06/11/2014 09:26 GMT+7

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Tôi không muốn viết về những thất vọng”

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
QUỲNH NGUYỄN thực hiện

TT - Hoạt bát, dí dỏm ở tuổi 90, sáng 5-11 tại TP.HCM, nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu vẫn thoải mái làm chủ buổi họp báo giới thiệu chương trình Cuộc đời vẫn đẹp sao - đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi của ông.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Q.N.

Ông tươi cười, bắt đầu câu chuyện bằng lời nửa thật nửa đùa: “Con người không có tình yêu thà chết cho rồi!”. Và cuộc trò chuyện ông dành cho Tuổi Trẻ cũng bắt đầu từ chữ “tình”.

* Trông nhạc sĩ khỏe khoắn, minh mẫn thế này, hẳn ông vẫn đang yêu mãnh liệt?

- Ðúng thế! Tình yêu thì đâu chỉ là tình nam nữ mà còn tình yêu quê hương, đất nước, đồng đội, bạn bè... Không có người yêu thì ta yêu trời, yêu đất, yêu hoa, yêu cỏ...

Hồi tôi bảy mươi, nhiều người cũng hỏi tôi như thế và tôi đã đáp trả bằng mấy câu thơ: Nay đã thất thập cổ lai hi/ Nhưng mà gân cốt chẳng hề chi/ Tiếc là tóc đã hơi hơi bạc/ Từ trên xuống dưới vẫn uy nghi.

* Tình yêu đất nước, yêu con người, yêu vạn vật của ông đã được khắc họa rõ nét qua hơn 100 ca khúc. Tình yêu trong tác phẩm nào là khó quên nhất đối với ông?

- Tình nào tôi cũng không quên được. Có nhiều người thẳng thắn nói những ca khúc chính trị, viết để tuyên truyền của tôi thiệt “khó nghe”, ví dụ như bài Hoan nghênh tín phiếu mà tôi viết hồi kháng chiến chống Pháp (ông hát một lèo hết bài hát - NV).

Nhưng với tôi bài hát đó vẫn có giá trị, sứ mệnh riêng của nó. Khi đó, khắp Trung bộ vang lên giai điệu ca khúc đó. Gia đình tôi cũng được cụ Phạm Văn Ðồng động viên sử dụng tín phiếu bằng cách gửi tặng tờ tín phiếu trị giá 100 đồng, đủ tiêu trong mấy tháng (cười).

* Vậy còn ca khúc đầu tay Trầu cau thì sao?

- Tôi viết Trầu cau lúc 16 tuổi, khi chưa hiểu biết nhiều về nhạc lý hay kỹ thuật sáng tác. Rất nhiều ca khúc kiểu “điếc không sợ súng” như vậy đã ra đời: Giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong...

Khi đó, cứ có cảm hứng là viết thôi. Nếu là sau này, đợi khi được học hành bài bản rồi thì có khi tôi lại chẳng thể viết được.

Từ khi tập kết ra Bắc (khoảng năm 1955), tôi mới có cơ hội học và định hình phong cách sáng tác của mình qua các tác phẩm: Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây kơnia, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Ðêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Anh ở đầu sông em cuối sông...

Ừm, bây giờ “anh” ở đây mà “em” thì bị té nằm ở nhà rồi! (âu lo thoáng qua khi ông nhắc đến vợ - NV).

* Tinh thần trong các ca khúc của ông nhìn chung là lạc quan yêu đời. Riêng với tình yêu, ông không có bài nhạc tình buồn nào sao?

- Ngoài những ca khúc mọi người đã biết, tôi còn rất nhiều ca khúc viết dở dang, nhiều ca khúc chưa được công bố nhưng tất cả đều không nói đến những thất vọng trong tình yêu. Không phải vì tôi chưa từng trải qua những cuộc tình dang dở, cũng không phải là tôi không biết buồn... tình.

Có lúc tôi buồn lắm chứ, buồn muốn chết đi. Nhưng rồi mục đích viết nhạc của mình là gì? Có nhiều ca khúc tôi không viết cho tôi hay vì tôi.

Khi ta buồn khổ hay thất vọng, có lẽ ta muốn được thấy những gì lạc quan hơn, tích cực hơn. Nghĩ vậy nên tôi không viết về những gì gây thất vọng, mang nhiều u buồn.

* Ông không viết cho mình nhưng hẳn có nhiều ca khúc ông viết dành riêng cho ai đó?

- Hà hà... có chứ! Như Ðêm nay anh ở đâu là tôi viết cho cô Vũ Dậu.

* Vậy hẳn có gì đặc biệt giữa ông và ca sĩ Vũ Dậu sắc nước hương trời một thời?

- Tôi không “khai” đâu. Vũ Dậu (cùng con gái Khánh Linh - NV) sẽ bay vào để hát trong đêm nhạc của tôi. Mọi người chờ đến đó sẽ biết.

* Còn bài tình ca gần nhất của ông dành tặng ai?

- Dành cho tất cả mọi người. Ca khúc gần nhất mà mọi người biết đến là Em như áng mây (2011). Sau ca khúc này, tôi cũng viết thêm một vài ca khúc nữa nhưng chưa công bố.

Thời gian này tôi khá yếu, muốn bấm đàn cũng khó khăn. Nhưng khi cảm hứng hay giai điệu đến thì tôi vẫn viết ra được ngay vì từng nốt nhạc, tông nhạc tôi đã nằm lòng.

* Trong hơn 70 năm sáng tác của mình, ông có nhiều lần viết nhạc trong những hoàn cảnh sức khỏe không như ý vậy không?

- Từ hồi 24 tuổi tôi đã rơi vào hoàn cảnh này rồi. Từ chiến trường ra, tôi còn da bọc xương. Nhờ các bác sĩ tận tình chăm sóc, chỉ sau mấy tháng tôi đã hết sốt rét, sức khỏe phục hồi, đúng là chết đi sống lại.

Trong thời gian chữa trị, tôi đọc được bài thơ Cuộc đời vẫn đẹp sao của Dương Hương Ly và như được “truyền nước”. Tinh thần “vẫn đẹp sao” đó đã theo tôi đến tận hôm nay.

Ðêm nhạc Cuộc đời vẫn đẹp sao sẽ diễn ra trong bầu không khí ấm áp, chân tình như một món quà mừng sinh nhật lần thứ 90 mà Hội Âm nhạc TP.HCM, Ðài truyền hình TP.HCM và Công ty May Q gửi tặng nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu.

Chương trình sẽ diễn ra lúc 20g30 ngày 8-11 tại Nhà hát truyền hình HTV, truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp