Nhạc sĩ - Ảnh: NVCC
Nghệ thuật phải có công chúng, nhưng nghệ thuật đương đại thể nghiệm ở VN chưa có cộng đồng hiểu nghệ thuật đó. Ngọc đặc biệt ở chỗ cô không đi đâu cả, cô ở VN. Không có cộng đồng thì cô xây dựng cộng đồng cho nghệ thuật đương đại cô khai mở.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhiều hơn âm nhạc, nghệ thuật của Kim Ngọc là sự kết hợp của nhiều phương tiện và hình thức nghệ thuật, có tính chất xuyên ngành.
Ấy là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống như tuồng, chèo với nhạc cổ điển châu Âu; nghệ thuật thị giác với sắp đặt sân khấu; nghệ thuật mang tính ý niệm với chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương...
Tác phẩm của chị tồn tại dưới nhiều hình thái: âm nhạc nhà hát, trình diễn ngẫu hứng và tương tác... Để hiểu rõ hơn về hành trình khai mở con đường nghệ thuật đương đại, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Kim Ngọc.
Khán giả Việt rất trẻ và cởi mở
* Nhạc thể nghiệm "quái đản và dị", còn nghệ sĩ thì "bị nhìn như người ngoài hành tinh" như chị từng chia sẻ. Giữa nghệ sĩ và khán giả dường như bị mất kết nối, vì sao thưa chị?
- Thứ nhất, nghệ thuật đương đại không là nghệ thuật của đám đông. Thứ hai, nếu so với châu Âu có nghệ thuật đương đại lịch sử hơn 100 năm thì mình sinh sau đẻ muộn, non trẻ cũng là lẽ bình thường, dễ hiểu.
Thứ ba, khán giả Việt rất trẻ và cởi mở. Vấn đề là cộng đồng thiếu hoạt động mạnh mẽ lôi kéo họ đến với mình. Để làm được điều đó đòi hỏi nguồn lực dồi dào về tài chính, nhân sự. Hiện nay, chủ yếu là do các nghệ sĩ tự thân tổ chức, đi xin các quỹ nước ngoài.
Thứ tư, cộng đồng có lớn mạnh hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của người làm chính sách văn hóa của Nhà nước. Nỗ lực của nghệ sĩ cá nhân là tạo ra mô hình, gây được cảm hứng, kích thích nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho khán giả.
* Và Kim Ngọc đã tiên phong tạo mối nối giữa nghệ sĩ thể nghiệm với khán giả bằng các hoạt động như Liên hoan âm nhạc thể nghiệm Hà Nội (Hanoi New Music Festival), Festival Cất lên im lặng, thành lập Trung tâm âm nhạc thể nghiệm và nghệ thuật đương đại Đom Đóm... từ nhiều năm trước. Đến nay kết quả thế nào rồi chị?
- Hiện nay đang vào giai đoạn thu hoạch (cười). Tôi rất vui mừng khi khán giả đến với Hanoi New Music Festival 2018 đông và rất văn minh suốt chín đêm liên tiếp, mười sô diễn lớn nhỏ.
Ban ngày hội thảo, ban đêm trình diễn live, chương trình không miễn phí như những sự kiện nhạc thể nghiệm trước đây, khán giả đến xem không vì tò mò rồi bỏ về, không ồn ào mà rất lắng nghe.
Đó là công chúng đích thực của chúng tôi. Đến nỗi các nghệ sĩ Đông Nam Á... ghen tị khi chứng kiến như thế!
Đưa Đom Đóm vào Sài Gòn
* Lớp nghệ sĩ thể nghiệm trẻ hiện nay của Đom Đóm đang có cơ hội và thách thức gì, theo quan sát từ chị?
- Các bạn còn hạn chế trong việc tự thân biểu đạt, thể hiện cá tính và tiếng nói nghệ thuật riêng của mình. Đom Đóm hoạt động được năm năm, đón ba lớp nghệ sĩ trẻ.
Ở Đom Đóm có những khóa như Trình diễn nghệ thuật đương đại, Âm nhạc điện tử, Trình diễn ngẫu hứng. Song song đó, tôi thường tổ chức các buổi dã ngoại cho học viên kết nối với thiên nhiên, chữa lành khả năng nghe do tạp âm môi trường tác động.
Về với thiên nhiên để da thịt, thính giác được hít thở từng thanh âm trong trẻo, trí giác trong sạch hơn và cảm nhận nguồn năng lượng tích cực.
Làm tất cả chỉ để các bạn trẻ khám phá được bản dạng cá nhân, ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, chứ không đào tạo ra một Kim-Ngọc-Phẩy nào hết, không ai giống tôi và không ai giống ai.
Tôi hi vọng hai năm tới thế hệ học viên Đom Đóm trưởng thành, sau du học trở về VN tiếp nối công việc của tôi và tôi không còn cô đơn trong công tác tổ chức nữa. Tôi rất nóng lòng chờ ngày ấy!
* Và sắp tới chị có dự án hay ho gì gửi đến công chúng của mình?
- Tháng 8 tới đây, tôi đưa lớp Đom Đóm vào Sài Gòn trình diễn ngẫu hứng ở các trung tâm nghệ thuật đương đại. Năm 2020 tôi tiếp tục tổ chức Hanoi New Music Festival.
Và tôi đang theo đuổi dự án âm nhạc nhà hát, làm việc nhiều hơn với sân khấu, nghiên cứu nhạc tài tử cải lương.
Những tác phẩm... hiếm
Kim Ngọc sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật, cha là cố nhạc sĩ Trần Ngọc Xương. Chị có 15 năm học nhạc cổ điển châu Âu, chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và từng du học tại Đức.
Nhạc pop không là con đường Kim Ngọc lựa chọn nhưng ca khúc Chỉ là giấc mơ chị sáng tác khi còn sinh viên được công chúng biết đến rộng rãi qua giọng hát Uyên Linh vào năm 2010.
Những tác phẩm của Kim Ngọc mở ra nhiều chiều kích cho người xem cảm nhận, từ Giấc mơ em bé lang thang đến Ai đem con nhện giăng mùng, từ tác phẩm Cùng nhau đơn độc đến Hồ Nguyệt Cô hóa cáo - tác phẩm sử dụng năm nhạc cụ cổ điển phương Tây cùng diễn viên tuồng, chèo.
Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét: "Ngọc là nghệ sĩ hiếm có của Việt Nam sử dụng chất liệu khác nhau, cũ - mới, truyền thống - hiện đại sáng tạo mà tác phẩm hài hòa, phương tiện nào cũng có đất sống, cùng tạo nên một chỉnh thể hoàn hảo, ăn sam với nhau và khán giả vẫn cảm nhận được thông điệp chính".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận