Phóng to |
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
* Anh hài lòng với kết quả của VCK vừa rồi?
- Tôi rất thỏa mãn. Chín thí sinh được chọn thực sự xứng đáng vào VCK toàn quốc. BTC và BGK đã có một quyết định sáng suốt khi chọn bốn thí sinh ở dòng nhạc nhẹ và hai thí sinh ở dòng nhạc dân gian (còn lại là ba thí sinh ở dòng nhạc thính phòng) vào VCK thay cho phương án ban đầu là lấy ba thí sinh ở mỗi dòng. Điều này cũng phản ánh đúng thế mạnh của các giọng hát ở khu vực phía bắc.
* Anh là người thường cho điểm cao hơn so với các thành viên khác trong BGK. Vì sao vậy?
- Thật ra, 19 thí sinh được chọn từ gần 80 người dự thi ở khu vực phía bắc đều là những giọng hát khá. Điều khiến tôi sung sướng nhất là khi thấy các thí sinh ngoài bắc đã biết hát nhạc nhẹ. Nhiều em hát có tiết điệu (rythm), nghĩa là biết cách hát chachacha khác với disco..., biết nhấn nhá, xử lý câu chữ...
Những điều này có thể chẳng sách nào dạy, ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp cũng không phải ai cũng biết hát như thế.
Trong khi đó, các thí sinh phía nam, do được tiếp xúc từ lâu và tiếp xúc nhiều với nhạc nhẹ, nên đã sớm hình thành bản năng hát nhạc nhẹ, vì vậy thường khá hơn ngoài bắc.
* Việc các thành viên BGK chấm "chênh" nhau có lúc lên đến 1,5 điểm có giảm đi tính thuyết phục của kết quả cuộc thi?
- Tôi lại thấy như thế mới công bằng, mới hay. Tất nhiên, khoảng cách này chênh lệch xa quá sẽ dẫn đến thiên vị. Càng nhiều điểm số khác nhau càng thể hiện sự phong phú về quan điểm đánh giá một thí sinh, một giọng hát. Chẳng hạn, tôi rất tối kỵ thí sinh nào hát "phô", nhưng có giám khảo lại quan tâm đến ưu điểm khác của thí sinh... Hoặc nghe một bài có nội dung không hay tôi đã không muốn cho điểm rồi.
Tôi quan niệm, hát là một hình thức biểu đạt ngôn ngữ cao hơn giọng nói mà thí sinh lại chọn một bài nội dung không ra gì thì ngay cả giọng oanh vàng cũng nào có ý nghĩa gì nữa!
* Nhìn chung, ở cả ba dòng nhạc, thí sinh chọn bài vẫn câu nệ tên tuổi các nhạc sĩ lớn và những bài hát nổi tiếng, trong khi "sân chơi" bài hát Việt rầm rộ từ mấy tháng nay đã có hàng chục bài "nghe được". Và đây đó người ta còn nghe thấy những giọng na ná các ca sĩ đi trước... ?
- Vì đây là một cuộc thi, các em đến dự thi nên không thể mạo hiểm chọn bài mới. Chúng tôi không khuyến khích chọn những bài như vậy, nên thí sinh nào chọn bài mới, có cách thể hiện sáng tạo hơn người đi trước vẫn được đánh giá cao.
Việc chọn được bài hay và phù hợp với chất giọng, nhìn chung quyết định khoảng 70%, có khi lên tới 80% thành công của thí sinh. Những người đoạt giải cao lần này đều đã biết chọn những bài hát đậm đà "màu" Việt Nam.
* Anh đặt niềm tin vào các thí sinh nào? Và để các gương mặt này tỏa sáng, anh nhắn gửi điều gì?
- Tôi vốn không thích bài Không thể và có thể , nhưng khi nghe Ngọc Dung hát bài này, tôi nghĩ mình đang thưởng thức một bài hát khác. Tôi bỗng thấy nó hay và sâu sắc. Nghe trực tiếp tại nhà hát mới thấy Ngọc Dung bộc lộ khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt.
Ngọc Anh với Anh yêu em đã có dịp chứng tỏ mình còn có thể có những bước tiến dài.
Phạm Đăng Minh hát Đá trông chồng toát lên vẻ đẹp rất đàn ông và bản lĩnh của người hát nhạc nhẹ.
Tân Nhàn với Xa khơi hát rất có hồn, khiến tôi nhớ đến giọng hát Tân Nhân trước đây.
Nguyễn Văn Tuấn bước lên sân khấu với vẻ đẹp hồn nhiên và chân quê trong những câu hát đượm hồn quê Bắc Ninh-Kinh Bắc ...
Còn các giọng ca thính phòng đều đã vươn đến những chuẩn mực nhất định.
Để tiếp tục giành giải cao, mỗi thí sinh phải tiếp tục khẳng định được thế mạnh của mình qua việc chọn bài hát. Nói cách khác, cần có sự nhất quán về phong cách, biết chọn con suối nhỏ có thể soi rõ bóng mình trong đó trước lúc vươn ra biển lớn vẫy vùng.
* Xin cảm ơn anh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận