17/08/2019 10:44 GMT+7

Nhạc số và phía sau lượt nghe: Trả phí nghe nhạc, tại sao không?

QUỲNH NGUYỄN - TIẾN VŨ
QUỲNH NGUYỄN - TIẾN VŨ

TTO - Để sản phẩm âm nhạc của mình không 'vô hình' nơi thế giới phẳng, không 'lạc trôi' giữa hằng hà sa số các bản nhạc trên khắp thế giới trên những nền tảng nhạc uy tín và đình đám, các nghệ sĩ ngày nay rất khó có thể 'đứng' độc lập.

Nhạc số và phía sau lượt nghe: Trả phí nghe nhạc, tại sao không? - Ảnh 1.

là một trong những nền tảng nghe nhạc trực tuyến trong nước - Ảnh chụp màn hình

Họ phải có êkip, rất nhiều êkip: êkip sáng tác và "làm nhạc"; êkip sáng tạo, mỹ thuật, làm đẹp; êkip truyền thông quảng bá; êkip "làm social" với đủ tin thật giả - giả thật; êkip "cày view"; êkip kinh doanh và "thương lượng thứ bậc"... Bên cạnh đó là chọn lựa một nền tảng xem, nghe/tải nhạc trực tuyến uy tín.

Không phải bỗng dưng mà nhạc sĩ Phạm Hải Âu cảm thán: "Đã bao lâu rồi bạn chưa nghe từ miệng nhạc sĩ hay ca sĩ là "Tôi sẽ hát/viết bài hát này khiến mọi người sẽ phải khóc, phải đồng cảm, phải vui, phải yêu", đại loại thế?

Hay câu bạn nghe nhiều nhất trong nền âm nhạc hiện nay là "Bài này có thể/chắc chắn hot, top trending, viral, triệu view".

Nếu thói quen nghe nhạc có trả phí phổ biến ở Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ có nhiều sân chơi thú vị hơn cho nghệ sĩ, tạo nên thước đo thật sự cho sản phẩm âm nhạc.

Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền


"Muốn thành công phải có truyền thông"

Truyền thông, quảng bá rầm rộ dường như đã trở thành một công việc tối quan trọng mà nghệ sĩ nào cũng phải mưu tính tới trước khi tung sản phẩm mới. Đến nỗi người trong giới giải trí nay còn có câu "muốn thành công phải có truyền thông".

Nhưng quan trọng là truyền thông thế nào? Tổ chức họp báo để chia sẻ những tâm huyết làm sản phẩm? Quá thường. Cậy nhờ đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng? Không mấy hiệu quả. Thực hiện fan meeting hay tour quảng bá? "Xưa rồi Diễm".

Song song với những phương thức "cổ điển" như kể trên, kế hoạch thời hiện đại đánh mạnh vào những gì theo xu hướng, tạo xìcăngđan và gây tò mò nhằm đạt sự "viral" (lan tỏa) nhanh nhất. Để cho thấy tầm cỡ của dự án thì phải có được những cộng sự tên tuổi.

Để có những bất ngờ thì phải có được những sáng tạo thú vị cùng những khách mời hay dàn diễn viên không ai ngờ tới. Để tạo sự lan tỏa thì phải "theo trend" hay có xìcăngđan. Và nếu chọn xìcăngđan thì "chơi" đến mức nào để vẫn còn được chấp nhận?

Đó là lý do vì sao Sơn Tùng M-TP phải chi một số tiền khổng lồ để mời siêu sao nhạc rap Snoop Dogg hay Madision Beer vào sản phẩm âm nhạc của mình và thực hiện MV Hãy trao cho anh, với các cảnh quay tại Mỹ.

Tương tự, Trúc Nhân mời hẳn nhóm nhảy Angle Turbo nổi tiếng của Thái và quay MV Sáng mắt chưa? tại xứ sở chùa vàng.

Cũng đâu phải tự nhiên Hoàng Thùy Linh đưa vào trong MV Để Mị nói cho mà nghe hình ảnh bà Tân vlog, hay bỗng ngày buồn tình mà Soobin Hoàng Sơn "chơi bạo" cho cảnh chĩa súng vào thái dương tự tử với máu me đầm đìa... Tất cả chỉ để tạo được chút "sóng" cho truyền thông.

Nhưng ngay cả những cái tên vốn có khả năng tạo hit, có đội ngũ truyền thông, kinh doanh - tiếp thị bài bản vẫn thu về con số lượt xem/nghe khiêm tốn so với dự tính nếu không giỏi "bếp núc".

Chuyện "bếp núc" có thể hiểu nôm na là những công việc hỗ trợ khác, bên cạnh việc sáng tạo, giúp các sản phẩm âm nhạc mới ra mắt có thể đến với bạn yêu nhạc nhanh chóng và nhiều hơn.

Trong số đó phải kể đến tay nghề của các kỹ thuật viên, biên tập viên ở các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Họ phải trình bày trang chủ ra sao, lựa chọn, sắp xếp ca khúc vừa ra mắt vào những danh mục nghe (playlist) như thế nào để thu hút người nghe, tải và chia sẻ nhiều nhất là cả một nghệ thuật.

Còn các lập trình viên, kỹ thuật viên phải đưa ra được những thuật toán để người nghe dù đang thưởng thức một thể loại khác, một ca khúc khác, một nghệ sĩ khác nhưng rồi cũng phải được "liên kết" đến sản phẩm mới ra mắt.

Như vậy, chỉ khi nào một sản phẩm hoàn thiện ở cả ba khâu: sáng tạo - sản xuất, PR - marketing và phát hành thì mới có hi vọng vào "top".

Phí bằng ly trà sữa, người nghe cũng đắn đo

Nhưng những nền tảng nghe/tải nhạc trực tuyến không phải đã "dễ thở" trước thói quen cố hữu của người nghe Việt: chưa quen trả tiền để nghe và tải nhạc trực tuyến!

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh phải thốt lên: "Làm nhạc ở Việt Nam như... làm từ thiện". Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ông Nhan Thế Luân - CEO của NhacCuaTui - cũng tiết lộ cả chục năm kinh doanh nhạc số nhưng đến nay đơn vị này vẫn... lỗ.

Tuy vậy, vị CEO này vẫn chia sẻ những thông tin tươi vui hơn: "Hai, ba năm trước, lượt người nghe chấp nhận trả tiền gần như không có nhưng đến nay, số người nghe chịu trả tiền, đặc biệt là các bạn trẻ, tăng dần theo mỗi tháng. Khi người dùng đã có ý thức và chia sẻ hơn thì chúng tôi tin rằng trong ba, bốn năm tiếp theo chúng tôi sẽ hòa vốn và bắt đầu kiếm được lợi nhuận".

Thực tế, số tiền phải trả để nghe nhạc trên NhacCuaTui là "dễ chịu", chỉ 49.000 đồng/tháng và 499.000/năm cho cả triệu ca khúc có mới có cũ, nhạc Việt lẫn nhạc ngoại.

Trong khi đó, để thu hút người dùng Việt Nam, nền tảng quốc tế Spotify còn cho phép nghe miễn phí trong 30 ngày và trả phí sau đó cũng chỉ ở mức 59.000 đồng/ tháng, bằng một ly trà sữa.

Vậy mà khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ tại sự kiện Beyonce the Music hồi tháng 4, đại diện đơn vị này cũng chỉ cho biết số lượt người nghe Việt vào Spotify tăng nhưng từ chối chia sẻ về số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ có trả tiền.

Bấy nhiêu cũng đủ để hiểu rằng việc thay đổi thói quen nghe nhạc miễn phí và thuyết phục người dùng trả tiền nghe/tải nhạc trực tuyến tại Việt Nam là vô cùng gian khó.

Khó là thế, lỗ là thế nhưng các nền tảng vẫn phải "nuôi quân", phải tăng chất lượng dịch vụ của mình nếu không muốn bị khai tử. Vậy thì tiền đâu để họ duy trì? Trong cơ cấu doanh thu của mô hình nhạc trực tuyến, doanh thu từ bán quảng cáo chiếm đến 80%, 90%.

Nhưng cũng theo ông Nhan Thế Luân, số tiền thu được từ quảng cáo này chẳng thấm thía gì so với tiền mua bản quyền, mua độc quyền tác phẩm, xây dựng, bảo trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phí vận hành, quảng bá...

Vậy nên thách thức lớn nhất của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến trong nước không phải là sự xuất hiện của các "ông lớn" nước ngoài mà là làm sao có thể chuyển đổi thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam từ nghe nhạc miễn phí sang nghe nhạc thu phí. Từ đó, một thị trường nhạc số trong sạch và phát triển mới có thể được tạo lập.

Không trống không kèn vẫn nổi danh

"Muốn thành công phải có truyền thông", nhưng cũng thật mừng khi các nền tảng nghe/tải nhạc trực tuyến đã rất công bằng với mọi nghệ sĩ.

Dù là một ngôi sao hạng A, một giọng ca đang nỗ lực vươn lên hay ca sĩ mới toanh đều có cơ hội "lên sóng" tại thị trường nhạc số.

Và chính những nghệ sĩ độc lập "không trống không kèn" lại bất ngờ mang đến những cảm xúc mới mẻ cho người nghe, kiến tạo được những bước đi đầu tiên cho sự nghiệp âm nhạc đầy kỳ thú của riêng mình, mà những Đen, Linh Cáo, B Ray, Đạt G, Masew, K-ICM, BigDaddy, Emily... là ví dụ.

Có trả phí mới có thước đo đúng

hua kim tuyen

Nhà sản xuất âm nhạc Hứa Kim Tuyền

Để thị trường nhạc số phát triển, một trong những điều đầu tiên cần thay đổi đó chính là cách suy nghĩ của tất cả mọi người, từ nghệ sĩ, khán giả cho tới các đơn vị nhạc số.

Có nghĩa là bây giờ, những nền tảng âm nhạc lớn bắt đầu thúc đẩy việc trả phí khi nghe nhạc nhưng nếu những trang nhỏ hơn hay trang lậu lại đăng tải miễn phí cho khán giả nghe thì cũng bằng không.

Nếu thói quen nghe nhạc có trả phí phổ biến ở Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ có nhiều sân chơi thú vị hơn cho nghệ sĩ, tạo nên thước đo thật sự cho những "hit" đình đám. Khán giả sẽ được nghe những sản phẩm âm nhạc chất lượng nhất.

Mặt khác, nghệ sĩ cũng có nhiều động lực để làm nghề một cách tử tế hơn, có thêm cả nguồn thu nhập để đầu tư ngược vào các sản phẩm tiếp theo.

Về việc nghệ sĩ chạy đua theo những con số về lượt nghe/xem trên các nền tảng âm nhạc điện tử hay YouTube, tôi nghĩ điều này sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của các sản phẩm âm nhạc, bởi họ vẫn phải đầu tư rất nhiều chất xám vào công việc này.

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Hứa Kim Tuyền

Nhạc số và phía sau lượt nghe: Làm nhạc hay kinh doanh nhạc

TTO - Nhiều người gọi bây giờ là thời của nhạc số, của những bản hit triệu view và cũng là thời mà hai khái niệm làm nhạc và kinh doanh nhạc đang được đưa ra một cách rạch ròi nhất.

QUỲNH NGUYỄN - TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp