Nhạc sư Vĩnh Bảo đờn trong buổi lễ mừng thọ 100 tuổi - Ảnh: LINH ĐOAN
Nhạc sư không nói gì nhiều về thành tích của mình, cũng chẳng có lời dạy dỗ ai. Mỗi câu chuyện giản dị đều dính líu đến đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử như hơi thở, sự sống của ông.
Người trình tấu còn phải là người sáng tác
Cả một đời theo đuổi âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử, nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy mà còn là người trình tấu và cả nghệ nhân đóng đàn.
Cái gì làm giàu cho âm nhạc dân tộc trong nước ông đều khao khát tìm hiểu, bởi vậy ông còn làm cả việc đóng đàn để tìm đến một công cụ thể hiện âm nhạc dân tộc hay nhất và ông cười cho biết mình đã… phá hư không biết bao nhiêu cây đàn rồi.
Ông bày tỏ quan điểm về một nhạc sĩ diễn tấu: "Người trình tấu không chỉ theo bài bản cố định đơn thuần mà còn phải là người sáng tác. Ngay khi đờn mình đã sáng tác, đờn 10 lần thì 10 lần khác nhau, có tâm tư, tình cảm riêng".
Ở tuổi 100, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn lả lướt với những ngón đờn cùng các tri âm tri kỷ - Ảnh: LINH ĐOAN
Với nhạc sư Vĩnh Bảo, âm nhạc dân tộc giúp ông giải tỏa nỗi buồn. Khi trong lòng có vấn đề gì đó, ông lấy đờn ra chơi.
"Khi đờn tôi giữ trạng thái tĩnh lặng, gần với thiền, vậy là mọi tâm trạng đều được giải quyết!" - ông chia sẻ.
Chính vì quan điểm đó nên cách ông đặt tâm tư mình trong mỗi tác phẩm là điều rất nhiều học trò kính nể và mong muốn học hỏi.
Tiến sĩ Hải Phượng luôn thán phục: "Thầy là người biết trình độ của người hòa đàn như thế nào để nương theo, dẫn dắt. Phải là người thầy giỏi mới làm được điều đó.
Học ở thầy tôi học được nhiều lắm, từ cách rao đàn, cách đặt tâm hồn của mình vào bài nhạc như thế nào, bất cứ lúc nào tôi có những khúc mắc gì về âm nhạc đều được thầy giải thích ngay và rõ ràng. Kiến thức của thầy rộng lớn, học hoài không hết".
Giáo sư Hoàng Chương tặng hoa nhạc sư Vĩnh Bảo trong buổi lễ mừng thọ 100 tuổi - Ảnh: LINH ĐOAN
Học thầy không chỉ học đờn
Yêu âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử nên nhạc sư Vĩnh Bảo thương cả những người trân quý và muốn học nhạc cụ dân tộc. Học trò của ông không chỉ là những người học để chơi chuyên nghiệp mà còn có cả bác sĩ, kỹ sư, giáo viên…
Thạc sĩ Minh Đoàn - giảng dạy Trường cao đẳng Việt Mỹ - tâm sự: "Thầy luôn động viên: 'Thầy đàn được, con cũng sẽ đàn được như thầy. Chỉ cần con cố gắng tập luyện!'. Học thầy không chỉ học đờn mà còn học được hồn cốt trong đó. Nhờ thầy mà tôi học được phương pháp giảng dạy sao cho học trò dễ tiếp thu".
Có nhiều học trò trên khắp thế giới vẫn duy trì học online với nhạc sư Vĩnh Bảo. Ở tuổi ngoài 100, ông vẫn đều đặn lên mạng giảng dạy, gởi tài liệu, nghe học trò trả bài.
Có những lần học trò tập được câu đờn khó mừng quá bốc máy gọi thầy trả bài mà quên mất việc lệch múi giờ. Giữa khuya đang ngủ, người thầy cưng học trò như trứng mỏng vẫn bật dậy mở máy tính lắng nghe học trò đờn trong sự say mê.
Vì tấm lòng thiết tha với âm nhạc dân tộc, xem những người yêu âm nhạc dân tộc như tri âm tri kỷ mà khi vị nhạc sư đáng kính ấy rời bước lãng du, biết bao thế hệ học trò đã cúi đầu tiễn biệt ông với niềm thương tiếc khôn nguôi…
Nhạc sư Vĩnh Bảo hòa đờn cùng học trò, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan (giữa) và tiến sĩ Hải Phượng trong buổi lễ mừng thọ 100 tuổi - Ảnh: LINH ĐOAN
Người thầy đáng kính
Ngày 14-10-2020, thầy nằm đó, đôi mắt khép hờ như đang ngủ, gương mặt nhiều nếp nhăn nhưng vẫn toát lên vẻ an nhiên của một người đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời.
Nghe tiếng động, thầy khẽ mở mắt và nhận ra những đứa học trò đang vây quanh. Thầy nắm tay tôi và hỏi: "Em Hoan hả, khỏe không? Có còn chóng mặt không? Mua thuốc Tanganil chưa? Đã đo huyết áp chưa? Phải nhớ mỗi ngày uống thuốc đều đó".
Trời ơi! Lần nào thầy cũng phải nhắc đứa học trò hay quên là tôi việc phải lưu tâm đến sức khỏe của mình. Lần này thì không chỉ tôi, mà các bạn đều rơi nước mắt khi thấy thầy trên giường bệnh với bao nhiêu máy móc xung quanh mà vẫn không quên đứa học trò tóc bạc.
Nhớ lại những buổi học với thầy ở Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Saigon (nay là Nhạc viện TP.HCM), chúng tôi thường được nghe nhiều câu chuyện thú vị qua cách kể rất có duyên của thầy. Có nhiều câu chuyện thầy kể đã ảnh hưởng rất lớn trong cách dạy học của tôi sau này.
Chẳng hạn khi học về ngón rung, thầy kể: Thầy đang dạy đàn tranh một ông bác sĩ, bình thường thì đờn cũng được, nhưng khi biểu rung thì tay ổng lên gân cứng ngắc, sửa thế nào cũng không được. Bữa đó đang dạy thầy làm bộ la lên: Ôi chao đau bụng quá! Ổng lật đật đặt đờn xuống, lấy tay vừa nắn bụng thầy vừa hỏi thầy đau chỗ nào? Thầy liền chụp bàn tay ổng lại nói: Đó. Rung nhẹ nhẹ như vậy đó".
Chúng tôi đã được học cách phải tự nghĩ ra các phương pháp phù hợp với người học nhằm làm cho người ta có thể tiếp thu tốt nhất bài bản từ những câu chuyện dí dỏm như thế.
Năm chúng tôi thi tốt nghiệp, thầy treo giải thưởng: "Em nào đậu đầu, thầy sẽ thưởng 1 cây đờn tranh do thầy tự tay đóng", thế là chúng tôi đua nhau học. May mắn năm đó tôi nhận được phần thưởng của thầy. Cây đờn tranh thầy cho, tôi vẫn giữ gìn gần 60 năm qua, vẫn sử dụng và sẽ trao lại cho học trò, con, cháu để lưu giữ một kỷ niệm đẹp với người thầy đáng kính.
Kỷ vật còn đây, mà nay thầy đã đi xa rồi, thầy ơi!
Nhà giáo ưu tú PHẠM THÚY HOAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận