Cuốn sách về Phan Thanh Giản vừa nhận quyết định tạm ngưng phát hành - Ảnh: Omega Việt Nam
Trong quá trình hậu kiểm, đọc để kiểm tra trước khi nộp lưu chiểu thì biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy có một số chỗ không phù hợp nên chúng tôi quyết định dừng phát hành để chỉnh sửa và đã có báo cáo cho Cục Phát hành biết. Đây không phải là quyết định của cơ quan chức năng nào mà là quyết định của nhà xuất bản sau khi đọc hậu kiểm.
Đại diện Nhà xuất bản Hà Nội
Cuốn sách đã ra mắt công chúng từ khoảng 1 tuần trước.
Nhà xuất bản Hà Nội vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam, đơn vị liên kết với nhà xuất bản này xuất bản cuốn sách Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867), yêu cầu tạm thời đình chỉ phát hành cuốn sách nói trên.
Văn bản nêu rõ: "Sau khi nhận được sách, Nhà xuất bản Hà Nội đã thực hiện thủ tục lưu chiểu. Tuy nhiên trong quá trình rà soát lại, Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn".
Văn bản nói Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam thực hiện nghiêm yêu cầu này để hai bên thống nhất và tổ chức chỉnh sửa.
"Sách chỉ phát hành khi đủ điều kiện theo quy định của Luật xuất bản, căn cứ quyết định phát hành của Nhà xuất bản Hà Nội", công văn nhấn mạnh.
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 16-1, đại diện Nhà xuất bản Hà Nội cho biết đây chỉ là quyết định tạm dừng phát hành của đơn vị xuất bản sách là Nhà xuất bản Hà Nội chứ không phải là quyết định của cơ quan chức năng, để chỉnh sửa "một số chỗ không phù hợp".
Hỏi rõ hơn về "một số chỗ không phù hợp", đại diện Nhà xuất bản Hà Nội cho biết người này chưa đọc cuốn sách nên không trả lời cụ thể. Tuy thế, đại diện Nhà xuất bản Hà Nội cũng đưa ra ví dụ lý giải theo quan điểm cá nhân:
Tôi ví dụ như ngay tên trên bìa sách là "Nhà ái quốc…" nghe nó hơi to tát quá, dù ông này rất có công. Tôi hiểu là đánh giá con người của lịch sử thì nó có nhiều mặt, giờ nhìn lại sau quá trình hàng trăm năm, với nhiều hội thảo, nghiên cứu sâu hơn thì có thể có những đánh giá khác về Phan Thanh Giản… Nhưng cảm nhận của cá nhân tôi là cái tên ấy nghe hơi to tát quá.
Đại diện Nhà xuất bản Hà Nội
Theo đại diện Nhà xuất bản Hà Nội, gọi Phan Thanh Giản là "nhà ái quốc" thì to tát quá - Ảnh: Omega Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 16-1, ông Vũ Trọng Đại - giám đốc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam - cho biết ông khá bất ngờ khi nhận văn bản này của Nhà xuất bản Hà Nội vào ngày 14-1.
Ông Đại nói, dù Phan Thanh Giản là một nhân vật gây tranh cãi nhưng đây là cuốn sách về khoa học, nghiên cứu tranh luận về sử học, và sách đã có quyết định xuất bản của nhà xuất bản rồi, sách cũng đã phát hành ra thị trường vài hôm.
Tuy thế, ông Đại cũng tỏ ra thấu hiểu với sự e ngại theo cảm quan cá nhân của đại diện Nhà xuất bản Hà Nội với tên gọi của cuốn sách này.
Ông Đại cho biết tên của cuốn sách đúng như trên giấy phép xuất bản của cuốn sách đã được Cục Xuất bản, in và phát hành duyệt. Đại diện Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam khẳng định đơn vị tuân thủ theo yêu cầu của Nhà xuất bản Hà Nội và đang đợi phản hồi cụ thể từ nhà xuất bản.
"Có thể là vì có dư luận về cuốn sách sau khi nó vừa ra mắt nên Nhà xuất bản Hà Nội muốn xem xét lại, thêm nữa Phan Thanh Giản vốn là một nhân vật gây tranh cãi, nên họ muốn kỹ hơn. Đây chỉ là quyết định tạm dừng phát hành chứ không phải thu hồi sách", ông Đại bày tỏ sự lạc quan với cuốn sách mà Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam dành nhiều tâm huyết để "đóng góp thêm cho những nghiên cứu về nhân vật còn nhiều tranh cãi như Phan Thanh Giản".
Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) là tác phẩm của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau, dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ.
Sách gồm ba phần.
Phần đầu mô tả các sự kiện liên quan đến cuộc đời Phan Thanh Giản giữa năm 1862 - 1867.
Phần thứ hai xem xét lại tất cả các công trình công kích nhắm vào Phan Thanh Giản.
Và phần cuối cùng là các lập luận để phục hồi con người Phan Thanh Giản dưới những tài liệu chưa từng công bố.
Nguồn tài liệu chính của sách là: Thư viết tay, văn bản liên quan của Phan Thanh Giản gửi cho gia đình Đô đốc De La Grandière (thống đốc Nam Kỳ những năm 1863-1868); nguồn tài liệu vi phim của Bộ Ngoại giao Pháp và tác phẩm Châu bản triều Tự Đức (Viện Khoa học xã hội TP.HCM, 1979).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận