10/06/2007 15:58 GMT+7

Nhạc sĩ Thanh Sơn và "Nỗi buồn hoa phượng"

Theo Thanh Hiệp - Người Lao Động
Theo Thanh Hiệp - Người Lao Động

Tối 15-6, Nhà hát TPHCM sẽ tổ chức chương trình ca nhạc tôn vinh nhạc sĩ Thanh Sơn với chủ đề Nỗi buồn hoa phượng. Đêm nhạc kỷ niệm tuổi 69 của người nhạc sĩ đã có 47 năm sáng tác này có sự tham dự của những ca sĩ thành danh nhờ vào ca khúc của ông như Hương Lan, Giao Linh, Thái Châu...

Gia tài ca khúc của ông có hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó là những ca khúc viết về quê hương, con người Nam Bộ.

Bắt đầu là ca sĩ

Sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng trong một gia đình ông 12 anh chị em, nhạc sĩ Thanh Sơn là người con thứ 10. Tuổi thơ của ông rất cơ cực vì phải theo gia đình dọn nhà di chuyển nhiều nơi. Chuyện học hành của ông vì thế dang dở. Những năm học tiểu học, ông được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng dạy đàn ở Sài Gòn những năm 1950 -1960) nhận ông làm học trò. Năm 1955, thầy Phấn qua đời, ông bắt đầu lên Sài Gòn theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.

Năm 1959, ông đăng ký dự thi cuộc thi Tuyển chọn ca sĩ trẻ của Đài Phát thanh Sài Gòn với ca khúc Chiều tàn (Lam Phương). Thí sinh Lê Văn Thiện (sinh ngày 1-5-1938) với nghệ danh Thanh Sơn được công chúng biết đến. Giải thưởng ông nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare. Bắt đầu từ thành công đó, ông dấn thân vào nghiệp ca sĩ.

Những ca khúc về thời áo trắng.- Từ năm 1960 ông bắt đầu sáng tác. Ông chọn đề tài gần gũi với tuổi trẻ, để nhớ về thời áo trắng. Bài hát đầu tiên ông viết là Tình học sinh. Sau khi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ góp ý, hướng dẫn, ông gửi cho đài phát thanh và có rất nhiều ca sĩ hát ca khúc này trên sóng phát thanh thời ấy.

Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết, ông có hơn 200 bài hát ông viết về lứa tuổi học trò. Với ông, đó là thời gian rất đẹp. Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn và nổi tiếng nhất là Nỗi buồn hoa phượng.

Kể về cuộc tình thật đẹp làm nên chất liệu da diết cho ca khúc này, ông nói: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình thư sinh rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Dường như màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy”.

Quả nhiên, ca từ và giai điệu của Nỗi buồn hoa phượng, cho đến bây giờ vẫn làm những trái tim tuổi học trò xao xuyến: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi”.

Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác. Ngày đó mỗi tháng đi làm, chỉ được lãnh 150 đồng. Nhưng tiền tác quyền của ông một tháng lên đến 6.000 đồng, giúp gia đình ông vượt qua nghèo khó. Ông nhờ vào tiền sáng tác mà mua nhà, mua xe, cưới vợ.

Năm 1965, ông viết ca khúc Nhật ký đời tôi, được ca sĩ Hoàng Oanh hát cho Hãng dĩa Việt Nam, tạo cơn lốc hâm mộ nơi công chúng có cùng nỗi lòng. Ông kể vợ ông không ghen khi nghe ông tự sự qua bài hát cuộc tình đã mất. Bởi, ông luôn thành thật, chẳng giấu giếm gì về những lời hẹn ước với những cuộc tình đã xa. Cái còn lại chính là sự chân thật của một con tim dễ rung động.

Những ca khúc về quê hương

Năm 1973, nhận thấy âm hưởng dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa và sống mãi trong lòng người nghe, ông chuyển hướng sáng tác đề tài quê hương. Ca khúc ông viết đầu tiên về thể loại này là Ngợi ca quê hương. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác hơn 200 ca khúc về đề tài quê hương, lấy chất liệu từ miền châu thổ sông Hậu và âm nhạc ngũ cung.

Năm nay, niềm vui của ông bên cạnh việc Nhà hát TP tổ chức đêm live show nhạc sĩ Thanh Sơn, còn có tin vui từ Hội Văn học Nghệ thuật Sóc Trăng - quê hương ông - sẽ in và xuất bản tuyển tập gồm 200 ca khúc ông viết về quê hương Nam Bộ. Những bài hát mà chỉ một lần nghe qua, khán thính giả đã ấn tượng với dòng nhạc trữ tình, mộc mạc nhưng không kém phần sâu lắng của Thanh Sơn như: Hành trình trên đất phù sa, Hương tóc mạ non, Hồn quê, Tình trăng lúa, Giấc ngủ đầu nôi, Hoài cổ, Tình em Tháp Mười, Hoa tím người xưa, Em bỏ dòng sông, Yêu dấu Hà Tiên, Quê hương ba miền, Chiều mưa xứ dừa...

Ông kể: “Tôi đã viết ca khúc về 26 tỉnh, thành miền Nam, trừ Tiền Giang chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái tứ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới.

Theo Thanh Hiệp - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp