11/04/2016 08:14 GMT+7

​Nhạc kịch La Bohéme: Tuyệt tác âm nhạc và sân khấu cuộc đời

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Sự kết hợp tuyệt vời của âm nhạc và câu chuyện gần gũi, đậm hơi thở cuộc sống đương đại mang đến thành công cho vở nhạc kịch La Bohéme trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 10-4.

Cuộc gặp của những thanh niên Bô-hê-miêng, phía sau là tháp Eiffel. -Ảnh: Tuấn Đào

Kết thúc vở diễn, khán giả dành những tràng vỗ tay vang dội để tán thưởng các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Opera Australia cùng dàn nhạc của Nhạc viện Sydney.

Khi 11 diễn viên lần lượt bước ra chào khán giả và cùng trình diễn một khúc aria sôi nổi O soave fanciulla (Ôi cô gái đáng yêu) thì gần như cả khán phòng đứng dậy vỗ tay hòa nhịp.

Đêm nhạc kịch mang đến cảm xúc mạnh mẽ cho nhiều khán giả và sự phấn khích dành cho La Bohéme, cho thấy opera không phải lúc nào cũng là loại hình kén người thưởng thức.

Vở nhạc kịch gốc Ý này có tuổi đời hơn một thế kỷ. Với sân khấu trong nước, vở diễn không quá xa lạ khi được Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn năm 2009.

Tuy vậy, để diễn hay được tác phẩm này không phải đơn giản nếu thiếu đi sự hài hòa, nâng đỡ, hòa quyền giữa phần nhạc tuyệt hay của nhà soạn nhạc người Ý Giacomo Puccini và phần lời dựa theo tiểu thuyết cuả Henri Murger.

Kế thừa cốt truyện Những mảnh đời Bohéme, vở nhạc kịch mang tới chất liệu hiện thực đậm đặc, vốn là truyền thống của nhạc kịch thời hậu Lãng mạn. Đó là câu chuyện về những người trẻ sống bên lề xã hội Paris khoảng những năm 1840 đến 1850.

Tuy bối cảnh xa xôi như vậy nhưng hiện thực lúc đó không xa lạ với thời đại hôm nay. Đó là cảnh những thanh niên Bô-hê-miêng phóng túng, nghèo khó đến mức phải đốt bản thảo vở kịch đang viết để sưởi ấm. Nhiều người trong đám trẻ ấy có thể chết trong đói nghèo, bệnh tật mà chẳng ai hay.

Nhà soạn nhạc Puccini từng nói điều thôi thúc ông viết nhạc cho tác phẩm này là vì muốn khán giả thấu hiểu được những nỗi đau lớn lao nơi những tâm hồn bé nhỏ.

Là sinh viên nhạc viện Milan tốt nghiệp năm 1883, chính Puccini từng có trải nghiệm thực tế về những tháng năm “trụy lạc tồi tệ”, bởi vậy, ông dễ đồng cảm với “cảnh đời Bô-hê-miêng”.

Vì mang đậm chất hiện thực và hơn thế là mang tiếng nói bảo vệ người thấp cổ bé họng, với các nhân vật mang tính phổ quát, có thể gặp đâu đó trong đời thường mà vở diễn dễ cuốn hút, dễ chia sẻ, giống như thuở La Bohéme mới ra đời.

Mimi và Rodolfo trong vở diễn. -Ảnh: Tuấn Đào

Tại đêm diễn La Bohéme, khán giả hoàn toàn chẳng thấy có chút gợn nào khi thấy bối cảnh câu chuyện ở Paris nước Pháp, lời hát bằng tiếng Ý, nhạc trưởng người Anh, nghệ sĩ biểu diễn đến từ Nhà hát nhạc kịch Sydney danh tiếng và phụ đề tiếng Việt.

Trong giai điệu tuyệt đẹp của Puccini, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Jonathan Webb cùng 14 nhạc công người Úc, 4 màn của vở opera, chia làm 2 phần được thể hiện sống động trên sàn diễn.

Câu chuyện tình của cô gái Mimi (vai diễn của giọng nữ cao người Úc Natalie Aroyan) và nhà văn trẻ Rodolfo (nam nghệ sĩ người Hàn Quốc Ji-Min Park thể hiện) cùng những người bạn của họ trở nên rất dễ tiếp nhận qua sân khấu có màn hình lớn với hình ảnh sắc nét chuyển động hỗ trợ, giúp bớt đi tính ước lệ của bối cảnh.

Cuộc sống đầy khốn khó của những thanh niên vốn từng mang đầy hòa bão và mộng tưởng bị cuộc đời vùi dập. Tuy vậy, La Bohéme không chỉ mang đến không khí ngột ngạt nơi chăn phòng gác mái chật hẹp, thiếu thốn ở Paris, mà vở diễn còn mang đến một đặc trưng của nhạc kịch thời bấy giờ là pha lẫn các yếu tố hài hước.

11 diễn viên đến từ Nhà hát nhạc kịch Australia cho thấy họ quả là những tài năng khi diễn rất mượt cả bi lẫn hài. Riêng yếu tố song hành quan trọng không kém khả năng diễn xuất là kỹ thuật thanh nhạc, là khả năng hát opera thì họ xứng đáng được vỗ tay nhiều lần.

Cặp đôi nam cao (tenor) và nữ cao (soprano) của Ji-Min Park và Natalie Aroyan tỏ ra rất ăn ý, giữ cảm xúc rất đồng điệu khi được ghép đôi. Một cặp đôi khác thể hiện giọng nam trung (baritone) và nữ cao khác là Samuel Dundas (vai Marcello) và Lorina Gore (vai Musetta) cũng tung hứng rất ăn khớp.

Sự ghép nối hòa quyện, không hề bị hụt hơi hay trật nhịp của dàn diễn viên khi hát, diễn cùng nhau và cùng dàn nhạc cho thấy thấy sự chuyên nghiệp rất cao của các nghệ sĩ quốc tế. 

Ngoài những ấn tượng về mặt nghệ thuật, với nội dung gần gũi, vở nhạc kịch La Bohéme cũng để lại nhiều cảm xúc và suy tư với người xem.

Đó là cảm xúc về những người trẻ nghèo khó ở ngoài rìa Paris hoa lệ. Bóng tối, đói rét kéo họ đến với nhau, yêu nhau và rồi cuộc sống u tối khiến họ chia tay nhau, thậm chí xa lìa cuộc đời.

Có thể thấy trong La Bohéme rất nhiều mảng đối lập, đó là bóng tối và ánh sáng, tuyết rơi và nắng lên, cám dỗ và phản kháng, tuyệt vọng và hy vọng… Cùng với đó, hình ảnh ngọn nến xuất hiện trở đi trở lại vừa mang tính biểu tượng vừa truyền đến sự ấm áp, như để xua đi cảm giác lạnh lẽo của tình người.

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp