24/12/2017 11:34 GMT+7

Nhạc sư Vĩnh Bảo - người thầy tận tụy tròn trăm tuổi

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sáng 23-12, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ chức buổi lễ ấm cúng mừng đại thọ nhạc sư Vĩnh Bảo tròn 100 tuổi.

Nhạc sư Vĩnh Bảo - người thầy tận tụy tròn trăm tuổi  - Ảnh 1.

Nhạc sư Vĩnh Bảo đờn trong buổi mừng thọ sáng 23-12 - Ảnh: LINH ĐOAN

Con cháu trong gia đình, rất nhiều thế hệ học trò trong và ngoài nước của nhạc sư đã đến chúc mừng ông như nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, thạc sĩ Thúy Uyển, TS.NSƯT Hải Phượng, đạo diễn Hoa Hạ, Tấn Phát, nhạc sĩ Văn Hai, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân...

“Trong giới âm nhạc VN, có thể nói nhạc sư Vĩnh Bảo là người duy nhất thọ tới 100 tuổi và hiện vẫn đang tiếp tục truyền bá âm nhạc dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là điều vô cùng quý giá!

Giáo sư Hoàng Chương (tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN)

Học thầy không chỉ học đờn

Buổi mừng thọ nhẹ nhàng, gần gũi như tính cách của nhạc sư, người tận hiến cả cuộc đời cho âm nhạc tài tử Nam Bộ.

Thạc sĩ Minh Đoàn - hiện đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Việt Mỹ - chia sẻ: "Những bài học qua sự chuyển tải, truyền dạy của thầy đều trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp thu và không làm người học lo sợ. 

Thầy luôn động viên: "Thầy đờn được, con cũng sẽ đờn được như thầy, chỉ cần con cố gắng tập luyện!". Học thầy không chỉ học đờn, mà còn học được hồn cốt trong đó".

Cô Julie Trinh Đặng vừa từ Mỹ trở về để kịp mừng thọ nhạc sư. Cô nói về vị nhạc sư đáng kính với niềm xúc động: "Khoảng năm 1990, tôi có học thầy được vài tháng, sau đó tôi sang Mỹ định cư nhưng trong lòng còn vương vấn âm nhạc dân tộc lắm. 

Vậy là tôi liên lạc với thầy, mong muốn được tiếp tục học qua mạng. Thầy không ngần ngại, đồng ý ngay. Hai thầy trò facetime, thầy nhìn và nghe, chỗ nào tôi đánh chưa trúng hoặc ngón tay nhấn phím sai, thầy chỉnh ngay. 

Có bữa luyện được câu đờn tâm đắc, vậy là tôi bốc máy gọi cho thầy để "trả bài" liền. Đầu dây bên kia nghe giọng thầy ngái ngủ, tôi mới giật mình, vội vàng xin lỗi và tính cúp máy nhưng thầy biểu không sao, để thầy bật máy tính lên nghe tôi trả bài...".

Nghe học trò nhắc chuyện này, nhạc sư Vĩnh Bảo cười nói: "Chuyện nửa khuya tôi bật dậy mở máy nghe tụi nhỏ trả bài là chuyện bình thường. 

Bởi tôi biết tâm lý học trò tập được câu đờn hay sẽ cảm thấy rất vui, vậy mất ngủ chút xíu để nghe được niềm vui của học trò cũng đâu có sao!".

“Âm nhạc dân tộc giúp tôi giải tỏa nỗi buồn. Khi trong lòng có vấn đề gì đó, tôi lấy đờn ra chơi. Người ta hay nói tiếng đờn của anh sao buồn quá, tôi nói đâu có, tôi đờn là hết buồn rồi. Khi đờn, tôi giữ trạng thái tĩnh lặng, gần với thiền, vậy là mọi tâm trạng đều được giải quyết!

Nhạc sư Vĩnh Bảo

​Nhạc sư Vĩnh Bảo tấu nhạc bên linh cửu GS Trần Văn Khê

TTO - Nhạc sư Vĩnh Bảo đã tái xuất hiện trong tang lễ của GS-TS Trần Văn Khê vào tối 27-6 để tấu lên những khúc nhạc tiễn biệt người bạn cố tri của ông.

Giữ văn hóa là giữ nước

Ở tuổi bách niên, nhạc sư vẫn trò chuyện về âm nhạc dân tộc rất say sưa, rành mạch và minh mẫn. 

Tiến sĩ Hải Phượng thán phục: "Thầy là người biết trình độ của người hòa đàn như thế nào để nương theo, dẫn dắt. Phải là người thầy giỏi mới làm được điều đó. Học ở thầy, tôi học được nhiều lắm, từ cách rao đàn, cách đặt tâm hồn vào bài nhạc như thế nào. 

Bất cứ lúc nào tôi có những khúc mắc gì về âm nhạc đều được thầy giải thích ngay và rõ ràng. Kiến thức của thầy rộng lớn học hoài không hết. Trí nhớ thầy cực kỳ minh mẫn".

Nhạc sư Vĩnh Bảo - người thầy tận tụy tròn trăm tuổi  - Ảnh 5.

Nhạc sư Vĩnh Bảo và nghệ sĩ Hải Phượng (trái) cùng chơi đàn trong lễ tang nhạc sĩ Trần Văn Khê - Ảnh: THANH TÙNG

Cả một đời theo đuổi âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử; nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy mà còn là người trình tấu và cả nghệ nhân đóng đàn. 

Ông thú thật mình là người tham lam, cái gì cũng muốn học và cười cho biết mình đã phá hư không biết bao nhiêu cây đàn rồi. 

Cái gì làm giàu cho âm nhạc dân tộc ông đều khao khát tìm hiểu, bởi vậy ông đóng đàn để tìm đến một công cụ thể hiện âm nhạc dân tộc hay nhất. 

Ông bày tỏ quan điểm về một nhạc sĩ diễn tấu: "Người trình tấu không chỉ theo bài bản cố định đơn thuần, mà còn phải là người sáng tác. Ngay khi đờn mình đã sáng tác, đờn 10 lần thì 10 lần khác nhau, có tâm tư, tình cảm riêng".

Mong ước của ông là âm nhạc, văn hóa truyền thống vẫn được tiếp nối và yêu mến bởi: "Một dân tộc không quý trọng, đánh mất văn hóa của mình thì việc mất nước là không tránh khỏi!".

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Vẫn miệt mài tìm kiếm môn sinh lý tưởng

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bắt đầu làm quen với nhạc truyền thống từ lúc lên năm. Hai mươi tuổi thành danh (1938) sau khi đĩa Béka của hãng Keller (Đức) mời thu âm. Năm 1950, ông nghĩ đến việc cải tiến nhạc cụ nhạc tài tử Nam bộ, bắt đầu là cải tiến đàn tranh 16 dây ra đàn tranh 17, 19 và 21 dây. Việc làm này gặp phải sự chỉ trích phê bình của một số nhạc sư, nhạc sĩ thời đó.

5 tuổi đã tiếp xúc với âm nhạc

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại Cao Lãnh, Sa Đéc. Từ lúc tuổi lên 5, ông đã tiếp xúc với âm nhạc dân tộc và đến 10 tuổi đã biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc.

Năm 1955-1964, ông dạy đàn tranh và là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.

Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc VN nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1972, ông ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ cùng GS.TS Trần Văn Khê cho Hãng Ocora và UNESCO tại Paris. Năm 1970-1972, ông là giáo sư thỉnh giảng đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Ông đã nhận giải thưởng Đào Tấn, được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp