20/03/2010 00:02 GMT+7

Nhạc Việt với vấn nạn đạo nhạc

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Sự kiện nhóm Ngũ Cung (Tuổi Trẻ ngày 18 và 19-3) bị cáo buộc đạo nhạc không phải là một sự kiện đơn lẻ, bất thường mà nằm trong một chuỗi tín hiệu cho thấy sự bất cập đeo đẳng trong những bước đi của nền nhạc Việt.

Ngũ Cung trước nghi án đạo nhạcKhông ai muốn là “người hâm mộ bị lừa dối”

HLBiaE2C.jpgPhóng to
Ngũ Cung trên sân khấu Rockstorm tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) - Ảnh: Gia Tiến

Có lẽ chưa có quốc gia nào như VN, trong suốt hơn một thập niên, những lời cáo buộc, tố giác... về tình trạng ăn cắp nhạc, ăn cắp ý tưởng, ăn cắp hình ảnh studio, video, ăn cắp hòa âm, nhận vơ tác phẩm là của mình... cứ liên tục dấy lên. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong giới nghiệp dư, mà còn xào xáo trong cả giới chuyên nghiệp, thậm chí bất ngờ ở các nhân vật có tên tuổi.

Thoạt đầu, những sự kiện như vậy trở thành một quả bom nổ trong dư luận xã hội, nhưng dần dần những câu chuyện đó mỗi lúc một nhiều, thậm chí có cả những trường hợp cố ý ăn cắp để được báo chí nhắc tới khiến người ta mệt mỏi và tránh né việc quan tâm đến những thông tin như vậy. Ðạo nhạc trở thành một trong những lý do khiến khán giả Việt coi thường nhạc Việt, thậm chí từ chối thưởng thức những tác phẩm mới trong thái độ nghi ngờ về khả năng cũng như giá trị.

Của người là... của mình

Khác với các phương pháp sáng tác trước đây, việc viết nên một ca khúc giờ đây khá đơn giản và được các công nghệ kỹ thuật số gợi ý giúp đỡ từng phần. Vì vậy, sai lầm có thể là tất cả hoặc bắt đầu từ một phần rất nhỏ của việc bị hấp dẫn.

Việc sao chép nguyên một phần giai điệu hoặc có chỉnh sửa đôi chút vẫn được coi là một động thái đạo nhạc khá cổ điển. Hôm nay, người ta tìm thấy những gợi ý cụ thể nằm trên nhiều trang web âm nhạc như phần beat giống bài A, phần guitar, hòa âm giống bài B... được cho download miễn phí. Chuyên nghiệp hơn, bạn có thể tìm thấy những phần rao bán "tiếng guitar có âm sắc Jimmy Hendrix", hoặc "bộ âm thanh nhạc cụ ảo y như của nhóm Beatles"... rất rình rang trên mạng. Ngày mà cái tôi riêng biệt được thương mại hóa như vậy cũng là một giai đoạn người ta dễ lầm tưởng cái của người có thể dễ dàng là của mình.

Khái niệm sáng tác giờ đây cũng "ảo" hơn. Có một bạn trẻ yêu âm nhạc đến gặp tôi và khoe rằng mình sưu tầm được nguyên một phần nhạc nền của bài hip hop nổi tiếng, và tự đặt lời hát, giai điệu lên đó. Mặc dù đã nghe tôi giải thích công việc đó là chuyện của một người nghiệp dư giải trí, thiếu giá trị thực tế của sáng tác, nhưng bạn này sau đó vẫn cho ra một album với bài hát này như là một sáng tác độc lập của mình. Bạn này vẫn tin rằng đó là một sáng tác độc lập, không thể phủ nhận của bạn ấy.

Ðó không phải là chuyện đơn lẻ, những hình thức vay mượn, sao chép... như vậy đã hình thành hàng ngàn bài hát, tấn công người nghe từ những chiếc xe ba gác bán băng đĩa lậu cho đến các chương trình ca nhạc quan trọng. Có không ít người sống tạm trên nền tảng của công nghệ kỹ thuật số nhưng vẫn luôn thách thức mọi nghi vấn của dư luận.

Thế giới mở như ánh mặt trời

Rất nhiều bạn trẻ khi bước vào âm nhạc bị mê hoặc bởi sự rộng lớn của nó, đã không thể cưỡng lại việc ngấu nghiến nhưng không tiêu hóa được và biến chúng thành những phần hay tác phẩm riêng của mình. Không ít người nhận ra điều đó nhưng tự huyễn hoặc rằng sẽ rất ít người nhận ra, hoặc thế giới quá lớn, đủ để che giấu gốc tích sự thật.

Nhưng đó là thế giới của thế kỷ trước. Hôm nay, khi mỗi đêm người ta bước vào xa lộ thông tin của đẳng cấp web 2.0, không có gì có thể né tránh được nữa. Sự dễ dãi của thời đại "sao chép và dán" cũng được đáp trả bằng sức tìm kiếm 1 triệu kết quả trong 1 giây của Google. Và cũng trong những sự tìm kiếm đó, có một lý luận rất thú vị được tìm thấy trên mạng, kết luận rằng "ăn cắp hay biện hộ là bắt chước không tạo nên con người bạn, mà chỉ tạo nên một sự nịnh bợ chân thành".

Chuyện từ những người bị cáo buộc đạo nhạc

Phần lớn ca sĩ, nhóm nhạc, nhạc sĩ bị cáo buộc ăn cắp một phần nhạc hay trọn vẹn của ai đó thường có chung một vài quy tắc ứng xử. Ðầu tiên là im lặng, tránh né làm minh bạch những gì liên quan đến mình. Kế đến là phản ứng quyết liệt, thậm chí đòi thưa kiện. Cuối cùng là sử dụng nhiều thuật ngữ, kiến thức để diễn đạt và đẩy mạnh tính mơ hồ của sự kiện.

Khắp thế giới, những cuộc tranh cãi về quyền sáng tạo của cái tôi không thiếu và chính những điều đó đã góp nên một bộ sách giáo khoa tiêu chuẩn để nhìn ra hành vi của những người đạo nhạc.

Trên những cách nhận định đó, người ta nhìn ra rằng đa số hành vi số 2, tức sự phản ứng quyết liệt của người bị tố cáo, thường là hành vi kém nhất. Tiếc thay, dựa trên những chuỗi tình huống đã xuất hiện ở VN, hành vi phản ứng quyết liệt, thậm chí tự cô lập mình bằng luận điệu "tôi không quan tâm", là những điều thường thấy.

Những phản ứng quyết liệt như vậy, cay đắng thay, thường nhường chỗ cho những chứng cứ mỗi lúc một rõ ràng hơn, đặc biệt với thế giới mở - phẳng hôm nay.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp