Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa
Thành công lớn nhất của Chánh Tín vẫn là điện ảnh. Dù điện ảnh không mang lại tiền bạc nhưng mang lại tiếng tăm để anh ấy có nhiều lời mời đi hát. Thời đó, Chánh Tín như một siêu sao vì quá đẹp trai, lại hát tình ca, được các cô hâm mộ lắm, đi đến đâu cũng được xin chữ ký.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc sĩ Dương Thụ là người gắn bó với vợ chồng tài tử Chánh Tín - Bích Trâm ở Sài Gòn giai đoạn sau 1975.
Đó là thời kì cực kì gian khó với những nghệ sĩ làm tự do, là thời kì mà những nghệ sĩ như Chánh Tín đôi khi phải bán cả đồng hồ để có tiền sinh sống.
"Nhưng đó cũng là thời kì đẹp nhất của Chánh Tín", nhạc sĩ Dương Thụ trầm ngâm nhớ về người bạn nghề của ông.
* Cuộc sống của những nghệ sĩ tự do tại Sài Gòn sau năm 1975 ra sao thưa ông?
- Cực kì khó khăn. Ở miền Bắc, các nghệ sĩ đều thuộc biên chế một nhà hát, một sở văn hóa nào đó, có lương đủ sống, thậm chí có người chẳng diễn vẫn có lương. Còn ở miền Nam, nếu không thuộc biên chế đoàn nào thì phải làm việc cật lực mới đủ sống.
Những năm 80, tôi bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài thành lập tụ điểm ca nhạc ở quận 10 (TP.HCM), tập hợp các nghệ sĩ Sài Gòn, nhờ thế tôi mới biết Chánh Tín. Vợ Chánh Tín là Bích Trâm hát tiếng Pháp rất hay, cùng với Chánh Tín trở thành một cặp song ca ăn ý.
Lúc đó, Chánh Tín đã nổi tiếng nhờ vai diễn trong Ván bài lật ngửa nên việc đi hát rất thuận lợi. Chánh Tín cực kì đẹp trai, lên sân khấu phải nói là "sáng nước". Thời đó, tất cả đều nghèo, Chánh Tín đi đóng kịch, đóng phim, hát ở tụ điểm và chạy sô ở tỉnh như các nghệ sĩ bây giờ.
Thời đó buồn cười lắm, có đêm diễn đông nghịt khán giả, nhưng bầu sô nói toàn người đến coi cọp, chẳng bán được vé mấy, họ nợ cátsê mình cũng phải chịu. Có lúc đi tỉnh, Chánh Tín đã phải bán đồng hồ để lấy tiền ăn. Cuộc sống của bọn tôi thời đó lắm lúc lao đao lắm.
Chánh Tín là người hào sảng, có chút máu "giang hồ". Giang hồ ở đây là hào sảng, nghĩa hiệp đó. Tín có một đồng thì tiêu hai, chẳng tiếc bạn bè bao giờ. Ở miền Nam có văn hóa nhậu, nhậu làm người ta thấy vui vẻ, gần gũi nhau hơn. Chánh Tín được mời uống rất nhiều và cũng khó từ chối.
Nghệ sĩ rất nhiều người tìm đến rượu, không phải ai cũng từ chối được cám dỗ này. Chánh Tín uống một phần vì được mời, và cũng vì buồn, thời đó chẳng có gì giải sầu.
Trích đoạn Ván bài lật ngửa tập 8 - Vòng hoa trước mộ
* Ông đánh giá thế nào về Chánh Tín với vai trò ca sĩ? Thời đó, khán giả đón nhận một ngôi sao như Chánh Tín thế nào?
- Chánh Tín là một giọng ca có tiếng tăm trong giới ca nhạc thời sau năm 1975. Anh ấy có giọng hát ấm áp, cùng với vợ tạo nên một cặp song ca rất hay. Anh ấy là một ca sĩ thời hậu chiến cần được nhắc đến trong lịch sử âm nhạc của Việt Nam.
Tất nhiên, thành công lớn nhất của Chánh Tín vẫn là điện ảnh. Dù điện ảnh không mang lại tiền bạc nhưng mang lại tiếng tăm để anh ấy có nhiều lời mời đi hát. Thời đó, Chánh Tín như một siêu sao, vì quá đẹp trai, lại hát tình ca, được các cô hâm mộ lắm, đi đến đâu cũng được xin chữ ký.
* Chánh Tín trong mắt ông là con người mơ mộng hay thực tế?
- Chánh Tín là một sinh viên văn khoa nên rất mơ mộng. Tôi nghĩ sau này anh ấy lao vào sản xuất phim cũng vì giấc mơ điện ảnh thôi. Nghệ sĩ mà, ít người thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Làm phim lại là lĩnh vực rủi ro nhất.
Cuộc sống của Chánh Tín có giai đoạn rất phong lưu, nhưng về sau rất vất vả. Không chỉ Chánh Tín đâu mà rất nhiều người khác ở tuổi nghỉ hưu mà lao vào thương trường đều chấp nhận phải mất đi sự thong thả, tĩnh tại. Trong thương trường, đôi khi con người ta không còn được là chính mình nữa.
Tôi vẫn nghĩ chặng đẹp nhất của Chánh Tín thời kì sau 1975, khi anh ấy có tiếng và hoạt động sôi nổi. Thời đó dẫu ít tiền hơn bây giờ, nhưng có tiền là có thể gặp bạn bè, đi nhậu, tối về ngủ ngon. Còn sau này khi tuổi đã cao rồi, dính vào thương trường thì mệt đầu hơn.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong phim Dòng máu anh hùng -Ảnh: CHARLIE NGUYỄN
* Con người bình thường khi gặp khó khăn trong cuộc sống có thể tìm đến rượu giải sầu, hay lao vào những cuộc tình. Nghệ sĩ giàu cảm xúc hơn người, khi gặp khó khăn cũng hơn người, có lẽ vì thế mà họ cũng dễ sa vào cám dỗ hơn phải không ông?
- Tôi thấy đàn ông Việt uống rượu bia nhiều quá. Chị cứ nhìn ở ngoài đường xem, quán uống la liệt, đàn ông say xỉn rất nhiều. Nào phải mỗi ông nghệ sĩ mới uống.
Vấn đề ở chỗ nếu bạn là một người bình thường, cả đời bạn say xỉn cũng chẳng ai để ý. Còn khi đã là nghệ sĩ, thì dù bạn chỉ mắc một lỗi nhỏ thì cái lỗi ấy cũng bị nhân lên bởi có quá nhiều người nhìn vào bạn.
Tôi vẫn nhớ hồi tôi làm ở đoàn Bông Sen, có một bà làm công tác tổ chức phỏng vấn tôi và nói "nghệ sĩ các anh nhiều tài lắm tật". Tôi cười và hỏi: "Thưa chị, chị có tật không? Ai cũng thế thôi chị ơi. Các chị đừng nghĩ mình là quan tòa để phán về người khác. Chẳng có ai hoàn hảo cả".
Rất khó để đòi hỏi một người có tài năng phải vẹn cả đôi đường nghề nghiệp và gia đình. Nhà khoa học có thể để lại cho đời công trình lớn như Albert Einstein khó có thể chăm lo cho gia đình chu toàn, thậm chí gia đình phải hi sinh ngược lại cho những người như thế.
Người nổi tiếng theo thôi nếu có tật thì cũng giống như người đời thôi. Chẳng qua vì có tiếng nên cái tật của họ cũng nổi tiếng theo. Thời nay, động một tí là "ném đá" còn kinh nữa.
Nên bỏ cái suy nghĩ nghệ sĩ là tuyệt vời, toàn vẹn. Họ tuyệt vời ở những cống hiến họ để lại cho đời. Con người từ bình thường đến vĩ đại, ai cũng có tật cả.
Vợ chồng nghệ sĩ Chánh Tín - Bích Trâm thời trẻ - Ảnh tư liệu
* Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của bà Bích Trâm đối với cuộc đời của nghệ sĩ Chánh Tín?
- Tôi rất quý cô Bích Trâm. Đó là phụ nữ có học thức, tiếng Pháp giỏi lắm. Cô ấy là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Sài Gòn cũ, rất đẹp. Đó là một người phụ nữ không chỉ xinh đẹp, hát hay, có tri thức, mà còn làm nữ công gia chánh rất giỏi, yêu thương chồng con.
Bất kì văn nghệ sĩ nào mà có được một người vợ đi cùng mình đến cuối đời thì phải hiểu người vợ đó vô cùng tốt. Ngược lại, người chồng cũng phải như thế nào thì người vợ đó mới chấp nhận đồng hành với họ.
Để làm vợ một người đàn ông đào hoa như Chánh Tín, chắc chắn Bích Trâm phải hi sinh rất nhiều. Chánh Tín rất may mắn khi có một người vợ ở bên mình khi anh ấy đi đến chặng cuối cuộc đời.
Diễn viên Nguyễn Chánh Tín - Ảnh: GIA TIẾN
* Chánh Tín đã có một cuộc đời rất phong phú, trải qua đủ mọi cung bậc ở đỉnh cao danh vọng, có cả vinh hoa lẫn cay đắng. Nhìn lại cuộc đời một con người như vậy, ông chiêm nghiệm được gì?
- Cuộc sống của Chánh Tín tại Sài Gòn sau năm 1975 có những xáo trộn rất lớn. Các nghệ sĩ ở Sài Gòn giai đoạn này tự thân vận động, chẳng biết dựa vào ai.
Ở miền Bắc nghệ sĩ có lương, còn ở Sài Gòn, cỡ như nhạc sĩ Bảo Chấn không có sô là chết đói. Bích Trâm mang tiếng con nhà giàu nhưng gặp lúc khó khăn cũng phải chạy sô ở tỉnh, chịu cảnh sống vạ vật, bị quỵt tiền.
Người như Chánh Tín, từ một sinh viên văn khoa, không được đào tạo, không có ai nâng đỡ mà trở thành tài tử nổi tiếng không thể đùa được. Cậu ấy là người bằng nỗ lực của mình đã biến giấc mơ trở thành hiện thực.
Hồi trẻ tôi rất hâm mộ những thi sĩ như Xuân Diệu, Huy Cận, cũng từng thất vọng về giai đoạn cuối đời của họ. Nhưng sau này tôi mới hiểu không có ai hoàn hảo. Đánh giá một con người nên đánh giá những giá trị mà họ để lại cho đời. Đừng vì một vài sai lầm của họ mà phủ nhận tất cả.
Đời người có nhiều thời đoạn. Quan trọng là con người đó làm được gì, để lại cho đời cái gì. Bao nhiêu người đã sống và biến mất không để lại một dấu vết. Vì thế nên trân trọng những con người đã để lại dấu vết trong cuộc sống này.
* Cảm ơn ông vì những chia sẻ chân tình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận