Chiều 30-12, hành khách đến bến xe Mỹ Đình nhưng không bắt được xe - Ảnh: Quang Thế |
Các doanh nghiệp (thuộc nhiều tỉnh thành khác nhau như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình...) đã đề xuất mong muốn được gặp trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung để kiến nghị vụ việc thay vì được mời lên để nghe thông tin phân luồng.
“Việc điều chuyển khiến 10.000 lao động vận tải của tỉnh sống trong lo lắng, không yên tâm làm ăn. Chúng tôi mong muốn được gặp lãnh đạo TP và lãnh đạo Bộ GTVT để nghe tâm tư của doanh nghiệp” - đại diện doanh nghiệp Ninh Bình cho biết.
Tại buổi đối thoại ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, khẳng định: “Không có lợi ích nhóm hay chuyện ưu tiên cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia. Chúng tôi phân luồng dựa trên tình hình giao thông thực tế của TP để sắp xếp lại cho hợp lý hơn”.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về thời điểm công bố việc điều chuyển phân luồng xe, ông Viện nói: “Năm 2017 nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn nên đây là một khó khăn. Nếu chúng ta làm ngay thì sẽ giảm ùn tắc. Sở GTVT đã chọn thời điểm phân luồng trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán”.
Chủ các hãng vận tải hành khách tại bến xe Mỹ Đình đồng loạt từ chối khách hàng để phản đối việc phân luồng xe - Ảnh: Quang Thế |
Trước đó bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Thắng (chạy tuyến Nho Quan (Ninh Bình) - Mỹ Đình), cho biết các hãng vận tải phải điều chuyển lần này đều không đồng thuận với chủ trương của Sở GTVT, vì gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
“Gia đình tôi có 12 xe khách từ 29 - 47 chỗ, có xe đầu tư gần 4 tỉ đồng. Để đầu tư mua xe phải vay ngân hàng nên thế chấp cả nhà cửa, đất đai. Đang làm ăn để thu hồi vốn thì lại phải chuyển đi nơi khác” - bà Hải cho biết.
Bà Hải thông tin thêm: “Có doanh nghiệp thì mới có các bến xe. Các doanh nghiệp được phép lựa chọn bến, vậy nên lựa chọn bến là quyền của doanh nghiệp. Gia đình tôi hoạt động trên bến từ ngày 1-1-2004, thực hiện đầy đủ những quy định của ngành vận tải. Chuyển đi vào thời điểm này thì chưa hợp lý. Sở GTVT Hà Nội phải có câu trả lời thỏa đáng thì chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trở lại phục vụ hành khách”.
Chiều 30-12, hành khách đến bến xe Mỹ Đình nhưng không bắt được xe - Ảnh: Quang Thế |
Theo ông Trần Vũ Quang, giám đốc Công ty TNHH Hà Sơn Hải (chạy tuyến Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - Mỹ Đình), nếu nói xe khách là nguyên nhân gây ùn tắc thì hoàn toàn không đúng, vì vận chuyển hành khách chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ gây ùn ứ.
“Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông chính là ý thức chấp hành giao thông, mật độ phân bố dân số. Dân cư của TP quá dày đặc, hạ tầng cơ sở vật chất của giao thông không đảm bảo. Ngoài ra, việc quy hoạch chưa phù hợp thì mới là nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc giao thông” - ông Quang nói.
“Trước đây, tôi đang kinh doanh ở bến xe Giáp Bát thì cơ quan chức năng vận động, khuyến khích để đến bến xe Mỹ Đình. Có thời điểm ba ngày chúng tôi không đón được vài khách để về, suốt năm năm trời chúng tôi phải bù lỗi. Đến nay đang thu lời thì bắt chuyển...” - ông Quang bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Định - giám đốc Công ty Minh Dũng (chạy tuyến Kim Sơn (Ninh Bình) - Mỹ Đình) chia sẻ: “Bến xe Giáp Bát gần trung tâm hơn. Nếu chúng tôi ở Nước Ngầm thì sẽ không có khách. Ở bến xe Nước Ngầm không đủ điều kiện để hoạt động trong khi giá cước dịch vụ rất cao.
Chủ trương của TP Hà Nội chúng tôi luôn ủng hộ. Tuy nhiên, phân luồng xe thời điểm này là chưa hợp lý vì nó ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Nếu phải về bến xe Nước Ngầm tôi sẽ bỏ nghề vận tải”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận