chí còn ủng hộ Yến giúp đỡ các cô dâu Việt trong xóm có hoàn cảnh khó khăn hay bị gia đình chồng ngược đãi...

Còn ở trung tâm thị trấn Thủy Cát, ngôi nhà ba tầng mới xây của vợ chồng cô dâu Lê Thị Thu (quê Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã trở thành điểm gặp gỡ của các cô dâu Việt. Thu mới sang được hai năm, chồng làm nghề thợ hàn đi làm ăn xa, ngôi nhà này vợ chồng Thu vừa xây hết 300.000 tệ (hơn 1 tỉ đồng tiền Việt). Dù có tiền dư giả nhưng Thu nói đến năm 2015 mới về VN thăm nhà khi con trai đủ 3 tuổi, vì vẫn thường xuyên liên lạc và gửi tiền giúp gia đình.

Nhắc đến những cô dâu Việt bị ngược đãi, cô dâu Nguyễn Thúy Phượng nói trong số đó có cả lý do là nhiều cô dâu sang đây nhưng trình độ văn hóa quá thấp, không chịu khó học tiếng phổ thông nên bị người ta lừa lọc, hắt hủi cũng không biết kêu ai, không hòa nhập được với cuộc sống. Theo Phượng, nếu chịu khó học tiếng và chịu khó hòa nhập thì các cô dâu Việt sẽ bớt đi nhiều bi kịch. Ít nhất khi bị ức hiếp cũng có thể tự tìm đến công an, cầu cứu đại sứ quán. “Đã lỡ qua đây rồi ai cũng khổ, cũng nhớ nhà. Nhưng không phải gia đình chồng Trung Quốc nào cũng đối xử tệ, để họ thấy con gái VN mình cũng giỏi giang, biết lễ giáo, biết theo nếp nhà chồng thì rồi dần dần họ cũng thương...” - Phượng nói.

_______________

(*) Tên một số cô dâu đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.

VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (từ Phúc Kiến, Trung Quốc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp