Ghen cô Vy xuất hiện trên truyền hình Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Đây là thời đại của truyền thông xã hội. Các tác phẩm cổ động cũng phải khiến khán giả thích thú, tìm thấy họ trong đó, biến họ thành một phần của tác phẩm, như vũ điệu rửa tay của Ghen cô Vy hay Việt Nam ơi cũng có nhiều video nhảy theo trên YouTube.
Bùi Quang Minh (tác giả ca khúc Việt Nam ơi)
Đó cũng là "tóm tắt" về hiện tượng Ghen cô Vy khi ca khúc này, cùng với video vũ điệu rửa tay của vũ công Quang Đăng, trong tuần qua đã liên tục xuất hiện trên truyền thông quốc tế, khởi đầu từ chương trình Last Week Tonight with John Oliver (HBO) ngày 1-3, đến kênh BFMTV của truyền hình Pháp, nhiều báo quốc tế khác và cũng được fanpage của UNICEF chia sẻ lại.
Bản tin về ca khúc Ghen cô Vy trên truyền hình Mỹ - Nguồn: Thông tin Chính phủ
Âm nhạc là phải hay!
Nhạc sĩ Khắc Hưng của Ghen cô Vy, ca khúc phòng chống COVID-19 của Việt Nam, không phân biệt giữa "nhạc cổ động" và nhạc thông thường. Với anh, âm nhạc luôn là âm nhạc. Để đến được với khán giả thì nhạc phải hay.
"Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất của nhạc cổ động là âm nhạc. Không cần biết là nhạc cổ động hay không, một bài hát có giai điệu hay sẽ đi vào lòng người", Khắc Hưng nói với Tuổi Trẻ. Anh tự hào vì phần nhạc của Ghen cô Vy xuất phát từ ca khúc Ghen, hit lớn với 115 triệu lượt xem trên YouTube.
Phần âm nhạc của Ghen cô Vy là yếu tố quan trọng khiến ca khúc được lan truyền rộng rãi như hiện nay. Bởi khi ngôn ngữ vẫn là rào cản, giai điệu lại không có biên giới. Giai điệu và nhạc nền của Ghen cô Vy lại được viết theo phong cách phương Tây, với điệp khúc có khả năng "lặp đi lặp lại trong đầu người nghe" (đây là một kỹ thuật trong sáng tác).
Video: Nghệ sĩ guitar người Đức thể hiện ca khúc Ghen cô Vy
Nếu bạn tìm kiếm "coronavirus song" trên Google hay YouTube, hàng loạt kết quả về Ghen cô Vy sẽ hiện ra đầu tiên, dù có khá nhiều ca sĩ nước ngoài cũng đã cho ra sản phẩm âm nhạc về dịch bệnh này. Điều này cho thấy Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong hiện đại hóa, trẻ hóa nhạc cổ động.
Khắc Hưng chia sẻ: "Tôi vui vì chính quyền và Bộ Y tế Việt Nam trân trọng tác giả khi họ mời chúng tôi hợp tác. Điều này cho thấy tiếng nói người trẻ được lắng nghe và việc trẻ hóa không khiến chúng ta đánh mất sự nghiêm túc và ý nghĩa của âm nhạc".
Minh Beta
Những năm gần đây, nếu tính là gây sốt trong lãnh thổ Việt Nam có ca khúc Việt Nam ơi của nhạc sĩ Bùi Quang Minh (nghệ danh Minh Beta).
Bài hát ra đời từ năm 2011 nhưng được phổ biến rộng rãi từ năm 2018, khi bóng đá Việt Nam khởi sắc. Vì thế, Việt Nam ơi được coi như một bài hát cổ động bóng đá trong mắt nhiều người.
"Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa. Về nơi nhà cao xe giăng phố. Hòa một niềm tin reo ca" - Việt Nam ơi không có phần nhạc quá hiện đại nhưng vẫn rất vui tai, "bám riết" tâm trí khán giả. Cộng với ca từ ngợi ca tinh thần đoàn kết của Việt Nam, ca khúc có độ phổ biến rộng rãi.
Ghen cô Vy xuất hiện trên trang web của tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ) - Ảnh chụp màn hình
Làm nhạc cổ động không hề dễ
Thành công của Minh Beta với Việt Nam ơi khá đặc biệt khi nghề chính của anh là doanh nhân, sáng tác nhạc chỉ là theo cảm hứng cá nhân. Nhưng nhạc sĩ nhìn nhận rất nghiêm túc về giá trị của âm nhạc cổ động.
Minh Beta nói với Tuổi Trẻ: "Gần đây, ngày càng có nhiều ca khúc nhạc cổ động nhưng phong cách rất trẻ trung, ca từ ngộ nghĩnh và được giới trẻ đón nhận. Âm nhạc có vai trò truyền đến những thông điệp tích cực, tốt đẹp. Nhạc cổ động, nếu muốn làm điều đó, phải đi cùng với thời đại".
Do đó, những bài hát cổ động có giai điệu và ca từ lỗi thời rất khó thuyết phục công chúng. Theo Minh Beta, ngày nay, nhạc cổ động không dừng lại ở điệu nhạc, tiếng hát mà phải thực sự trở thành một phong trào xã hội. Phong trào dễ thấy nhất là các trào lưu mạng của giới trẻ.
MV ca khúc Việt Nam ơi! của VTV
"Đây là thời đại của truyền thông xã hội. Các tác phẩm cổ động cũng phải khiến khán giả thích thú, tìm thấy họ trong đó, biến họ thành một phần của tác phẩm, như vũ điệu rửa tay của Ghen cô Vy hay Việt Nam ơi cũng có nhiều video nhảy theo trên YouTube", nhạc sĩ Việt Nam ơi nói.
Về virus corona, Yofrangel 911 - nghệ sĩ rap người Dominica - thực hiện MV Corona virus thu về 1,4 triệu lượt xem trên YouTube. Nhưng bên cạnh lời khen cho giai điệu bắt tai và chủ đề ý nghĩa, MV nhận nhiều lời chê vì cách xử lý không phù hợp, thiếu nghiêm túc.
Cụ thể, hình ảnh bệnh nhân và các nhân viên y tế trong MV được khắc họa trào lộng. Nhiều khán giả khó chịu, cho rằng dịch bệnh COVID-19 rất nguy hiểm khi lây nhiễm nhanh và gây chết người, không thể đem ra cười cợt. Nhạc rap cũng không dễ nghe như pop, khiến MV Corona virus khó phổ biến cho mọi lứa tuổi.
Ghen cô Vy xuất hiện trên báo NPR - Ảnh chụp màn hình
Hát về chủ đề nóng: không dễ gây sốt
Với từ khóa "coronavirus song", có thể tìm thấy rất nhiều ca khúc nhạc chế hoặc sáng tác mới trên YouTube và các ứng dụng âm nhạc.
Phong cách khá đa dạng, từ nhạc chế hài hước, nhạc dance sôi động đến ballad sâu lắng (bài hát Believe love will triumph của tập thể nghệ sĩ Trung Quốc). Trên Spotify, có đến 65 bài hát liên quan đến virus corona.
Nhưng lượt nghe của chúng đều khá ít ỏi, từ vài nghìn đến vài trăm nghìn lượt. El Coronavirus của ban nhạc El Capi (Mexico) nghe rất vui tai song chỉ đạt 110.000 lượt xem trên YouTube.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận