Một vườn sầu riêng xơ xác, vàng úa do bị ảnh hưởng nước mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cuối tháng 7-2020, khi nước trên con sông chảy ngang chợ Cát Mít, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã lạt trở lại sau gần 6 tháng bị nước mặn xâm nhập, ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi) mới dám mở môtơ máy bơm để bơm nước lên vườn sầu riêng của mình.
Trong đợt nước mặn xâm nhập, vườn sầu riêng hơn 5 công của ông Phước chịu chung số phận với hàng ngàn vườn sầu riêng khác ở đây. Những gốc sầu riêng trên dưới 10 năm tuổi xơ xác, trụi lá.
Dù nhiều cây đã nhú tược (ra nhánh mới) nhưng phần cành, đặc biệt là những cành đã cho trái bị chết khô.
Quang cảnh những vườn sầu riêng chết khô ở Cai Lậy, Tiền Giang - Video: MẬU TRƯỜNG
"Giờ phải cưa ngang cây để nuôi phần gốc, chờ ra tược rồi dưỡng 3 - 4 năm nữa mới cho trái lại, chứ không còn cách nào khác", ông Phước nói rồi cầm cưa cưa ngang thân cây sầu riêng.
Có 100 cây phải cưa như vậy trong vườn nhà ông Phước. Sau đó lần lượt bôi vôi vào vết cưa để kích thích tược mới.
Hầu hết các nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang không có nhiều sự lựa chọn sau đợt hạn mặn nên vẫn cố giữ lấy cây sầu riêng. Thay vì trồng mới mất rất nhiều thời gian để cho trái, họ chọn cách cưa cây để dưỡng tược mới với hi vọng nhanh phục hồi vườn sầu riêng của mình.
Bên cạnh những vườn sầu riêng đã đâm chồi, hồi sinh sau mặn, có rất nhiều vườn sầu riêng tiếp tục chết dù có mưa.
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Triệu, ngụ xã Ngũ Hiệp, ngậm ngùi bỏ phế 5 công vườn sầu riêng bị chết khô vì không có kinh phí thuê người cưa cây.
Trước ông lỡ tưới nước mặn vào vườn, nước thấm hết vào đất, mưa xuống cũng không thấm thía gì, mặn không trôi hết nên cây vẫn chết trụi.
"Nhà có một mình nên tôi không đốn cây hết được, chỉ bẻ nhánh để mấy đứa cháu gom giùm. Giờ đắp mô trồng cây vô rồi chuyển qua các cây khác, nhẹ vốn và mau lớn", ông Triệu nói.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh 79.138ha, sản lượng đạt khoảng 1,49 triệu tấn/năm. Sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế lớn.
Hiện toàn tỉnh có hơn 13.500ha trồng sầu riêng, chiếm tỉ lệ 14,7% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, đạt sản lượng hơn 277.000 tấn/năm.
Trước diễn biến khốc liệt của hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, nhiều vườn sầu riêng tại huyện Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy bị thiệt hại, một số vườn có dấu hiệu chết dần.
Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, các địa phương đã ghi nhận khoảng 4.799ha sầu riêng bị ảnh hưởng và đang tiếp tục theo dõi hướng dẫn nhà vườn chăm sóc tích cực để cây sớm phục hồi.
Với diện tích vườn thiệt hại, người dân sẽ nhận được hỗ trợ theo nghị định 02 của Chính phủ năm 2017 về hỗ trợ thiên tai. Với định mức cây ăn trái thiệt hại trên 70%, người dân sẽ nhận hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, 30-70% nhận 2 triệu đồng/ha.
Nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang cưa bỏ một cây sầu riêng bị chết phần trên - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một cây sầu riêng bị chết phần trên đang được cưa bỏ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những cây sầu riêng bị ảnh hưởng do nước mặn bị đốn ngang thân chờ ra tược mới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Sau khi cưa, phải bôi vôi vào gốc để kích cây ra tược mới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một nhà vườn bôi vôi vào gốc cây với hi vọng hồi phục vườn sầu riêng của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những vườn sầu riêng cả 10 năm tuổi chết rụi do xâm nhập mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một vườn sầu riêng xơ xác, vàng úa do bị hạn mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận