Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 đã khép lại với chiến thắng kịch tính của Võ Quang Phú Đức (học sinh chuyên toán, Trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên Huế). Phú Đức giành được 220 điểm, hơn người về nhì 5 điểm.
Chiến thuật "giành chuông"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Phú Đức nói sự gan lì và chiến thuật thông minh chính là 2 bí quyết giúp em chiến thắng, giành được vòng nguyệt quế.
"Sự gan lì là giữ vững phong độ và tâm lý trong những khoảnh khắc quan trọng nhất. Sự thông minh là việc tính toán chiến thuật ở một thời khắc rất quan trọng. Trong thời khắc quan trọng mọi người thường có những cảm xúc nhiều chiều, có thể có tính toán sai lệch. Đây là điều em cảm thấy khá thành công khi kiểm soát tốt", Đức chia sẻ.
Phú Đức vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024, nhận vòng nguyệt quế mạ vàng và 50.000 USD
Chính nhờ tâm lý và tinh thần ổn định ngay từ khi nhập cuộc đã giúp Đức trả lời đúng cả 6 câu ở lượt thi cá nhân, phần khởi động. Sau đó, em tiếp tục giành thêm điểm ở hai câu trong gói thi chung. Kết thúc phần thi này, Đức dẫn đầu với 75 điểm.
Về chiến thuật cụ thể, theo lời Đức chính là sự "giành chuông". Trong đó, Đức lựa chọn phương án an toàn, không bấm chuông giành quyền trả lời từ gói "về đích" của các thí sinh cùng chơi nếu không chắc chắn. Việc này giúp Đức bảo toàn số điểm hiện có.
"Còn trước câu hỏi cuối cùng, em và Nguyên Phú cách nhau 20 điểm. Chiến thuật ở đây là giành chuông trả lời, nếu trả lời đúng thì không có gì để bàn, nhưng nếu trả lời sai chỉ mất 15 điểm. Đó là một chiến thuật em từng được trải nghiệm ở phần thi quý 3", Đức nói thêm.
Khi giành được chuông, trong trường quay Phú Đức đã hét lớn để ăn mừng, trong tiếng reo hò của khán giả trường quay và quảng trường Ngọ Môn, Huế.
Tuy nhiên, trong câu trả lời cuối cùng của cuộc thi này, Đức cũng đưa ra phương án không chính xác. "Câu hỏi này em bấm ra là đáp án 34,12%, tuy nhiên đáp án không đúng, em thành thật xin lỗi cộng đồng chuyên toán", Đức bày tỏ thêm.
Tự hào về thành quả này sau một năm cố gắng
Nhà vô địch Olympia cho biết mong muốn vòng nguyệt quế này có thể dành gửi đến bà ngoại quá cố. Trước khi mất vào năm ngoái, ước mơ của bà thấy Đức thi Olympia trên trường quay S24.
"Em đã đi xa hơn cả điều đó. Đấy là điều em rất trân trọng và đây là trận đấu em làm tốt nhất từ trước đến giờ. Em tự hào về thành quả này sau một năm cố gắng", Đức bày tỏ.
Nam sinh Thừa Thiên Huế cho biết thêm phần thi ưng ý nhất là vượt chướng ngại vật bởi đã xử lý chướng ngại vật này khá nhanh khi câu hỏi đầu tiên vừa kết thúc, chưa có bất cứ gợi ý nào.
Đức nhấn mạnh đã giữ một tâm lý thoải mái và có tính toán, suy nghĩ đến những việc liên quan đến năm 2050, năm mà đáp án nhắc đến.
"Net Zero là một thuật ngữ khá phổ biến, hiện nay giới trẻ nhắc đến nó rất nhiều. Đồng thời Net Zero cũng là mục tiêu Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Đó là lý do em trân trọng thuật ngữ này", nam sinh chia sẻ thêm. Chính nhờ sự "liều lĩnh" này đã giúp Đức có thêm 80 điểm.
Trước câu hỏi về điều tiếc nuối trong trận chung kết hôm nay, Đức cho rằng câu hỏi tiếc nuối là câu cuối cùng phần về đích của mình và nếu giữ được đáp án đầu tiên thì có lẽ mọi chuyện đã khác nhưng trận đấu sẽ mất đi phần hấp dẫn.
"Khi trả lời cây bão táp, em có xoay lưng xuống thấy Trung Kiên bắt đầu bấm chuông, tâm lý xao động nên đã đổi thành đáp án cây phong ba. Đó là điều đáng tiếc bởi không thể kết thúc trận đấu sớm hơn", Đức kể.
Nam sinh cho biết thêm, chắc chắn sau khi giành chiến thắng ở cuộc thi này, cuộc sống của em sẽ có thay đổi nhưng cụ thể thế nào em chưa rõ và mong muốn sau đây sẽ có thời gian nghỉ ngơi rồi mới tính toán các việc tiếp theo.
Về dự định trong tương lai, chàng nam sinh chuyên Quốc học cũng nói chưa quyết định đi du học nhưng nếu học ở Việt Nam, em dự định sẽ học ngành trí tuệ nhân tạo (AI).
Phú Đức là học sinh thứ 7 của trường vào chung kết Olympia và là người thứ 3 giành vòng nguyệt quế. Trước em, hai người giành vòng nguyệt quế là Hồ Ngọc Hân năm 2009 và Hồ Đắc Thanh Chương năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận