Nhạc sĩ Ngọc Châu - Ảnh: T.T.D.
Sự ra đi ấy để lại bao tiếc thương về một nhạc sĩ tài năng với những ca khúc đẹp "như ánh sáng, như mặt trời" (lời ca khúc Nếu điều đó xảy ra) và "hiền" như chính tác giả.
Chào tạm biệt một câu rất ngắn ngủi "Chào nhé bạn hiền, Chiều xuân 2022" trên trang Facebook cá nhân, nhưng chữ "bạn hiền" của nhạc sĩ Quốc Trung tưởng như đã đủ nói lên tất cả về âm nhạc và con người nhạc sĩ Ngọc Châu.
Thì Thầm Mùa Xuân - một ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Châu - Khánh Linh thể hiện
Thanh xuân tươi đẹp của nhiều thế hệ
"Anh ra đi giữa mùa xuân nhưng cũng như mùa xuân, nhiều ca khúc của anh sẽ còn ở lại thật lâu dài trên cõi nhân gian và trong những tâm hồn thanh xuân".
Những ai từng có tuổi trẻ đắm say với những ca khúc tràn đầy năng lượng, ngọt ngào, trong veo rất trẻ của nhạc sĩ Ngọc Châu như Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân, Cô Tấm ngày nay, Nếu điều đó xảy ra… hẳn sẽ đồng cảm với chia sẻ của một người yêu nhạc Ngọc Châu - biên tập viên NXB Kim Đồng Nguyễn Thúy Loan.
Từ Pháp, ca sĩ Hồng Nhung thương khóc người anh đã sáng lập ban nhạc Hoa sữa lừng danh một thời với những tên tuổi như Ngọc Châu, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam…
Chiều xuân của Ngọc Châu do Hồng Nhung thể hiện
Hồng Nhung không chỉ thân thiết với nhạc sĩ Ngọc Châu như một người em mà cô còn gắn bó thân tình với cả gia đình âm nhạc của Ngọc Châu. NSƯT Vũ Dậu - mẹ của nhạc sĩ Ngọc Châu - là người hướng dẫn, bảo bọc cho Hồng Nhung rất nhiều từ thời cô vừa bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp ở độ tuổi 16, 17.
Khi ca sĩ Khánh Linh - em gái của Ngọc Châu - mới 3 - 4 tuổi, đã ngồi cùng cô trên băng ghế dài trong chuyến đi theo mẹ lưu diễn ở nước ngoài. Thuở 14, Hồng Nhung cũng đã đi lưu diễn nước ngoài cùng nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng là bố của nhạc sĩ Ngọc Châu.
Bao năm gắn bó với gia đình âm nhạc ấy, Hồng Nhung rất quý trọng tình yêu âm nhạc của cả gia đình và đặc biệt là sự hiền lành, đôn hậu của họ.
Sự thân thiết với Ngọc Châu càng đậm sâu hơn khi Hồng Nhung được bung tỏa năng lượng của tuổi trẻ với những ca khúc trong veo, ngọt ngào của Ngọc Châu, đặc biệt là bài Chiều xuân đã làm nên tên tuổi của Hồng Nhung.
Những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hình ảnh cô ca sĩ nhỏ xinh, rất tươi và duyên với chiếc răng khểnh lên sân khấu cháy hết mình trong những lời ca, giai điệu tươi trẻ, lãng mạn: "Có một chiều, chiều xuân như thế/Nắng ngập tràn hồn em ngất ngây/chiều xuân/tình xuân…" khiến bao trái tim tuổi trẻ phải run rẩy.
"Đó là những bài hát không có tí gợn nào của nỗi buồn, chỉ có những lời ca tưng bừng, đẹp, hiền hòa và rực rỡ như mùa xuân, như thiên nhiên.
Cho nên sau anh đã có biết bao ca khúc về mùa xuân khác nhưng các bài hát của anh vẫn cứ còn ở lại với công chúng yêu nhạc", ca sĩ Hồng Nhung nhớ lại những giai điệu đã điểm tô rực rỡ cho tuổi trẻ ca hát của mình.
Đó là một tuổi trẻ không còn bao giờ có thể thấy lại, khi những nghệ sĩ đi hát thật vất vả, ai cũng nghèo, hát xong anh em chia nhau chén trà nóng thôi mà niềm hạnh phúc với âm nhạc thì cứ ngân mãi trong tim.
Mối quan hệ anh em nghệ sĩ thân thiết của thời ấy, theo Hồng Nhung, đã tạo ra một phong trào âm nhạc đầy tình người, tình người trong từng tiết mục biểu diễn, tình người giữa các nghệ sĩ và tình người giữa nghệ sĩ với công chúng.
Cái thời người ta sẽ đến thăm nhau, ngồi bên nhau chuyện trò và những bài hát đầy tình cảm trong veo tinh thần thanh xuân của Ngọc Châu đã góp vào làm tròn đầy hơn cho cái thời đẹp đẽ, lãng mạn chưa xa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
"Các bài hát của anh chính là thanh xuân tươi đẹp và lãng mạn của nhiều thế hệ. Sự trong sáng trong âm nhạc của anh như chính con người anh, đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp thêm tinh thần tích cực cho mọi người", ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ.
Âm nhạc ấy không chán chường, khổ đau
Cùng thế hệ với Ngọc Châu, nhạc sĩ Đức Trí tuy không có nhiều cơ hội gần gũi với bạn nghề ngoài quãng thời gian ngắn cùng sống trong một khu nhà ở quận 4, TP.HCM, nhưng rất quý trọng Ngọc Châu cả về nghề nghiệp và con người.
Thú nhận ít khi chia sẻ khi một đồng nghiệp nào qua đời nhưng với Ngọc Châu thì Đức Trí phá lệ bởi "anh quá hiền lành, dễ mến, âm nhạc của anh cũng hiền lành". "Tôi nghĩ âm nhạc của anh cũng giống như con người anh, chỉ nói về cái đẹp, không có một sự phá phách, không chán chường, khổ đau, không trách móc.
Ca sĩ Mỹ Linh hát Thì thầm mùa xuân của nhạc sĩ Ngọc Châu - Video: Phương Nam Phim
Đó là thứ âm nhạc mang đến thứ năng lượng trong sáng, rất Bắc Bộ, trong số những tác giả thời những năm 1990 thì anh Châu Bắc Bộ nhất, rất đáng yêu, đáng quý", nhạc sĩ Đức Trí dành sự tôn trọng cho âm nhạc của đồng nghiệp và bày tỏ tiếc nuối vì anh sáng tác ít, nay lại không được nghe thêm những sáng tác của Ngọc Châu.
Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Ngọc Châu không chỉ là học trò ông yêu quý mà còn là đồng nghiệp ông tôn trọng.
Cựu chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đánh giá Ngọc Châu cùng Lương Minh, Đỗ Bảo… là thế hệ hội viên trẻ khá khác biệt với hầu hết các thế hệ đàn anh bởi họ được học hành chính quy trong Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Không chỉ được trang bị kiến thức về sáng tác đầy đủ, chính quy, họ còn là những nhạc công giỏi.
Theo ông Quân, những ca khúc như Cô Tấm ngày xưa, Chiều xuân chính là kết quả của sự hòa hợp tuyệt vời giữa tinh túy của âm nhạc trẻ với những nền tảng truyền thống trong âm nhạc mà Ngọc Châu hấp thụ được từ gia đình âm nhạc của mình. Trong âm nhạc, anh đã tạo dựng cho mình một giọng trẻ mới lạ nhưng không xa rời cội nguồn.
Thông tin từ gia đình cho biết nhạc sĩ Ngọc Châu (sinh năm 1967) đã mất vào lúc 7h20 ngày 17-3 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 vì bệnh suy tim. Lễ viếng nhạc sĩ diễn ra từ 12h - 13h ngày 19-3, an táng tại quê nhà tại thôn Ngọc Lâu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận