27/10/2008 20:22 GMT+7

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng: Tôi hạnh phúc khi cảm nhận sự đồng điệu

Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Miên Đức Thắng của ngày xưa để lại một tình cảm tinh khiết, bồi hồi và ngưỡng vọng trong lòng thế hệ học sinh - sinh viên thập niên 1960-1970 với những bản nhạc hừng hực ước vọng hòa bình trong Hát từ đồng hoang, Lớn mãi không ngừng…

3QTDm2Gw.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng - Tranh: Hoàng Tường
Miên Đức Thắng của ngày xưa để lại một tình cảm tinh khiết, bồi hồi và ngưỡng vọng trong lòng thế hệ học sinh - sinh viên thập niên 1960-1970 với những bản nhạc hừng hực ước vọng hòa bình trong Hát từ đồng hoang, Lớn mãi không ngừng

Tầm thước, hiền lành, tiếp chuyện bằng một giọng Huế quá ư là ngọt ngào, Miên Đức Thắng của bây giờ có vẻ thảnh thơi của một người trở về, nhưng vẫn thoáng nét mỏi mệt của một người thích mang vác.

Trong những cuộc miên man trò chuyện, lạc vào cõi hoang tưởng của phản đề - tập đề, phân tâm, bệnh lý… người ta bị thách thức bởi những định nghĩa và giới hạn. Hành trình đi về chân-thiện-mỹ quả là khó, nhất là với những kẻ đa tài ham chơi. Nhưng biết đâu trên đường về mới biết, chân-thiện-mỹ đã nằm sẵn đó tự bao giờ. Vì, có cái chân nào không mỹ, có cái thiện nào không chân…

* Họ Miên của anh nghe lạ, có phải là họ vua không?

- Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh là họ trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Nhưng thực ra tổ tiên tôi họ Hồ thuộc dòng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, tru di tam tộc hoàng thân quốc thích của Quang Trung. Ông bà tôi là một nhánh ở xa, phải thay tên đổi họ. Chuyện lịch sử phức tạp, tôi cũng nghe kể lại và mới biết mấy chục năm sau này thôi.

* Sống ở nước ngoài nhiều năm, anh nghiệm ra điều gì là quý nhất khi xa quê hương?

- Càng đi xa càng nhớ nhà. Càng có nhiều thời gian, nhiều không gian, hình ảnh quê nhà càng xâm nhập và chi phối mình nhiều hơn. Mỗi khi dạo bước trên đường phố, đi trên xe điện ngầm, đi đâu cũng mong mỏi đất nước mình trật tự, văn minh như người ta. Không biết người Việt trong nước thế nào, chứ cộng đồng người Việt ở nước ngoài không đoàn kết bằng những cộng đồng khác. Trước khi bức tường Berlin sụp đổ thì người Việt ở Đức chưa đến một trăm ngàn người. Còn bây giờ nhiều hơn nhưng vẫn rất nhỏ nhoi so với dân số tám mươi triệu người Đức.

* Đó là nhận xét của anh về tính cộng đồng. Vậy còn nhu cầu văn hóa của người Việt ở nước ngoài thì như thế nào, thưa anh?

Tự trong bản thân và trong gia đình, người Việt nào cũng mong con cái mình học và nói được tiếng Việt. Ở Đức không giống như ở Mỹ, người Việt mình sống rải rác, nên khó mà có được đầy đủ những hoạt động có tính văn hóa và tinh thần. Chính vì thế, nhu cầu sách báo, truyền hình là vô cùng cần thiết.

* Là nhạc sĩ đi lên từ phong trào phản chiến, bây giờ tuy không có chiến tranh nhưng anh có nghĩ đây là thời bình?

- Chiến tranh là dính dáng đến hủy hoại sự sống của con người. Nếu xét ý thức, hành động cụ thể, con người thường nhìn chiến tranh là bom đạn, là tấn công, là đẩy lùi. Nhưng chiến tranh theo nghĩa xung đột thì có nhiều cuộc chiến lắm. Cuộc chiến kinh tế, bệnh dịch… đang hủy hoại sinh mạng con người. Chiến tranh giữa các quốc gia nằm trong định nghĩa hẹp về chiến tranh.

* Có hay không những cuộc chiến trong một người nghệ sĩ? Những cuộc chiến đó cần thiết như thế nào trong sự nghiệp của người nghệ sĩ, thưa anh?

- Đó là những xung đột nội tâm giữa thiện và ác, yêu và không yêu… Nó luôn luôn tồn tại dưới hai hình thức: tự nhiên có, không muốn cũng tới và do mỗi người tự đặt ra. Nhiều lực bên ngoài liên tục tác động trong khi tự thân mỗi người là một quả mìn. Có những cuộc chiến cần thiết và không cần thiết. Như ngày xưa, có chiến tranh lý tưởng và không lý tưởng. Trong cuộc sống luôn luôn có đề - phản đề - tập đề. Những cuộc xung đột cũng chính là cái “đang là”, là bản chất của cuộc sống. Khi mọi thứ ổn định, ngưng lại nghĩa là chết.

* Trên một tác phẩm gốm anh đã ghi “khó nhất là không suy nghĩ”… Những tác phẩm nghệ thuật của anh cũng ra đời từ những cuộc chiến nội tâm?

- Đúng vậy, tùy mức độ xung đột nội tâm sẽ thể hiện. Nhạc hay họa chẳng qua là phương tiện. Còn kỹ thuật để diễn tả thì có người tự nhiên có, có người phải học.

* Từ lúc học đệ thất (lớp 6 hiện nay), tuy chưa biết nhạc lý nhưng cậu bé Miên Đức Thắng đã nghêu ngao hát những bản nhạc “tự biên tự diễn”, vẽ tranh từ năm 1970 đến giờ cũng hơn nửa đời người, gần đây còn làm gốm và làm rất lạ nữa! Trong những công việc đó, cái nào là tự nhiên, cái nào là anh có được nhờ học hỏi?

- Tài năng bẩm sinh là cái mầm, đồng thời nó phải được, hoặc bị giáo dục. Có thể nội lực có sẵn là cái quyết định bản sắc giúp chúng ta tồn tại lâu hơn. Tôi vẽ tranh từ năm 1970 nhưng không học qua trường lớp chính quy mà qua họa sĩ bạn. Còn âm nhạc là nhu cầu khao khát tự bên trong. Hồi nhỏ và đến bây giờ vẫn vậy, hễ nhìn trăng hay mưa là xúc động không ngủ được, muốn hát cái gì đó, muốn tìm đến chỗ nào người ta cho mình hát.

* Người ta biết đến anh là nhạc sĩ, nhưng hình như tranh mới là thứ giúp anh kiếm sống?

- Tôi may mắn gặp mấy người “điên điên khùng khùng” mua tranh của tôi. Một năm bán được vài bức là thấy sung sướng. Vẽ hạnh phúc vô cùng, nhưng cũng cô đơn vô cùng. Ngôn ngữ của hội họa là bảng palette màu, là tấm toan trắng, là sự im lặng. Tôi cho rằng họa sĩ là những người làm việc dữ dội.

* Sao anh gọi khách hàng của anh là điên điên khùng khùng?

- Chẳng qua cũng là cách nói vui. Tranh tôi, thỉnh thoảng bạn bè cũng khen nhưng không biết có khen thật không. Tôi có tật vẽ được bức nào ưng là hân hoan lắm. Mới vẽ xong sao mà thấy tranh của mình đẹp thế! Ngủ dậy qua một đêm lại thấy nó chẳng đẹp như tối hôm qua. Thế mới biết cái đẹp có từng thời khắc và ngoài tầm hiểu biết! Đôi khi kiến thức làm giảm đi tính sáng tạo.

* Vậy chắc hẳn anh rất may mắn vì vừa không phải học vẽ, vừa sở hữu một nguồn vui bất tận từ hội họa… Phương Đông và phương Tây trong con mắt nghệ thuật của anh khác nhau như thế nào?

- Phương Tây đề cao tính hợp lý, vốn được xem là cái gốc của khoa học kỹ thuật. Dùng lý trí để phán đoán và tạo ra nhiều trường phái. Nhưng đôi khi trường phái hóa giết chết sự sáng tạo. Còn phương Đông dùng trực giác, trực cảm nhiều. Có thể hay hơn nhưng không làm xã hội tiến lên đồng bộ được. Người nghệ sĩ có cá tính riêng nhưng vẫn có những nhu cầu chung là ăn, uống, ở cho sạch sẽ, vệ sinh… Sự phát triển đồng bộ của xã hội giúp đem đến đời sống ổn định cho người nghệ sĩ. Cuộc sống càng muôn màu càng có nhiều cơ hội thể hiện. Mỗi con người là một quả mìn. Càng vận động nhiều càng tạo ra nhiều giải pháp.

* Anh có vẻ nghiên cứu triết học nhiều nhỉ?

- Tôi mê triết và xã hội học. Ngay cả trong vật lý nguyên tử người ta mới chỉ biết có hơn ba phần. Vậy là còn gần bảy mươi phần trăm thế giới vật chất con người chưa biết được. Vì vậy tôi tin rằng khi hiểu được sự thay đổi của con người qua bệnh lý thì có thể làm thay đổi xã hội, giảm nguy cơ về bệnh tật. Nhưng có thời kỳ nó làm tôi mệt mỏi vì cuối cùng cái cao nhất của triết học chỉ là khoảng không mà thôi.

Ở phương Tây bây giờ người ta chú trọng phương pháp giáo dục giản trừ, nghĩa là làm ngắn lại, làm bớt đi, giống như sự đơn giản hóa trong đạo Phật, trong đạo Lão. Con người ta sinh ra như thế nào, khi chết đi cũng sẽ như vậy thôi! Trong cuộc đời ngắn ngủi đó, người ta bày vẽ chuyện ăn thế nào, mặc thế nào, đi đứng ra làm sao…

Giả sử tôi và bạn đang nghe nhạc thì có giọt mưa rớt xuống. Khi chưa có giọt mưa thì cả hai đều chìm đắm trong tiếng nhạc, đó là nhất nguyên thế giới.

Khi có giọt mưa làm phân tâm, bỗng nhiên người ta chú ý đến nhiều thứ khác như không khí, đèn màu, tiếng violon... Khi chưa có tư tưởng thì hạnh phúc, khi tư tưởng xuất hiện là bắt đầu có mâu thuẫn. Vậy thì mình không được hưởng cái hạnh phúc ban sơ nữa. Tư tưởng tràn ngập thì có xung đột. Sống trong nhất nguyên thế giới thì mọi dòng chảy hòa vào nhau.

* Ngôn ngữ của nghệ thuật mang lại cho anh hạnh phúc và hình như cả sự mỏi mệt trong tâm tưởng. Anh có thấy mình hơi… đa mang?

- Nghệ thuật khiến nội tâm tôi ray rứt. Nó thôi thúc mình đặt lại nhiều vấn đề. Con người là gì? Tôi là cái gì? Sống thế nào để đừng lãng phí đời sống. Hội họa cho tôi cái hạnh phúc của người bán được tranh. Âm nhạc cho tôi cái hạnh phúc bắt nguồn từ người nghe hát. Nói chung đó là hạnh phúc khi cảm nhận được sự đồng điệu.

* Nhưng hình như giá trị của hai sự đồng điệu này không giống nhau?

- Vâng, nhưng chúng không thể so sánh được. Một bên hoàn toàn tinh khiết, một bên có yếu tố vật chất rõ ràng.

* Đi sâu vào bên “có yếu tố vật chất”, hình như tác phẩm của anh có nhiều hình tượng con cá thì phải?

- Tôi luôn tự nhắc mình, kiến thức là khô rồi trong khi vẽ là trực giác, tươi mới. Cá là biểu tượng cho cái mới, tươi mát.

* Thật là một cách tự kỷ thú vị! Nếu phải đặt tên cho trường phái của mình, anh sẽ gọi là gì?

- Tôi vẽ để thư giãn, cảm nhận, buông xả. Gọi là trong vô thức cũng được, hữu thức cũng được. Vẽ xong ngắm như người yêu mình vậy. Nói nghe thoải mái nhưng khó lắm. Có khi là những trăn trở về cuộc sống, xung đột nội tâm, có khi là thong thả trừu tượng, một bóng người đi trong mưa…

* Anh mê nhiều thứ và đa tài như thế, vậy anh có nhu cầu giản trừ cái gì không?

- Người ta có ham muốn nhiều, lòng dục nhiều. Mà nền tảng của dục vọng là sức khỏe. Tôi mê nhiều nhưng tất cả là chơi vui thôi. Càng sống thì càng nhận ra một điều rằng khi mình không còn phân biệt trong - ngoài, mình vẽ tranh hay nặn đất cũng say đắm không khác gì nhau thì thật hạnh phúc! Nghệ thuật chẳng qua là phương tiện giúp mình cảm nhận cuộc sống này không buồn chán. Còn nếu nó là phương tiện về kinh tế thì càng tuyệt vời.

* Giá như nghệ sĩ nào cũng được an toàn về tài chính để có thể chơi như anh thì tuyệt nhỉ?!

- Muốn hay không thì cơm áo vẫn chi phối gần hết đời một con người. May mắn lắm mới có người không bị nó chi phối. Nhưng khi đầy đủ vật chất, khối kẻ lại bị chi phối bởi nhu cầu hưởng thụ chứ không phải sáng tạo. Tôi thì chỉ mưu cầu sao đủ cơm áo để đừng phải bận tâm nhiều để sống và làm nghệ thuật. Giản trừ của tôi là vậy đó, sống vừa đủ thôi để làm nghệ thuật.

* Vẽ tranh chơi, giờ đây lại thêm làm gốm chơi… Gốm anh làm xinh lắm, xinh như tranh của anh vậy! Hẳn anh đã đầy mình kinh nghiệm với gốm…

- Đó là cái chạm cảm biết đất lạnh hay nóng, cứng hay mềm. Đất, nước, lửa trong gốm vốn có sẵn trong người mình rồi. Đụng đến đất là kinh khủng lắm! Những người làm đất đai họ thờ đất. “Đất cho ta sống, quê hương ta bồng. Đất cho ta chết, quê hương ta về”… Còn bạn bè nói vui, Miên Đức Thắng tiên tri để bây giờ giá đất cao quá!

* Về Việt Nam thường xuyên, anh nghĩ gì về trình độ cảm nhận, thưởng thức nghệ thuật của thanh niên thời nay?

- Tôi rời Việt Nam từ năm 1989. Một thời gian dài như vậy tôi không gần các bạn thanh niên nên cũng không thể biết chính xác tư tưởng thế hệ thanh niên ngày nay thế nào. Nhưng nhìn xung quanh trong cuộc sống đời thường, ở những nơi vui chơi giải trí, thấy áo quần, nghệ thuật được ưa chuộng ngày nay có cái gì hơi giống Đại Hàn, Hồng Kông, không thấy cái chất Việt Nam cho lắm.

* Đó là về bên ngoài. Vậy anh có bao giờ nghe cái gọi là nhạc trẻ của thanh niên bây giờ?

- Tôi có nghe rồi, và phải thú thật là chịu không nổi! Phải nói là coi hát nhiều hơn là nghe. Không hiểu mình đã “qua đời” hay là quá lạc hậu mà thấy không hợp với nhạc trẻ. Nhưng tôi không thất vọng, nhất là khi đi hát gặp những bạn trẻ sống ở bên Tây, thấy họ vẫn thích nghe nhạc Việt. Tôi thấy hồn Việt Nam vẫn còn chút gì đó mà dù Tây phương hóa thế nào cũng không bao giờ tẩy đi hết được. Người Việt vốn dễ nhớ quê nhà, dễ gần với nhau.

* Với anh, nghệ thuật có tuổi không? Có tồn tại nghệ thuật cho người trẻ, nghệ thuật cho người già?

- Nhiều người nói không, nhưng tôi cho rằng cái gì là vật chất đều bị chi phối bởi thời gian. Mọi tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng rồi cũng phải biến mất. Nên nói không có tuổi chỉ là nói tương đối thôi.

Nói theo biến dịch thì con người, tư tưởng, ước mơ đều thay đổi theo tâm sinh lý. Nhiều khi mình cố gắng quay lại nhưng không thể, vì hầu hết đều chịu chi phối của quy luật thời gian. Mỗi thời mỗi khác, ngôn ngữ nghệ thuật tùy theo đó mà cũng khác.

* Chắc hẳn điều này cũng đúng đối với các tác phẩm âm nhạc của Miên Đức Thắng. Anh có thể chia sẻ về bài hát mới nhất của mình?

- Tôi, sông là bến đò. Con sông trong đó là sông Hương, ngày xưa tên là sông Thơm, trên bờ sông Thơm có loại cỏ thơm. Tại đó, tôi, con sông, bến đò hóa thân làm một.

“Tôi sông thơm lòng mẹ.Tình đầy nguồn xa xôi.Đi qua bờ thế kỷ.Mênh mang điệu ru hời.Sen chiều lên áo mới.Nội thành hát à ơiSông ơi, lòng có biết, tôi, sông là bến đò”.

Bài hát là ao ước của tôi muốn hòa vào làm một với tình yêu quê hương, thiên nhiên. Tôi muốn nói đến tính không trong Phật, Lão...

* Trong nghệ thuật của Miên Đức Thắng có “tính không” ấy không?

- Chắc có một chút, cho tôi hát thế này nhé: “Thời gian đâu có già. Thời gian đâu có dừng. Tâm già tâm đi quanh. Lạ lùng thay giận hờn. Lạ lùng thay phiền muộn... Sao mi cứ mới toanh!”. Khó khăn nhất là không suy nghĩ. Nhưng làm sao sống mà không suy nghĩ được? Thôi thì đành sống cùng với lũ, phải suy nghĩ. Nhưng may quá, có hai hướng nghĩ, tích cực và tiêu cực. Tùy mình chọn hướng nào để sống lạc quan, không bệnh tật. Khoa học đã chứng minh suy nghĩ tiêu cực, lo sợ làm tăng nguy cơ đột biến tế bào góp phần gây ung thư…

* Trong thời chiến, chủ thể, khách thể trong sáng tác của anh là hòa bình, là thanh niên yêu nước. Ngày nay tuy không phải thời chiến nhưng cũng chẳng phải thời bình thì cảm hứng sáng tác của anh là gì?

- Ngày trước phần lớn hát cho đất nước, cho hòa bình, nhưng chủ đề đó ngày nay không còn phù hợp với tuổi tác nữa. Khi lớn tuổi, cũng như nhiều người, tôi muốn trở về Tâm đạo, cái đạo của cõi người, sống để ý đến sức khỏe nhiều hơn, muốn ở bên cạnh những người bạn hiền trí… Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu tâm bệnh lý học, phân tâm học, thiền, yoga… và phần nào sự quan tâm này ảnh hưởng đến sáng tác của tôi.

* Nói một cách khách quan thì anh nghĩ những vấn nạn xã hội ngày nay như tham nhũng, ô nhiễm… có thể trở thành đề tài cho sáng tác nghệ thuật?

- Nói về những vấn đề xã hội thì tôi không dám nói nhiều vì thời gian quan sát tình hình trong nước của tôi bị giới hạn. Tôi nghĩ chia sẻ thăng trầm của đất nước và góp được tiếng nói bằng nghệ thuật thì quá tốt. Nhưng nếu nói mà không đi được đến đâu thì nhiều khi không hay mà còn có hại nữa. Tôi thấy nhiều người càng có thiện chí, càng lặng lẽ. Đó không phải là thái độ khôn ngoan vì nó mài mòn sinh lực giúp đỡ xã hội. Nhưng đất nước ngoài chính sách, phải mở ra cái gì đó, một cơ chế thực tế như thế nào đó để người ta yên tâm và vui vẻ đóng góp.

* Đối với anh, cái gì là vấn đề thời đại?

- Tôi quan niệm thời đại bao hàm trong nghệ thuật và chính trị xã hội. Đối với tôi, nghệ thuật muôn đời hơn và sâu hơn. Còn về thời đại trên phương diện chính trị xã hội, làm sao để mọi người chú tâm thay đổi để tính cộng đồng được đề cao là vấn đề của đất nước mình. Ở bên Tây, bức tường, bức tượng, viên đá nào đẹp nhất thì người ta chưng ra ngoài đường cho mọi người được ngắm. Còn ở mình, một cây cầu mới xây đã bị gỡ sắt đem bán hoặc mang về nhà làm của riêng. Tính công cộng - vì mọi người - ở nước mình còn rất thấp. Nên ngoài pháp luật, giáo dục là nhu cầu cấp bách. Trực quan trong giáo dục có giá trị rất cao. Vì vậy, hình ảnh của những bậc cha mẹ, những nhà lãnh đạo sẽ là những tấm gương cho mọi người.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp