04/06/2020 09:44 GMT+7

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trên giường bệnh: Đời sông không hề tiếc vơi đầy

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Những ngày này, ai vào bệnh viện thăm nhạc sĩ Phó Đức Phương đều ngạc nhiên. Ngoài việc sút 18kg, còn lại tinh thần ông vẫn vững vàng, giọng nói sang sảng, và đặc biệt, niềm đam mê với âm nhạc vẫn đầy ắp.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trên giường bệnh: Đời sông không hề tiếc vơi đầy - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong live show Trên đỉnh Phù Vân của ông năm 2016 - Ảnh: TUẤN NGUYỄN

"Bây giờ tôi mới nghĩ lại, cách đây khoảng một tháng, nếu không có sức khỏe và sự bền bỉ được tích lũy suốt mấy chục năm trời thì có thể "đứt" như bỡn. Mình vẫn cứ lì lợm kiên trì, rồi dần dần vượt qua" - nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.

Đôi khi, ông hóm hỉnh nói vui với bạn bè: "Có lẽ mình chưa đủ tuổi nhớn để hiểu nổi sự nghiêm trọng của vấn đề".

Tôi đã viết một vệt ca khúc về những anh hùng của dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, những trận chiến hiển hách như Bạch Đằng. Tôi sẽ viết tiếp về vua Quang Trung, Lý Thường Kiệt...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Tâm sự của Phó Đức Phương

Những cuộc lội ngược dòng

"Chiến binh đầu bạc", người bảo vệ quyền tác giả âm nhạc suốt 18 năm qua tiếp mạch câu chuyện:

"Đầu tháng 3 năm nay, khi các bác sĩ Bệnh viện Việt - Xô thông báo rằng tôi bị ung thư tụy và đã di căn ở đầu cấp độ 4, tế bào ung thư đã lan sang gan và ổ bụng, tôi chẳng giật mình, cũng không choáng váng và hoang mang gì cả. Tôi chỉ nghĩ: Lại vất vả đây, lại phải vượt khó và lội ngược dòng đây. Đời tôi rất nhiều phen phải lội ngược dòng rồi".

Cú lội ngược dòng lớn nhất nhạc sĩ họ Phó là lao vào lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc. Đầu những năm 2000, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam rất nghiêm trọng, ý thức về bản quyền của người dân gần như bằng không.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương lấy chữ ký của 200 nhạc sĩ cả nước, khẩn thiết kiến nghị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tình trạng xâm hại quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam. Đến tháng 4-2002, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được ra đời.

18 năm làm giám đốc trung tâm, nhạc sĩ Phó Đức Phương gặp vô vàn thị phi, nhưng ông già "gân" chưa bao giờ lùi bước. Ông lao vào những trận chiến, bất chấp bươu đầu mẻ trán, bởi ông tin mình đang làm việc đúng đắn.

Người lãnh đạo dặn nhân viên của mình: "Chúng ta không cần phải được khen mới phấn khởi, bị chê cũng không hoảng sợ. Các bạn đã đọc Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa? Đã đọc Công ước Bern chưa? Chúng ta có làm đúng như vậy không? Nếu đúng rồi thì cứ thế mà làm!".

Tuy "gân" là thế nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn thừa nhận thử thách lội ngược dòng lần này khác hẳn. Ông thừa nhận ba tháng nằm trên giường bệnh vừa qua là trải nghiệm "lên bờ xuống ruộng", "một thách thức quá ghê gớm với một người 77 tuổi đời".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trên giường bệnh: Đời sông không hề tiếc vơi đầy - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đàn ông của công việc.

Tôi còn nợ một vệt âm nhạc

Hay tin ông "giám đốc về hưu" đổ bệnh, nhân viên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (khu vực phía Nam) bay ra thăm ông, còn đem ra cho ông một tô sủi cảo ở một cửa hàng nổi tiếng, địa điểm ẩm thực ông ưa thích ở Sài Gòn.

Nhân viên ở khu vực phía Bắc phân công nhau chưng yến mang vào bệnh viện cho ông. Sự quan tâm của nhiều người có lẽ góp phần làm sức khỏe và tinh thần của ông khá lên rõ rệt những tuần gần đây. Ông thậm chí có một niềm tin tâm linh mãnh liệt mình phải sống để tiếp tục sáng tác.

"Tôi đã viết một vệt ca khúc về những anh hùng của dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, những trận chiến hiển hách như Bạch Đằng. Tôi sẽ viết tiếp về vua Quang Trung, Lý Thường Kiệt..." - nhạc sĩ Phó Đức Phương hào hứng khi nói về sáng tác.

Những ca khúc này đặc biệt ở chỗ ông không đứng ở vị trí người ngợi ca, mà ông hóa thân vào từng nhân vật lịch sử và lời bài ca là lời nhân vật lịch sử nói ra. "...Ta bay qua thời gian, từ thuở hồng hoang/ Ta bay thấu không gian, biển rộng núi cao, đi hết cõi hữu hình/ Ta vào miền vô ảnh, vẫn nặng tình nhân gian..." - đó là lời bài hát Bài ca Thần Chim Lạc ông sáng tác nhiều năm trước.

Những ai từng nghe Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể, Về quê… sẽ nhận thấy các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương bài nào cũng đắm đuối, chân tình, rút gan rút ruột. Ngoài không gian thiên nhiên rộng lớn, đẹp rợn ngợp, trong nhiều bản tình ca còn có không gian tâm linh. Đó là nét đặc biệt trong ca khúc của Phó Đức Phương.

Những năm gần đây phần tâm linh ngày càng đậm nét hơn trong các tác phẩm của ông. "Có những tiếng nói trong đầu tôi, thúc giục tôi viết ra những bài ca về các bậc liệt tổ liệt tông, những vị anh hùng dân tộc. Khi viết những ca khúc này, tôi có cảm giác như nhập hoàn toàn vào nhân vật của bài hát, để viết ra suy nghĩ của họ" - nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

77 năm sống trên cõi đời, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ ông đã sống như con sông trong ca khúc Chảy đi sông ơi: "sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy". Đến giờ với ông, "nơi bền lâu" vẫn "là nơi lắng sâu", như những gì ông đã viết trong ca khúc Về quê nhiều năm về trước.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đến lúc trở lại làm nhạc sĩ Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đến lúc trở lại làm nhạc sĩ

TTO - Nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cảm thán, đã đến lúc ông phải trở lại với trách nhiệm của một nhạc sĩ trong hoạt động sáng tác.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp