Chiều 13-9, chương trình Sáng tạo với chất Việt được diễn ra với các diễn giả là những người có niềm yêu thích và tìm hiểu kỹ cải lương như tiến sĩ Lê Hồng Phước, tiến sĩ Đào Lê Na, biên kịch Bình Bồng Bột, quán quân Bông lúa vàng 2019 Hồng Bảo Ngọc.
Sự kiện được tổ chức với mong muốn đưa nghệ thuật cải lương đến gần với công chúng, đặc biệt là sinh viên, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về nghệ thuật truyền thống.
"Thái hậu Dương Vân Nga" đi vào trường học
Tại chương trình, Bình Bồng Bột đã có những chia sẻ về vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga mà nghệ sĩ Thanh Nga từng đóng. Đây là một trong những vở mà biên kịch thích nhất.
Vở Thái hậu Dương Vân Nga được xem là tác phẩm kinh điển của sân khấu cải lương, không chỉ làm nên tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... mà còn thể hiện tinh thần yêu nước "bừng bừng" của dân tộc Việt Nam những năm kháng chiến.
"Thái hậu Dương Vân Nga là nhân vật lịch sử đi vào phim ảnh, cải lương và rất nhiều loại hình nghệ thuật khác. Vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga đã có tác động hun đúc tinh thần dân tộc.
Chúng ta có Thái hậu Dương Vân Nga do nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết đóng. Hiện nay hot trend trên TikTok cũng là trích đoạn mà cô Bạch Tuyết diễn Thái hậu Dương Vân Nga" - Bình Bồng Bột chia sẻ tình yêu cải lương của mình với các bạn sinh viên.
Đối với tiến sĩ Đào Lê Na, cô cho rằng một phần lý do khiến cô yêu cải lương là vì loại hình nghệ thuật này đã đi cùng lịch sử của dân tộc.
Đào Lê Na nhận định: "Nhiều vở cải lương tuồng cổ lấy chất liệu từ lịch sử để truyền cảm hứng yêu nước cho người Việt Nam. Những soạn giả cải lương là những tri thức tân học, là những nhà nghiên cứu, học giả có kiến thức rất chuyên sâu nên những gì họ viết ra thì nghe nổi da gà.
Ví dụ như vở Sân khấu về khuya, Thái hậu Dương Vân Nga… Họ nói ra từng câu làm cho mình thấy sao tiếng Việt của mình đẹp đến thế. Đây là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy yêu cải lương".
Điều khiến sân khấu cải lương gặp khó khăn?
Bên cạnh những chia sẻ cá nhân, chương trình talkshow chiều 13-9 còn đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến cải lương như thực trạng thiếu kịch bản cải lương có tính thời đại, yếu tố để cải lương thu hút khán giả, thái độ của người trẻ đối với các thể loại âm nhạc dân tộc...
Trong đó, tiến sĩ Lê Hồng Phước cho rằng điều khiến sân khấu cải lương gặp khó khăn vì khán giả bị phân tán bởi nhiều loại hình nghệ thuật khác, sự quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế và do nghệ sĩ trẻ chưa đủ sức kế thừa thế hệ nghệ sĩ đi trước.
"Không phải thế hệ trẻ dở, tại vì họ sinh ra không có điều kiện như hồi xưa. Thời xưa nghệ sĩ Thanh Nga muốn hát hay thì đã hát trên sân khấu tuồng đó rất nhiều lần. Nhưng bạn trẻ bây giờ không có sân khấu để diễn, có diễn thì cũng ít, nay diễn vở này, mai dẹp để diễn tuồng khác.
Nghệ sĩ trẻ bây giờ có nhiều tiền bằng cách không hát trực tiếp trên sân khấu cải lương nữa, họ chạy show sinh nhật, đám cưới, đám ma… Một bộ phận chạy theo lối đó nên lụt nghề, hát không hay", ông Phước nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận