Cảnh trong phim Les fleurs amères (Hoa đắng)
Thừa dịp du lịch Pháp, một phụ nữ Trung Quốc trốn ở lại Paris để kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình tại tỉnh Mãn Châu. Đó là nội dung của Hoa đắng - phim truyện Bỉ vừa phát hành tại Pháp.
Đạo diễn Olivier Meys cho biết phim còn có tên Hoa ngữ là Xia Hai, tương đương nghĩa cụm từ tiếng Pháp "Se jeter à l’eau - Nhảy đại xuống nước", như trong tiếng Việt có thành ngữ "Nhắm mắt đưa chân".
May mắn rơi vào buổi chiếu có giao lưu với đạo diễn sau phim, người viết cùng khán giả được hiểu thêm quá trình tạo tác, hiểu vì sao tính tài liệu trong phim mạnh mẽ, đậm đặc.
Trailer Hoa đắng
Liều mình cho giấc mơ phong lưu
Sống hơn mười năm tại Trung Quốc, Olivier Meys xây dựng nhân vật Lina - do diễn viên Xi Qi thủ vai - từ cuộc điều tra nhiều năm một nhóm phụ nữ Mãn Châu hành nghề mại dâm tại khu Belleville, Paris.
Câu chuyện nhắm mắt đưa chân của Lina khởi đầu khi cô thuyết phục chồng con cho cô sang Pháp làm nghề vú nuôi trong những gia đình Hoa kiều giàu có ở Paris. Lina liều mình như thế bởi nghe nói các gia đình này thường có gốc gác các tỉnh phía Nam Trung Quốc, và mong muốn con em biết nói tiếng Quan Thoại - ngôn ngữ của các tỉnh vùng Đông Bắc như Mãn Châu.
Tuy nhiên, mọi thứ - điều kiện làm việc cũng như thù lao - không hề như Lina tưởng tượng khi đặt chân tới Pháp, chưa nói cô còn vấp phải sự kỳ thị của cộng đồng Hoa kiều gốc phía Nam đối với đồng hương Đông Bắc.
Cảnh phim Hoa đắng
Không có giấy tờ cư trú hợp pháp, cũng không thể tìm việc làm thỏa đáng, Lina liều mình hoạt động mại dâm để hằng tháng có thể gửi về cho chồng con món tiền 2.000 euro và nói dối đó là thu nhập.
Để cuộc nói dối hoàn hảo, qua điện thoại, qua hình ảnh, cô giả chuyện cuộc sống "an lạc" của mình tại Paris, trong lúc bản thân gia nhập nhóm đồng hương Mãn Châu bán dâm ở phố Belleville, đùm bọc nhau để tồn tại.
Nghe lời kể của chồng Lina cùng những hình ảnh phù phiếm vợ anh tạo dựng, một cô bạn của Lina ở Mãn Châu cũng khăn gói trốn sang Paris và hốt hoảng rơi đúng vào bi cảnh của bạn mình. Để cứu bạn, Lina quyết định cùng cô gái trở về Mãn Châu, đối mặt với chồng con, với sự thật không thể che giấu được nữa.
Đầy nhân ái, đạo diễn để mở câu chuyện của Lina: nếu sự đổ vỡ gia đình là kết thúc hiện thực nhất, Olivier Meys cũng gieo rắc vài chỉ dấu khiến người xem có thể hi vọng một kết thúc khác.
Cảnh phim Hoa đắng
Kiếp nhập cư tù đọng
Trong Hoa đắng, Lina không phải người phụ nữ Trung Quốc chung chung mà là người phụ nữ Mãn Châu. Qua Lina, Olivier Meys nhấn mạnh đặc điểm xã hội của vùng Đông Bắc - khu vực công nghiệp hóa lâu đời từ thời Nhật đô hộ, có mức sống bình quân tương đối cao so với nhiều tỉnh khác; và không được biết đến như một nơi xuất khẩu lao động - hiện tượng mới xuất hiện do khủng hoảng của các ngành công nghiệp cũ.
Cùng chồng sở hữu một căn hộ tươm tất ở Mãn Châu, Lina quyết định đi lao động ở Pháp không phải vì gia đình túng thiếu/thất nghiệp, mà ước mơ một cuộc sống phong lưu.
Như nhiều người trên đất nước Trung Quốc, Lina chỉ muốn nắm lấy cơ hội - ở đây là đi làm vú em trong các gia đình Hoa kiều giàu có - để tạo vốn kinh doanh, mua nhà mới... Cả khi cô quyết định bán dâm ở Paris cũng không phải vì bị cưỡng bức.
Meys nói mại dâm Mãn Châu mà ông quan sát ở khu Belleville là "mại dâm ưng thuận", theo nghĩa nó không tổ chức thành mạng lưới với ma cô chăn dắt; người bán dâm hành nghề tự do, "tự làm chủ".
Chính vì vậy Lina cũng hoàn toàn tự do khi quyết dịnh chấm dứt bán dâm, về nước với chồng con. Cả ba quyết định trên của Lina đều tự nguyện, "nhắm mắt đưa chân" là nghĩa đó.
Nhận xét về nhân vật, đạo diễn nói: "Lina là người đàn bà mạnh mẽ, bám lấy giấc mơ của mình, chịu đựng nhiều hi sinh nhưng muốn mình là người quyết định". Với nội hàm như vậy, có thể nói người đàn bà Mãn Châu mà Olivier Meys đưa lên màn ảnh là một - trong những - bộ mặt hiện đại của phụ nữ Trung Quốc.
Phim không có đột phá sáng tạo nghệ thuật, nhưng những quan sát tinh tế về một đất nước bao la và kiếp sống tù đọng của những người phụ nữ nhập cư trên nước Pháp khiến phim thật sự lôi cuốn.
Cảnh phim Hoa đắng
Giải Magritte 2019 phim đầu tay của Bỉ
Nhờ những nghiên cứu sâu xa, cẩn trọng, phim đầu tay của Olivier Meys - giải Magritte 2019 phim đầu tay của Bỉ - thu hút người xem ở tính chân thực của phong cách điện ảnh tài liệu, theo chân của hai thầy người Bỉ là anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne (hai lần đoạt giải Cành cọ vàng Cannes), và tính xác đáng của những dữ liệu cấu thành lịch sử nhân vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận