27/10/2014 00:10 GMT+7

​Nhạc kịch Việt Nam - khó khăn và thách thức

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cần biết - Vài năm trở lại đây, nhạc kịch Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực để đến gần hơn với công chúng. Mặc dù vậy, loại hình này vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhạc kịch là một loại hình sân khấu rất được yêu thích và ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Châu Âu, trong đó phổ biến nhất là tại Vương quốc Anh. Nhưng đấy là chuyện tại các nước phương tây, còn tại Việt Nam, nhạc kịch đến nay vẫn còn là một khái niệm mới. Không có nhiều người, biết và hiểu về nhạc kịch, thậm chí còn nhầm lẫn loại hình nghệ thuật này với opera, nhạc giao hưởng…

Hiểu một cách đơn giản thì nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó có sự  kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung của nhạc kịch có cả bi và hài. Thông qua ngôn ngữ là âm nhạc, cùng với sự biểu cảm trong diễn xuất và nhảy múa tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhạc kịch thường được diễn tại các sân khấu lớn và được đầu tư dàn dựng với kinh phí cao. Mặc dù vậy, tại nhiều quốc gia (những nơi mà nhạc kịch phát triển và được yêu thích), loại hình nghệ thuật này vẫn được tổ chức tại các sân khấu vừa và nhỏ để đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng.

Nhạc kịch có mối liên hệ rất gần với oprea nhưng vẫn khác opera ở nhiều điểm. Để có thể thưởng thức và hiểu về một vở nhạc kịch đòi hỏi người xem phải có những hiểu biết nhất định về tác phẩm cũng như cách trình diễn, không những thế thưởng thức nhạc kịch đòi hỏi sự tập trung hơn so với opera. Ngoài ra, nếu như trình diễn opera, người ca sĩ chỉ có nhiệm vụ chính là hát, diễn chỉ là phụ và rất hiếm khi phải nhảy múa thì nhạc kịch đòi hỏi người diễn phải đảm nhiệm việc chính là diễn sau đó với đến hát và nhảy múa. Người sáng tác nhạc cho nhạc kịch thường rất chú trọng cân nhắc đến từng vai diễn để tìm nghệ sĩ phù hợp, có đủ khả năng đảm nhận vai. Ngày nay, các nhà hát thường sử dụng âm li để phóng đại giọng của diễn viên trong nhạc kịch, nhưng với opera thì điều này không được chấp nhận.

p2tntqYA.jpg

Nhạc kịch kể từ khi xuất hiện cho đến nay vẫn luôn luôn là một loại hình nghệ thuật cao cấp, không phải thể loại mang tính đại chúng. Chính vì vậy, để yêu thích hay để có thể thưởng thức nghệ thuật này cần có những hiểu biết nhất định. Có lẽ vì lý do đó, nhạc kịch tại Việt Nam kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến nay đã gần 50 năm cũng vẫn còn là khái niệm mới.

Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch Việt Nam là vở “Cô Sao” do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. “Cô Sao” được công diễn tại thủ đô Hà Nội nhân dịp 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam (1965) với hơn 150 nhạc công, diễn viên. Đến nay, “Cô Sao” đã 49 tuổi nhưng vở nhạc kịch này chỉ mới lên sân khấu vỏn vẹn 3 lần.

Rất lâu sau khi “Cô Sao” ra mắt, công chúng Việt mới có thêm cơ hội để thưởng thức những vở nhạc kịch khác, song tính đến hôm nay số lượng vở nhạc kịch được diễn tại Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở hàng đơn vị.

Nhạc sĩ Huy Tiến đã mất đến 30 năm làm việc để biến tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Victor Hugo – “Nhà thờ Đức Bà” thành một tác phẩm đương đại phục vụ khán giả Việt. Trong suốt quá trình viết kịch bản, dàn dựng, nhạc sĩ đã gặp nhiều khó khăn về kinh phí, tìm diễn viên, nghệ sĩ phù hợp… Để có thể dàn dựng một vở nhạc kịch cần sự đầu tư tương đối lớn, bên cạnh đó tìm nghệ sĩ đảm nhiệm là việc không hề đơn giản.

Đầu năm 2014, vở nhạc kịch “High School Musical & Chicago” của đạo diễn trẻ Khắc Duy đã ra mắt công chúng Việt. Đây là vở nhạc kịch được Việt hóa với dàn diễn viên hát live mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Gần đây nhất, vở nhạc kịch “Chuyện chàng dũng sĩ” được nghệ sĩ ưu tú Anh Tú chỉ đạo biên tập và trực tiếp dàn dựng đã ra mắt công chúng ngày 13/10 vừa qua. Đây là một vở nhạc kịch thuần Việt, kể về Đam San - người anh hùng trong sử thi “Bài ca chàng Đam San” của người Ê đê ở Tây Nguyên. Bằng cách sử dụng sử thi Đam San, một “chất liệu” thuần Việt để xây dựng vở nhạc kịch, nghệ sĩ ưu tú Anh Tú mong muốn nhạc kịch sẽ dễ nghe, dễ hiểu và có thể đến gần hơn với công chúng Việt.

Chặng đường 50 năm với số lượng quá ít ỏi cho thấy con đường đến với công chúng của nhạc kịch Việt Nam còn vô vàn khó khăn, thách thức. Mặc dù những năm gần đây các đạo diễn, nghệ sĩ yêu thích loại hình nghệ thuật này đã có nhiều thay đổi, tìm tòi để xây dựng hoặc Việt hóa một số vở nhạc kịch phục vụ công chúng. Tuy nhiên, để nhạc kịch trở thành món ăn tinh thần của công chúng Việt có lẽ phải cần thêm nhiều thời gian. Một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Cho đến nay, vẫn chưa có một khoa hay trường nào đào tạo về nhạc kịch, vì thế làm nhạc kịch ở Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Mặc dù vậy, với tâm huyết của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và các nhà văn hóa, chúng ta vẫn có thể tin rằng nhạc kịch sẽ sớm phát triển và trở nên phổ biến tại Việt Nam. 

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp