Hai căn nhà xây dựng không phép tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A nhưng vẫn được cấp số nhà - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Các căn nhà được cấp số nhà sai quy định nói trên đều nằm trong địa bàn ấp 1, xã Vĩnh Lộc A. Những căn nhà này được người dân từ các nơi khác đến mua đất, tự ý xây cất rồi đi xin số nhà.
Cấp số nhà sai quy địnhCăn nhà 80m2 của gia đình bà N.T.T.T. - tổ 16, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A - được xây trên đất trồng cây lâu năm. Nhà được xây với quy mô một tầng, cột sắt, vách tôn, một phần tường gạch, có đấu nối điện nước vào tận nơi.
Bà T. cho biết năm 2005, mới cưới nhau cần chỗ ở nên vợ chồng bà cất căn nhà tranh. Đến năm 2010, thấy nhà dột nát, bà tự ý sửa chữa, xây dựng thành nhà tôn. Lúc xây xong, cán bộ địa chính xã khi kiểm tra có nhắc nhở. Gia đình bà cũng cam kết tự tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Bà xin cấp số nhà để dễ thu tiền điện, nước, gửi thư từ, giao dịch.
“Đất không đủ điều kiện xây nhà thì chỉ giấu giếm cất căn nhà ở tạm. Chính quyền đồng ý thì ở, còn không cho cũng phải tháo dỡ” - bà T. nói.
Tương tự, căn nhà đối diện nhà số A2/40M, tổ 7, ấp 1 xây dựng không phép nhưng vẫn được cấp số nhà. Theo người dân xung quanh, chủ nhà dọn về ở ba năm nay.
Mặc dù biết các căn nhà xây dựng không phép nhưng UBND xã Vĩnh Lộc A đã xác nhận cho phép những nhà này được tồn tại đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch và UBND huyện Bình Chánh cấp số nhà.
Hay căn nhà ở tổ 9, ấp 1 xin sửa chữa lại nhưng tự ý xây thêm hơn 20m2 tại tầng trệt, thêm gác suốt 110m2 và chia thành sáu căn nhà nhỏ. Hiện nay chủ nhà đã cho người thuê trọ đến ở.Thực tế hiện nay nhiều chủ đất sau khi xây nhà xong thường xin số gắn vào cho dễ bán.
Người mua cũng vì thế tin tưởng nhà sẽ ra được sổ đỏ nên bỏ tiền mua. Một người môi giới nhà đất ở xã Vĩnh Lộc A cho hay căn nhà tuy không có giấy tờ (hai bên chỉ mua bán giấy tay với nhau) nhưng được đánh số thường có giá trị hơn những căn nhà không được đánh số.
“Nhà không có số người mua kén lắm, có thêm số nhà cũng đáng tin hơn” - người này chia sẻ.
Không đồng nghĩa được cấp sổ đỏ ông Trần Quốc Quay - chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho rằng bốn căn nhà không phép hiện thuộc quy hoạch khu dân cư nông thôn, việc xây dựng không phép xảy ra trước tháng 5-2009 nên việc cấp số nhà cho những căn nhà này là phù hợp với quy định pháp luật.
Riêng căn nhà tự sửa từ một căn thành sáu căn là do sơ suất của cán bộ địa phương không kịp thời phát hiện để hướng dẫn chủ nhà xin giấy phép xây dựng có thời hạn.
“Tuy vị trí căn nhà nằm trên đất lộ giới nhưng đủ điều kiện xin giấy phép xây dựng có thời hạn. UBND xã đang hướng dẫn chủ nhà làm các thủ tục xin tồn tại công trình theo khoản 9, điều 13 nghị định 121 năm 2013 về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng” - ông Quay nói.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng TP, việc cấp số nhà không có giá trị chứng nhận quyền sở hữu nhà. Theo quy định, những căn nhà xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng không được đánh số nhà.
Hiện nay, việc đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP vẫn thực hiện theo quyết định 22 năm 2012 của UBND TP. Trong đó quy định nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng sẽ không được đánh và gắn biển số nhà.
Trong thực tế, những căn nhà được đánh số thì chủ nhà có thể được xem xét cấp đồng hồ điện, đồng hồ nước hoặc một số trường hợp được xét đăng ký tạm trú dài hạn...
Luật sư Nguyễn Văn Phú - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết người dân nghĩ căn nhà được cấp số đương nhiên được cấp giấy chứng nhận sử dụng là sai. Việc cấp số nhà chỉ phục vụ cho cơ quan nhà nước dễ quản lý về mặt hành chính, không loại trừ khả năng căn nhà đó không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ theo quy định Luật đất đai, nếu người dân mua bán sẽ rất rủi ro.
“Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phải tiến hành đo vẽ, xin chứng nhận đất không tranh chấp của phường xã, nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét. Chuyện được đánh số nhà hoàn toàn không liên quan” - luật sư Phú nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận